Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN CÔNG TRỨ (BMT)

Ban Mê Thuột và tuổi thơ của tôi...
(Bài viết của Trâm Anh)
TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN CÔNG TRỨ
Tôi sinh ra ở Sài Gòn và lớn lên tại Ban Mê Thuột, một thị xã nhỏ hiền hòa thuộc miền Cao nguyên Trung Phần. Nếu không có biến cố lịch sử xảy ra, có lẽ tôi sẽ sống hoài ở đây.
Tôi còn nhớ mãi năm đầu tiên vào học lớp Năm A do cô Uyên làm chủ nhiệm tại trường Nguyễn Công Trứ. Cô có dáng người dong dỏng và hay bới tóc cao. Cô rất dữ đòn, học sinh nào nói chuyện nhiều trong lớp thường bị cô đánh đòn. Có lần một bạn nói chuyện trong lúc cô lên văn phòng uống nước, trở về lớp nhìn thấy, tiện tay cô cầm cái ly gõ lên đầu bạn đó, làm bạn chảy máu đầu. Ngày đầu tiên tan học về, ra cổng trường không thấy bóng mẹ, tôi vừa khóc vừa theo chân các bạn đi phía trước. Được nửa đoạn đường, nghe tiếng gọi, quay lại thấy mẹ ở sau, tôi mừng quá nín khóc liền. Mẹ dặn tôi lần sau nhớ đứng trước cổng trường đợi mẹ, không được tự ý đi về. Thật ra lúc đó tôi khóc vì không biết nhà mình ở đâu. Cạnh nhà tôi là nhà của bác Thiều (bác gái là cô giáo Tĩnh), chính là bố mẹ của Chu Tiến Cương (bạn học chung lớp Tám Một). Chị em tôi thường hay chơi với chị Định, chị Yến, chị Phượng (chị của Cương). Mỗi lần nấu món gì nhân ngày giỗ, mẹ lại sai chị em tôi mang qua biếu hai bác và ngược lại có quà gì từ Sài Gòn gửi lên, bác lại sai các chị mang qua nhà biếu bố mẹ tôi. Phải nói là hai gia đình rất thân nhau. Nhưng chẳng bao giờ tôi nói chuyện với Cương. Ngay cả sau này, khi Cương học cùng lớp Sáu, Bẩy và Tám. Cương rất hiền và học khá.
Tết Mậu Thân 1968, chiến tranh bùng nổ. Năm đó lần đầu tiên tôi nghe được tiếng súng đạn. Hầm chỉ là cái bàn ăn cơm trên chất vài cái gối. Nghe tiếng pháo kích, mẹ gọi chị em tôi chui xuống gầm bàn. Tôi quá sợ hãi. Bố tôi ở trong quân đội nên có lệnh cấm trại 100%. Ở nhà chỉ có mấy mẹ con với nhau. Sáng hôm sau nhìn ra cửa thấy mọi người bỏ chạy khỏi nhà để tránh bị pháo kích, mẹ dắt các chị em tôi chạy đi lánh nạn ở tại nhà bà cụ Thái làm giò chả ở đường Y Jut. Vài ngày sau, êm tiếng súng, bố cho xe đón mẹ và các chị em tôi vào Quân Y Viện ở tạm. Được hơn tuần, hai bên ngưng bắn, mẹ và chị em chúng tôi về nhà trước, còn bố tôi vẫn ở lại bệnh viện. Trên đường từ Quân Y viện về nhà đường Hàm Nghi, dọc hai bên đường người và súc vật chết la liệt. Những xác heo chết trương phềnh lên. Đường phố vắng lặng không một bóng người. Thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe Jeep chạy trên đường.
Vài tháng sau Tết, bố tôi lên nhận chức vụ Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Ban Mê Thuột. Chia tay với căn nhà quen thuộc ở đường Hàm Nghi, bố mẹ tôi dọn về căn nhà ở Cư Xá Độc Lập, khu cư xá dành cho sĩ quan, ở gần cổng số Một. Tại đây, hàng xóm với bố mẹ tôi là Bác Sĩ Minh (là ba má của Phan Ngọc Quang). Cô Cúc (má Quang) là giáo viên trường Tiểu Học Nguyễn Công Trứ. Mẹ tôi chơi khá thân với má Quang. Nhưng một lần nữa chẳng bao giờ tôi nói chuyện với Quang, ngay cả sau này tôi học chung lớp với Quang trong ba năm ở cấp ba.
Khi nhận chức vụ mới với nhiều trách nhiệm nặng nề hơn, bố tôi vẫn dành thời gian dạy các chị em tôi học. Buổi tối sau khi cơm nước xong, mấy chị em tôi lại mang vở ra cho bố xem. Năm đó tôi học lớp Tư của cô Tâm. Đầu tiên là bố kiểm xem có đánh rơi mực làm lem vở không,vở có bị quăn góc không, bài làm có bị điểm kém không, tất cả những lỗi đó đều bị bố tôi khẻ tay. Sau đó là bố dạy các chị em tôi làm bài tập nhà. Suốt trong thời gian từ lúc nhỏ cho đến khi tôi học lớp mười, bố tôi vẫn dạy các chị em học (sau năm này thì bố tôi đi học tập). Những bài toán về Đại số, Hình học, Lượng Giác, Lý, Hóa khó không làm được, bố tôi đều giải một cách rõ ràng, dễ hiểu. Nhưng mà với điều kiện các chị em tôi phải thuộc công thức khi bố hỏi đến. Vì theo bố tôi, không thuộc bài, không thuộc công thức làm sao có thể giải được một bài toán. Mở đầu là học cửu chương. Cứ mỗi ngày tôi phải học thuộc một cửu chương và ngày kế tiếp học ngược lại cửu chương đó từ dưới lên. Buổi trưa khi bố đi làm về, tôi phải đọc cho bố nghe. Khi đã học thuộc hết chín cửu chương, thì bố tôi dò lại tất cả từ hai đến chín và sau đó lại đọc ngược từ dưới lên. Thuộc lòng cửu chương rồi nhưng hai chị em tôi phải thường xuyên ôn để nhớ, thỉnh thoảng bố tôi hỏi năm lần bảy là mấy mà trả lời ấp úng thế nào cũng bị phạt. Ở đây xin mở ngoặc là trong những năm đầu mới ra trường, bố tôi làm việc tại Quân Y Viện Đà Nẵng. Buổi tối bố tôi dạy kèm luyện thi Đại Học tại một nhà thờ gần đó do một Cha mời bố tôi dạy. Lớp luyện thi của bố tôi lúc nào cũng đông học sinh. Chính một bác Luật Sư, sau này kể lại cho chị em tôi nghe rằng, bác rất khâm phục bố tôi vì kiến thức không chỉ giới hạn trong ngành Y mà tầm hiểu biết rất rộng trong những lãnh vực khác.
Xin trở lại câu chuyện của những năm Tiểu Học. Năm lên lớp Ba tôi học lớp cô Minh tại trường Bà Triệu (lúc này trường Nữ đã tách riêng với trường Nam Tiểu Học Nguyễn Công Trứ). Bắt đầu học đến xem giờ,nên chiều nào mẹ tôi cũng lấy đồng hồ cũ ra vặn giờ và dạy cho tôi. Qua đến năm lớp Nhì, tôi học lớp cô Sĩ. Cũng trong năm này, bố mẹ tôi đón anh Tuấn, học lớp Tám (là con trai của bác tôi)lên để nuôi ăn học, vì anh mồ côi cha mấy năm nay. Anh Tuấn rất vui và cũng thích chơi với 5 chị em gái chúng tôi, ngay cả những trò chơi của con gái như lò cò, nhảy dây, đá cầu. Ngược lại chẳng ai chịu chơi bắn bi với anh ấy. Rồi anh chỉ cho mấy chị em tôi dùng miếng xốp (loại thùng cà rem) bỏ vào xăng máy bay thành một thứ keo láng, và quết lên những hòn đá đã rửa sạch để chơi ô quan. Anh còn chỉ cho dùng màu nước để làm những tấm thiệp Tết hay Noel. Thời gian này mẹ tôi đã sanh thêm em trai đầu tiên. Anh vẫn phụ với chị em tôi bế em khi cần. Bố mẹ tôi rất nghiêm khắc với con cái. Trước giờ đi làm, bố tôi luôn xuống phòng các chị em xem có ngủ trưa không, ngủ thật hay ngủ giả vờ. Anh Tuấn được miễn ngủ, vì đã lên Trung Học. Bởi vì bố tôi luôn nói rằng, giấc ngủ trưa rất quý, còn nhỏ không phải lo toan gì mà không ngủ, mai sau có muốn ngủ cũng không được. Có những công việc phải bỏ ngủ trưa để làm kiếm sống. Vậy mà cũng có lần chị em tôi trốn ngủ trưa, rón rén ra sau vườn chơi xây nhà trên cát cùng với anh Tuấn. Đống cát khá to. Mỗi chị em tôi chọn một chỗ để làm nhà. Chị tôi làm núi lửa, tôi làm nhà hai tầng, em tôi đào ao, làm mương..., anh Tuấn xây bệ gắn chong chóng quay. Chơi mãi mà không biết chán. Thời gian này có hai chú lính đến giúp việc cho bố mẹ tôi. Chú Năm thì giặt quần áo cho chị em tôi và lau chùi bàn ghế trong nhà. Chú Rạng thì đi chợ và chăm sóc vườn tược. Tiếng là giúp việc nhưng có hôm chẳng có việc gì mẹ tôi nói các chú nghỉ ở nhà hoặc là làm nửa buổi rồi về. Mẹ tôi vẫn lo cơm nước hàng ngày. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Cuối tuần thì mẹ tôi bắt chị em tôi tự giặt quần áo và dạy chị em tôi nấu cơm, nhóm bếp. Bố mẹ tôi luôn muốn con gái phải biết qua công việc nội trợ chứ không ỷ vào người khác.
Qua năm lớp Nhất, tôi học lớp cô Ngoạn. Hè năm đó, tôi học luyện thi Đệ Thất tại nhà cô. Anh Tuấn chuẩn bị vào lớp Mười. Bỗng dưng một buổi sáng sớm, tôi giật mình thức dậy vì thấy cả nhà xôn xao. Trước đó cả hai tuần, anh Tuấn chẳng nói năng gì, ai sai bảo làm gì thì làm mà không nói. Đến giờ ăn thì vào ăn. Bố mẹ tôi có gạn hỏi anh cũng chẳng trả lời mà cứ ngồi buồn buồn. Một tuần sau anh lại bỏ ăn. Sợ anh mất sức lả đi, bố tôi cho anh vào bệnh viện để truyền nước biển. Trước khi đi, mẹ tôi sai tôi pha cho anh ly sữa nóng và ép anh uống. Đó cũng là lần cuối cùng chị em tôi nhìn thấy anh Tuấn. Bởi vì hai ngày sau, một buổi chiều chú lính đến đón tôi tại nhà cô Ngoạn và báo tin là anh Tuấn đã mất rồi. Quay xe về nhà chú chở hết tất cả chị em tôi lên bệnh viện để nhìn anh lần cuối trước khi liệm.
Bác gái tôi nhận điện tín từ Sài Gòn cấp tốc mua vé máy bay lên. Nhưng thật ngạc nhiên là khi bác vuốt mắt anh thì mắt lại không nhắm hết. Chú lính vội báo tin cho bố tôi biết. Bố tôi từ văn phòng xuống nhà xác, vừa khấn vừa vuốt mắt cho anh, thế là mắt anh Tuấn mới chịu khép chặt. Có thể anh muốn giành một phần tình cảm cho người chú đã nuôi dạy anh trong mấy năm trời chăng? Đám ma của anh khá lớn. Cho đến giờ này chẳng ai biết anh chết vì bệnh gì, nhưng anh rất linh thiêng. Lúc còn sống trong gia đình bố mẹ tôi, anh hay thích ăn bánh mì thịt. Mỗi năm đến ngày giỗ anh, nếu bận quá không làm gì được thì chị em tôi cũng nhớ mua ổ bánh mì thịt đặt lên bàn thờ của anh Tuấn. Sau ngày chôn anh Tuấn rồi, chị em tôi mới thấy buồn. Vừa buồn lại vừa sợ ma. Bất cứ lúc nào mẹ tôi sai xuống nhà sau lấy gì hoặc muốn uống nước, cả mấy chị em liền rủ nhau đi thành hàng dài, vừa đi vừa nói chuyện để ma có thấy thì không dám đến (đúng là con nít còn ngây thơ). Chẳng biết nếu có ma thật thì ma không dám đến hay là chị em chúng tôi bỏ chạy trước. Rằm tháng Bảy năm đó, không còn anh Tuấn để dành nhau bánh kẹo sau khi mẹ tôi cúng cô hồn, mà ngược lại chị em tôi còn phải chắp tay trước bàn thờ cúng anh Tuấn nữa.
( Trích Phần 1, Ban Mê Thuột và tuổi thơ của tôi của Trâm Anh)
Sơn Nữ DuHien DaoVincent Luyen và 75 người khác thích điều này.
16 bình luận
Bình Luận
Phi Bao Công nhận anh Đạt lục lọi giỏi thiệt ! hi .
Đạt Phạm Đình Trâm Anh là bạn học với Phi Bảo phải không?
Phi Bao Hi . Anh biết nhiều hén !
Trước đây anh có học Nguyễn Công Trứ không ?
Đạt Phạm Đình Anh học ở trường Tiểu học Độc Lập sát trường TH Hưng Đức.
Đạt Phạm Đình
Viết trả lời...
H'Sonca Lasan Cám ơn Đạt Phạm Đình ! Ký ức lại về....Nơi đây năm mươi năm trước, cô học trò nhỏ đã thi lấy mảnh bằng đầu tiên trong đời....nhớ là có thi hát nữa và mình đã hát bài Nhớ một người... Thảonguyên Nguyễn Phạm ui....hihi...ko biết có phải ông thầy giám thị có tâm trạng hay sao đó mà cuối giờ thi, thầy đến gần nói nhỏ...mai mốt em thi vào trường TH thầy sẽ giúp em....!
Đạt Phạm Đình Thế mà chị H'Sonca Lasan lại qua học trường Vinh Sơn...định đi tu hay sao ha?
H'Sonca Lasan Chị học Vinh Sơn nhưng đi thi Tiểu học tại đây .
Đạt Phạm Đình Đạt đoán trúng trường Vinh Sơn, vì nứ sinh đầu tiên ở trường này được chuyển qua học bên Lasan.
Đạt Phạm Đình
Viết trả lời...
H'Sonca Lasan Do papa chuộng tiếng Pháp nên muốn con học tiếng Pháp.
Thanh Nguyen Phung Hoang Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ,cái nôi đầu tiên đã nuôi tôi lớn lên. Tôi học lớp ba vào năm 1956,trước đó thì học trường làng.
Trường được xây theo hình chữ U .Sân trường không phải trồng cỏ hay tráng ciment mà chỉ là đất bazan .Thế nhưng cũng đủ cho chúng tôi quần thảo với một quả bóng để sau đó đầy đấu bóng trên áo quần.
Có lẽ quan trọng nhất là cây cầy (knier) nằm trong sân trường.Nó rộng, tỏa bóng cả một phần sân.Rất nhiều trò chơi diển ra dưới bóng cây này.Thời điểm này nam ,nữ còn học chung.Sáng thứ hai ,buổi chào cờ rất trang trọng,thầy hiệu trưởng Lưu Quý Chiểu,chỉ nói ngắn gọn, nhắc nhở nền nếp của trường.
Quá trình học ở đây chữ LỄ đặc lên hàng đầu.
Sau khi học hết bậc tiểu học ở đây, chúng tôi đã được trang bị một vốn kiến thức vừa phải để lên trung học.
Còn nhiều kỷ niệm khác nữa đã ghi đậm vào tiềm thức rồi không thể nào quên.
Đạt Phạm Đình Kỷ niệm đẹp quá anh Thanh Nguyen Phung Hoang! Em cũng bắt đầu học lớp ba vào năm 1964 ở trường Độc Lập...Những ký ức tuổi thơ đi học thật khó phai mờ. Em nhớ mãi!
Thanh Nguyen Phung Hoang Đạt và Trâm Anh đã khơi dậy những kỹ niệm đầu đời của thủa học sinh. Những ai đã ở Ban Mê đã học ở trường này thì khi gặp nhau thường nhắc đến những kỹ niệm về ngôi trường này.
Ngôi trường này theo tôi được ví như người tình đầu tiên trong đời mình nên không bao giờ quên.
Cám ơn Đạt nha!!
Đạt Phạm Đình
Viết trả lời...
Hướng Dương-ptm Đố các em năm đầu tiên cô lên Bmt ở cơ quan nào trong tấm hình này ?
Hung Kieu Một bước trở về quá khứ đầy kỷ niệm bằng một văn phong chân phương làm khơi dậy trong lòng nhiều người những điều tươi đẹp của lứa tuổi thanh xuân tưởng đã bị chìm lấp theo thời gian thật đáng trân trọng. Và một điều hay nữa là dám viết thẳng những suy nghĩ thực của mình, không màu mè làm bộ làm tịch.

Tiếp theo là những suy nghĩ của tôi thuộc phạm trù khác xuyên qua bài viết:
Úi chà! Lại biết thêm một tiểu thư đài các chảnh choẹ.
Má hai người chơi khá thân với nhau, thế mà học chung với nhau suốt mấy năm trời chẳng bao giờ nói chuyện. Mà chắc gì những chàng kia đã thích việc ấy đâu?
Với một ít hiểu biết sơ đẳng về tâm lý, tôi nghĩ họ đã bị một mặc cảm tự ti, còn các nàng lại có trong tiềm thức một sự tự tôn trẻ con theo như mô tả của Freud.
Mà cái sự tự tôn ấy có phải tự bản thân mình tạo ra đâu?
Đạt Phạm Đình Tram-Anh Nguyen ơi... có anh Hùng Kiều hỏi em kìa!
Hai Nguyen ĐPĐ giỏi lục lọi ký ức lắm lun ấy.HN cũng học tiểu học NCT mà bi giờ chỉ nhớ cô Tâm dạy cho lớp 5cô sơn lớp4 cô biên lớp 3 cô cúc lớp nhì cô Ngọc lớp nhất..vậy mà đã 50 năm tiểu học đã qua đọc bài viết mà lòng buâng khâng ...
Tram-Anh Nguyen Các anh chị thân mến, Nhờ hình ảnh xưa của anh Đạt và bài viết về BMT của em (do anh Đạt post lên) mà em được làm quen với các anh chị. Em cám ơn các anh chị đã đọc bài của em và có những nhận xét rất đáng quý. Bài này em đã viết vào đầu năm 2010 trên blog để chia sẻ với các bạn học cùng khoá tại trường cấp 3. Anh Hung Kieu ơi, cho em đính chính lại một xíu nha. Các chị em của em là trường hợp ngoại lệ chứ không phải là "tiểu thư đài các chảnh choẹ" đâu. Bố Mẹ em rất khó tính và nghiêm khắc, việc học là chính, con cái ít được đi đâu nên chị em của em đều nhút nhát. Sau năm 75, Bố em đi học tập, tương lai chỉ là màu xám, vốn nhút nhát lại mang nhiều mặc cảm nên em không dám nói chuyện với các bạn. Sau này gặp lại các bạn học cũ trên đất Mỹ, bạn nào cũng thổ lộ rằng ngày xưa chung trường chung lớp nhưng chẳng ai nói chuyện với ai. Với các bạn thì em không biết tại sao nhưng riêng với em thì như thế. Em chỉ biết cố gắng học hành, được đến đâu hay đến đó. Mến chúc các anh chị một ngày an lành.
Đạt Phạm Đình
Viết trả lời...
Hướng Dương-ptm Năm 1968, các em ở phố mỗi sáng đi học tạt vô chỗ cô ở, đón cô cùng đi bộ xuống trg BĐ: Minh Trung (Rồng vàng), Liên Hoa, N.T .Nhung, Đặng Ngọc Thuận, Hòa...Khi mô gặp sẽ "bật mí".
Bo Dao Trường tiểu học Nguyễn Cộng Trứ...là trường công lập đầu tiên ,là trái tim của Ban mê thuôc
Tram-Anh Nguyen Chị ơi! Cô Cúc đã mất cách đây mấy tháng rồi.
Tram-Anh Nguyen Chị ơi! Cô Cúc đã định cư ở Đức vào khoảng năm 90, 91 gì đó, em không nhớ rõ lắm. Và cô mất tại Đức vào cuối tháng 4/2015. Em chỉ biết có thế thôi. Cám ơn lời nhận xét của chị về bài viết của em.
My Ngo Nho nhieu ky niem thoi be that dang qui cho tat ca Ai da lon len tu BMT minh nho truong hoc voi CAY DA vao gio ra choi tui minh choi u ,nhay day that la vui ,, con dau day nu cuoi tuoi tho hoc sinh BMT!! ,,,
My Ngo Nhin hinh minh con nho hoc o cho nào tu lop 1 - 5 that cam on Ai da post tam hinh qui nay
Đạt Phạm Đình
Viết bình luận...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét