“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” (Ngập Ngừng- Hồ Dzếnh)
NHÌN LẠI NHỮNG BẾN BỜ (Trích dẫn)
*Duyên Anh
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Nó hất hàm:
– Biết thơ ai không ?
Tôi nhún vai kênh kiệu:
– Hồ Dzếnh.
– Biết Hồ Dzếnh ở đâu không ?
– Không.
– Ở hiệu sách Trung Phương, phố Huế.
– Mày quen à ?
– Tao biết.
Nguyễn Thịnh kể hiệu sách Trung Phương của vợ thi sĩ Trần Trung Phương, tác giả thi phẩm Mấy vần tươi sáng. Đây là tập thơ duy nhất viết cho tuổi thơ, học trò. Sau thi sĩ Trần Trung Phương không có ai làm thơ cho nhi đồng nữa. Ông đã qua đời ở hậu phương. Vợ ông về Hà nội và tái giá, trở thành vợ của thi sĩ Hồ Dzếnh. Tôi mê tập truyện Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, nhà văn Minh Hương, bố Tàu mẹ Việt. Ông đã cho xuất bản hai thi phẩm Quê ngoại và Hoa xuân đất Việt. Ông yêu quê ngoại, yêu Việt nam. Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan đều hẹp hòi, không xếp ông vào Thi nhân Việt nam và Nhà văn hiện đại. Khi đăng lại truyện ngắn Nhà đông con của ông, tuần báo Tuổi Ngọc đã nói lên sự bất công này và yêu cầu những người viết văn học sử Việt Nam đừng quên Hồ Dzếnh. Ở Pháp và cả ở Mỹ nữa, những di dân đã mang quốc tịch Pháp, Mỹ mà viết văn bằng tiếng Pháp, tiếng Mỹ, được coi là nhà văn Pháp, nhà văn Mỹ. Hồ Dzếnh viết văn, viết thơ bằng tiếng Việt nam. Ông lại chọn Việt Nam làm quê hương. Văn ông thiết tha, cảm động. Thơ ông chứa chan tình tự, ngập tràn hình ảnh. Chưa thấy một thi sĩ Việt Nam nào yêu mẹ Việt Nam như Hồ Dzếnh qua bài Cảm xúc:
Cô gái Việt Nam ơi
Tự thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết hồn cô u uẩn lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho hồn cô gái Việt Nam tươi
Tôi ái mộ Hồ Dzếnh, thường đến hiệu sách Trung Phương, giả vờ mua tuần báo văn nghệ, cái bút bic, cuốn vở, hy vọng gặp mặt người anh của Em Duỳn(*). Không lần nào tôi gặp cả vì không bao giờ Hồ Dzếnh ngồi ngoài hiệu sách. Thời gian từ 1950 đến cuối 1954 là thời gian khá sinh động của văn học nghệ thuật Hà nội vùng tề. Nó cũng là một bến bờ, một dấu mốc quan trọng của văn học sử. Thanh Nam đã sống trọn vẹn ngày tháng này, đã sinh hoạt liên tục và quen biết hết văn nghệ sĩ. Rất tiếc, Thanh Nam đã không viết hồi ký. Thành ra, thế hệ những người cầm bút hôm nay rất mơ hồ về một bến bờ văn học Hà Nội 1950 – 1954, bến bờ có Sao Mai với Nhìn xuống nhiều vang vọng. Thanh Nam, nay đã quá cố. Chẳng còn ai đủ tư cách để nhìn lại một bến bờ. Chúng ra còn mơ hồ cả về bến bờ văn nghệ lãng mạn cách mạng 1946 – 1949. Thời gian 1950 – 1954, tôi đang mơ trở thành Thanh Nam và mong nhìn mặt Hồ Dzếnh. Không có hân hạnh nhìn mặt tác giả Chân trời cũ, tôi đành thu tôi trên căn gác nhỏ biệt lập sau số nhà 13 phố Ngô Thời Nhiệm mà tưởng tượng thất tình.
(Hết trích)
...
(*) Tên một truyện ngắn trong Chân trời cũ. Duỳn là tiếng Quảng đông, chữ Việt là Duyên. Em Duỳn đã làm tôi tốn nhiều nước mắt.
DUYÊN ANH
36 bình luận
3 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Bình luận
Phù hợp nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét