Ban Mê Thuột - Buồn Muôn Thuở - Bụi Mù Trời - Bùn Một Tấc - Biết Mới Thương ...
VÙNG ĐẤT ẤU THƠ (Trích Phần Đầu)
*Nguyễn Định
Quê hương thơ ấu trong tôi mãi mãi là kỷ niệm, như gia bảo của một đời người, không dễ phôi phai – Banmêthuột lòng yêu bất tận, mà nỗi nhớ ngàn năm chưa vơi ! Những phố phường buồn nhiều hơn vui, những con đường mùa mưa lầy lội, đất đỏ khó thương của Hàm Nghi dốc đứng, Nguyễn Hoàng hiu quạnh, hay Đào Duy Từ ảm đạm với hoàng hôn buồn.
Banmêthuột, mấy thầy cô ra trường dễ gì vui vẻ đáo nhậm, những sĩ quan Tiểu Khu hay Sư Đoàn về đây cũng ngoài dự liệu. Học trò từ xa chuyển tới chỉ là bắt buộc không có quyền riêng chọn lựa! Banmêthuột của tôi là đó, quê hương thơ mộng vàng son một thuở mà suốt một đời, tôi mang hoài nỗi nhớ theo tôi.
Tôi lớn lên tại Banmêthuột, cái thuở nằm nôi tôi không còn nhớ nỗi, hình ảnh còn lại trong tôi của tuổi ấu thơ là Kỳ Thi Tiểu học ở Trường Nguyễn Du một năm nào, con đường vòng vèo quanh Biệt Điện có tường xây bao quanh mà vườn trong mọc um tùm những cây cổ thụ để bóng ngã trên đường về mỗi chiều mùa hạ,. Thuở đó, mẹ tôi thường dọa dẫm bỏ tôi vào vườn Biệt Điện để làm bạn với ma những khi tôi làm biếng học bài. Hình ảnh của sân trường Nguyễn Du với những cây Phượng lùn tịt nở đầy hoa đỏ như máu của mỗi lần Hè, và tiếng ve kêu của buổi trưa bây giờ tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai. Con đường Thống Nhất thuở đó tôi còn mang máng nhớ, chỉ là ngôi nhà Bưu Điện mái ngói cũ kỹ mà phía đối diện là cổng vào đồn lính có cây Phượng lớn cành lá sum xuê che bóng rợp trên đường. Ngôi nhà cao cẳng tiêu sơ mang vẻ nét điêu tàn khiêm nhường đứng kề bên cổng vào đồn lính. Cái công viên còm cỏi ngày đó ít ai tưởng tới, cũng buồn thiu trơ trụi đã trở thành bãi đá bóng của những đứa nhóc con.
Nhà Thờ cha già Ngoạn ở Ngã Sáu, nằm giữa hai con đường Tự Do và Phan Chu Trinh, còn tang thương hơn trí tưởng tượng của tôi bấy giờ, bụi rêu phủ quanh tường rào và đài Đức Mẹ, dù nơi tôn nghiêm thực sự được quét dọn hàng ngày, nhưng từ xa nhìn vào, màu đất đỏ phủ quanh khuôn viên và bốn bức tường nhà thờ đã làm cho nơi chốn phụng thờ tưởng như tiêu sơ hoang phế . Bên kia Ngã Sáu, nhìn xéo qua nhà thờ Chính Tòa, là bến xe và Rạp hát Thăng Long với một khu đất trống mà chỉ cần một cơn gió nhẹ hay vài chiếc xe đi qua là đủ để bụi đỏ tung bay.
Con đường Hùng vương từ Ngã Sáu dẫn đến trường Tổng Hợp heo hút chỉ có một gốc Phượng già nằm ở góc khuôn viên Ty Công Chánh, mà phía đối diện là vài 3 căn nhà tôn nằm khuất sau dãy hàng rào cây Mận Hảo, hình như là Ty Thủy lâm gì đó.
Thế rồi sau kỳ thi Tiểu học, tôi bỏ đất buồn muôn thủa có bụi mù trời để về Thành đô theo tiếng gọi của phồn hoa! Thời gian vần vũ, và định mệnh như đã an bài, tôi lại về nơi quê hương ấu thơ ngày đó, vênh váo làm một cậu học trò Đệ Nhất theo thói thường của những cậu Tú Phần II ở tỉnh nhỏ, oai phong biết dường nào, oai phong như ta đây là cậu tú, đâu có nỡ để bóng hồng trong mắt xanh, mà dẫu có thương thầm người ta đi chăng nữa, cũng chỉ dám bâng quơ đôi ba phút, để rồi đêm đêm lén dạo qua trước cửa nhà nàng hát khẻ bài “Con Đường Mang Tên Em” vang bóng một thời ! Và cũng chính thời gian này, tôi mới hiểu, mới thấm được cái quạnh hiu êm ái của Banmêthuột, cái quấn quít thắm thiết đến khó mà rửa sạch của màu đất đỏ những ngày mưa ở xứ Bụi Mù Trời mới yêu dấu dường nào!
Hồ Trung Tâm, Vườn Ương, khu rừng Trắc Bá hút hút chạy dài hai bên vệ đường, từ Phi Trường Dân sự Phụng Dực tới cây số 5, đã là những nơi hẹn hò lý tưởng cho tình yêu thơ mộng của tuổi học trò. Học trò Banmêthuột, Bồ Đề, Hưng Đức, La San, Bán Công, Tổng Hợp, mà đặc biệt là Trường nữ Trung Học Vinh Sơn, nơi ôm ấp bao vẻ nét hình hài của một Tây Thi, Dương Quí Phi, Ngu Cơ hay Điêu Thuyền sắc nước hương trời một thời, được che kín bằng lớp hàng rào Tường Vi với kẽm gai, mà tài tử mỗi ngày về qua có lén nhìn vào cũng chỉ là cảm giác mùi hương hoa phảng phất qua kẻ lá. Học trò Đệ Nhất như Ngô Văn . . . Phạm công . . . Nguyễn huy . . . Đinh viết . . . Trần quốc . . . hay Tôn thất . . . mấy ai mà không từng mơ một lần bước đến để “đưa em vào hạ”.
Nhưng nếu có ai hỏi về địa danh của xứ Buồn Muôn Thủa ngày ấy như Rừng Chim Chíc, Thung lũng Cỏ Hồng, Đồi Hoa Vàng, thác Dray Linh . . . quả thật tôi không biết những mỹ danh ấy xuất xứ từ đâu, tôi chỉ biết khu rừng Bằng Lăng nở hoa với những màu vàng, trắng, tím, hồng ở khu rừng thuộc xã Ea Knir, của Khu Kỹ Nghệ cây số 7. Những đồi cây Dầu thân mang đầy hoa Phong Lan mà mỗi độ Xuân về hoa nở tỏa ngát mùi hương, pha lẫn với nhựa cây dầu bàng bạc trong chiều hôm Hoặc là những đồi tranh thoai thoải, rải rải mọc lên vài ba cây Quỳnh Hương vàng đậm làm tăng thêm nét hoang sơ mà vương dã giữa buổi cuối chiều của núi rừng Cao Nguyên.
Bờ suối đá phủ đầy rêu xanh với dòng nước ngược quanh quẩn qua các kẻ đá và chảy theo triền đồi đổ về Buôn Dlung như một bến đậu yên lành cho đàn voi mỗi ngày mùa nắng. Hay là con sông Serepok bắt nguồn từ Chuyangsin chạy về Banmêthuột qua núi rừng âm u của vùng Ban-Don, Chư Min để làm thành một thảo nguyên thơ mộng mà hung vĩ giữa cao nguyên đất đỏ ở phía Tây Thi-xã.
Và tất cả những cảnh sắc đó đã là gia bảo, như vốn liếng của một đời người đến nay vẫn đậm nét trong tâm hồn tôi, nhất là những tháng năm tôi bỏ xa rừng núi gió mùa của Cao nguyên.
...
Nguyễn Định
(NHỮNG DẤU CHÂN SON)
*Trích Phần đầu bài viết Vùng Đất Ấu Thơ của Nguyễn Định đăng trên Cư An Tư Nguy .com/diendan1/viewtopic.php?t=97
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét