Có một thời xa xưa.. đi vào dĩ vãng..
NHẠC "CHẾ" TRƯỚC NĂM 75
*Nam Trung Nguyen
Nói về âm nhạc ở miền Nam, trước năm 1975, phần đông đều là nhạc buồn, phản ảnh tâm trạng con người trong thời chiến. Nỗi buồn về cuộc đời, đời sống, tình yêu, quê hương, ảnh hưởng rất mạnh vào con người. Nhạc vui tươi lành mạnh thường là nhạc Xuân, nhạc Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử...
Bài này tôi chỉ nói riêng về nhạc chế, chế có ý nghĩa là sáng tạo, làm lại, điều chỉnh lại dựa theo bản gốc. Nhạc chế, hay còn gọi là “đạo nhạc” là sửa lại lời hoặc nhạc từ một bài hát nào đó. Loại âm nhạc “truyền khẩu” này có từ bao lâu? Không rõ lắm, có thể từ lúc nền âm nhạc ở miền Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Giống như ca dao, không ai biết tác giả là ai, xuất xứ từ nơi nào, nhưng phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Nhiều bài rất hài hước với ngôn ngữ bình dân, dễ thuộc, dễ nhớ. Một bài nhạc chế có thể từ một người, rồi nhiều người “thêm mắm thêm muối”, truyền tụng ra khắp nơi. Mỗi vùng có những bài nhạc chế theo ngôn ngữ vùng đó.
Nhạc chế ra đời từ lúc nào không rõ, vào thập niên 60, có một bài rất phổ thông chế theo bài hát trong phim Waterloo Bridge (phim ra đời vào năm 1940 với hai tài tử nổi tiếng đẹp nhất Hollywood là Vivien Leigh và Robert Taylor), bài này từ người lớn đến con nít (trong đó có tui) đều biết và hay hát:
“Ò e Rô Be đánh đu
Tặc Giăng nhảy dù
Giô Rô bắn súng
Chết cha con ma nào đây
Làm tao hết hồn
Thằn lằn cụt đuôi”
Đến thập niên 70, ở Sài Gòn, ban kích động nhạc Số Dzách với Xuân Phát, Tùng Lâm, Thanh Thoại, Hồng Phúc rất nổi tiếng với những bản nhạc “chế” rất vui nhộn. Nhiều băng đĩa rất ăn khách với những bản nhạc:
“Trai Không Tìm Chợ Đông”. “Xì Đô La Đô”. “Nghèo Mà Không
Ham”. “Con tôi Lấy Chồng”. “Ba Chàng Độc Thân”.
Trong những bài của ban Số Dzách, tôi thích nhất là bài chế từ bài “Nửa Đêm Ngoài Phố” của Trúc Phương:
- “Buồn vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm, nhỏm dạy đi tìm nàng
Tìm khắp xóm tôi không gặp nàng nào
Lòng bâng khuâng khiến tim tôi nghe cồn cào
Đi tìm một nàng ma-ri
Tôi nhớ cái hôm nàng đi dưới ánh đèn bên nhị- tì
Mình bước tới trao cô khúc bánh mì
Nàng không ăn muốn ăn con gà rô-ti”
Rất nhiều đều biết bài chế từ bài “Gạo Trắng Trăng Thanh”
của Hoàng Thi Thơ:
- “Ai đang đi trên cầu Bông
Té xuống sông ướt cái quần ny-lông.
Vô đây em, dù trời mưa, anh cũng đưa em về”.
Một bài chế theo nhạc ngoại quốc:
- “Bà già lấy le ông già
Chiều chiều dắt ra bờ sông
Hai người nói chuyện tâm tình
Rủi ro ông lọt xuống sình”.
Trong thời chiến, hình ảnh của người em gái hậu phương được diễn tả như sau (bài Con Đường Xưa Em Đi của Châu Kỳ) :
- “Con đường xưa em đi
Người ta kéo dây chì
Thế là em hết đi
Có thằng đi su-ki (Suzuki)
Ở bên đường ngó qua
Bảo rằng em séch-xi”
Đối với những anh đang lâm vào cảnh “nghèo túng” thì “ca bài con cá” (theo bài Cho Tôi Được Một Lần của Bảo Thu).
- “Cho tôi mượn một ngàn
Ngày mai tôi trả ngàn mốt
Một ngàn ngày mốt trả ngàn hai
Một ngàn tuần sau tôi trả ngàn tám
Đầu tháng tôi đưa hai ngàn”.
Được đà, anh than về cuộc đời sao “đen tối” như đêm ba mươi ( theo Kiếp Nghèo của Lam Phương)
- “Đường về đêm nay tối thui
Gập ghềnh anh không thấy tui
Nên đụng tui anh bảo tôi đui
Thật tình tôi đâu có đui
Tại vì đường đêm tối thui nên đụng tui anh bảo tui mù”.
Vài nghệ sĩ nổi tiếng cải lương và tân nhạc được nhắc theo bài Tạ từ Trong Đêm của Trần Thiện Thanh:
- “Trung Chỉnh, Hoàng Oanh, Thanh Nga, Thanh Tuyền, Ngọc
Giàu, Hữu Phước
Thanh Lan xéch- xi đâu bằng Bạch Tuyết với anh Hùng Cường
Hẹn gặp nhau đây, Kim Loan không nói gì,
Kim Loan cúi mặt tâm tư héo mòn
Đã gặp nhau rồi sao Giao Linh không nói,
Giao Linh cúi mặt để giận hờn Thanh Sang”.
Nói về cá tánh của nghệ sĩ thì không ai mà không biết (Lỡ Chuyến Đò – Anh Việt)
- “Đời nghệ sĩ lăn lóc dưới mương
Ba ngày sau nổi lên sình trương
Sình thì sình nhưng vẫn cứ thương
Thương thì thương nhưng đã sình trương”
Những lời “than thân trách phận”, tâm sự cô đơn thì không sao bằng những lời than như thế này: (Đời Tôi Cô Đơn của Đài Phương Trang)
“Đời tôi đen thui nên yêu ai cũng đen thui
Đời tôi đen thui nên yêu ai cũng đen thùi
Đời tôi đen thui nên yêu ai cũng thấy đen
Yêu ai cũng thấy rầu vì rằng người sao quá
đen”.
Đến khi thất tình, theo quan niệm “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, nên có chàng rất “dứt khoát”: (Duyên Kiếp – Lam Phương)
- “Em ơi nếu mộng không thành thì sao
Mua chai thuốc chuột uống vô rồi đời”
Trong thời chiến, có những chàng trai có tâm trạng ưu tư về cuộc đời, về chiến tranh nên:
- “Anh nằm xuống, anh bực mình, anh đứng lên
Đứng lên xong, anh lại nằm dài
Đứng lên xong, anh lại nằm dài
Rồi nằm xuống, anh bực mình, anh đứng lên
Anh đứng lên, rồi nằm. Anh đứng lên, rồi nằm…”(Cho Một Người Nằm Xuống- Trịnh Công Sơn)
Tình yêu cũng có những cuộc tình dang dở, đầy thương đau, không ít người gặp kẻ phản bội, bị tình phụ bỏ rơi (Những Đồi Hoa Sim- Dzũng Chinh)
- “Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Kể chuyện ngày xưa nàng yêu tên hắc ám có bầu bị bỏ rơi
Phút cuối không nghe được câu nói, không cầm được vài ngàn.
Dù một ngàn đơn sơ…”
Nói về các anh lính độc thân, có anh miệng thì “ngọt lịm như mít lùi”, than vãn với bạn gái (Đêm Buồn Tỉnh Lẻ- Bằng Giang, Tú Nhi)
- “Đã lâu rồi, đi lính tính đôi nơi
Nhưng em ơi tiền lương ít
Mái nhà xưa, em ơi còn ở đó hay ra đi từ hôm nào
Và nơi đó em ơi có tiền không đưa cho anh vài ba trăm
Mấy đêm hôm rồi, anh đi binh xập xám
Anh thua luôn ngàn tám
Em ơi biết hay không đời lính anh nghèo”
Đến lúc sửa soạn ra trận, chàng hát rằng (chế theo bài “Lời Người Ra Đi” của Trần Hoàn)
- “Một ngày anh bước đi, em nhớ đưa cho anh đôi giày
Nghe nói rằng, kỳ sắp tới còn đánh lớn còn dài dài
Còn nhiều gian khổ em ơi
… Lấy giầy ra, đem đôi giày mà đánh xi ra…”
Rồi khi lúc bị thương, anh trở về kéo lê nạng gỗ, kể lể (Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân – Song Ngọc)
- “Tôi trở về đây lúc chân bị thương
Ba tháng hành quân ở bên Hạ Lào
Nói chuyện tâm tình ở trên đồi cao
A- ka vỗ vào chân trái
Nằm nhà thương hết ba bốn ngày”
Một bài khác chế theo bài “Sơn Nữ Ca” của Trần Hoàn:
- “Một đêm trong rừng núi
Có con khỉ núi ăn me chấm muối
Ngồi cười nhăn răng”.
Nhiều bài nhạc chế chỉ vỏn vẹn vài câu đầu:
- “Học sinh là người hủ tiếu ăn hai ba tô” hay “Học sinh là người mặc áo sơ mi ca rê”
(Học Sinh Hành Khúc – Lê Thương)
Hoặc:
- “Trời hồng hồng, sáng trong trong, vài cô gái mặc áo lòi mông”
(Hè Về - Hùng Lân)
Không riêng gì tân nhạc, cổ nhạc cũng có nhiều bài rất “tiếu lâm”:
- “Hoàng hậu nương nương là người mang vú giả
Không tin bệ hạ mở ra xem sẽ thấy một lớp cao su trộn với
bông… gòn”
Hoặc:
- “Bà ơi tôi về đây không phải để gây thù chuốc
oán
Mà tôi về đây để đòi lại chai thuốc lác hiệu ông…
già”
Còn nhiều lắm, trong kho tàng nhạc chế không biết được
con số chính xác, có nhiều bài lời và ý rất “tục”, xúc phạm thuần phong mỹ tục, công súc tu sĩ nên không dám đăng vào đây.
Tóm lại, nhạc chế có thể xem như là một nét độc đáo của văn hóa Việt Nam. Ấy là cá tính rất dễ thương của dân tộc mình.
Nam Trung Nguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét