Ban Mê Thuột và tuổi thơ của tôi...
(Bài viết của Trâm Anh)
(Bài viết của Trâm Anh)
NỮ SINH BAN MÊ
Rồi mùa hè buồn cũng trôi qua, nhường chỗ cho năm học sắp đến. Năm học mới, ngôi trường mới: Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột.
Hôm biết tin tôi đã thi đậu vào Đệ Thất do má của Quang đi xem kết quả về và báo tin, mẹ tôi gọi điện thoại cho bố tôi liền. Bố tôi lúc đó đang ở trong Quân Y Viện. Bác tôi từ Sài Gòn gửi lên thưởng cho tôi một cây bút máy Parker, năm ngoái khi chị tôi thi đậu Bác cũng thưởng như thế. Mẹ tôi cho 1 bộ quần áo bằng soie màu hồng cánh sen do chính tay mẹ cắt may. Mẹ tôi rất khéo trong việc nấu ăn, may vá, thêu thùa và đan. Quà của bố cho tôi là một đống truyện Tuổi Thơ. Những lần bố tôi về Sài Gòn họp, khi lên quà cho chị em tôi ngoài bánh kẹo, còn là cả một đống truyện Tuổi Thơ, Thiếu Nhi, Thằng Bờm mua từ nhà sách Khai Trí ở số 60-62 đường Lê Lợi (giờ đã đổi thành FAHASA).
Thỉnh thoảng vào cuối tuần bố tôi cũng thường dẫn chị em tôi ra nhà sách Văn Hoa đường Quang Trung để mua truyện. Hai chị em tôi thích đọc Thiếu Nhi và tủ sách loại Hoa Đỏ, Hoa Xanh. Em tôi thích đọc Thằng Bờm. Tôi vẫn thích nhất là loại Hoa Đỏ. Bố giao cho tôi trông coi tủ sách, vì tôi cẩn thận hơn chị tôi. Thiếu số thứ tự nào thì ghi ra giấy, lúc nào có dịp đi Sài Gòn, bố mua cho đầy đủ. Ngoài giờ học, chị em tôi có thể đọc truyện hay là rủ nhau chơi đồ hàng. Mẹ tôi mua cho rất nhiều đồ chơi mỗi lần bố mẹ về Sài Gòn. Nào là bộ nồi niêu soong chảo. Rồi bộ đĩa tách, hay là máy bào nước đá. Mỗi cái một màu, nhìn trông thích mắt. Chơi bán hàng cũng vui. Chị em tôi lấy bánh ngọt ra bỏ vào những cái nồi nhựa, hay đĩa nhựa rồi tự đặt tên thành món ăn. Tiền là tờ xổ số (đã dò và không trúng) xin từ các chú lính làm trong nhà. Nhiều khi mấy chú cũng đứng nhìn chị em tôi chơi nữa. Chị tôi thường nghĩ ra rất nhiều trò chơi và các em chỉ việc tham dự. Chẳng hạn như chị bỏ tất cả cục pin cũ (battery) lên giường trải chiếu cói, rồi lật ngửa cái bàn lên (bàn chỉ cao khoảng nửa mét, bề dài khoảng 8 tấc và bề rộng khoảng 5 tấc), chị bế em trai hai tuổi cho ngồi vào đó, và đẩy qua đẩy lại trên những cục pin. Em trai tôi thích quá vừa cười vừa vỗ tay. Thế là mấy chị em lại giành nhau, người nào cũng muốn ngồi vào đó để được đẩy đi. Trò chơi này được chị em tôi chơi khá lâu. Và những lần em khóc dỗ không nín, đặt em vào đó ngồi là xong. Tôi chẳng phải dỗ dành em nữa và em lại được chị ngồi chơi cùng với mình. Các em tôi cũng ngoan, luôn chơi theo các trò chơi của các chị.
Tôi bước vào lớp Sáu Một với bao điều ngỡ ngàng. Có thêm nhiều môn học mới mà mỗi môn học là một thầy hoặc cô dạy. Thang điểm cao nhất là hai mươi chứ không phải là mười điểm như ở bậc Tiểu Học. Có nam sinh học chung với nữ sinh, không còn là trường độc quyền chỉ dành cho nam hoặc nữ nữa. Có thêm nhiều bạn mới. Nhưng mà điều vui nhất vẫn là được mặc chiếc áo dài xanh. Chiếc áo dài mà mỗi lần mẹ tôi mặc đi phố tôi đều nhìn và thích thú. Mẹ dẫn tôi đến may áo dài tại nhà may Minh Tâm (mãi đến bây giờ tôi mới biết má của Trí Dũng là chủ tiệm may này). Thầy Tiến là giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi năm lớp Sáu. Trước ngày khai giảng khoảng hai tuần, bố tôi bắt tôi tập viết. Chị tôi cũng đã qua giai đoạn này trước tôi một năm. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng thật sự là vậy: tập viết bằng bút máy. Bố tôi phát cho một quyển vở năm mươi trang để viết và chỉ có một dòng chữ: tôi tập viết. Bố dạy cách cầm bút ngòi bút phải thẳng với trang vở vì nếu cầm nghiêng, hòn bi trên đầu bút sẽ bị mòn lệch. Cầm bút phải nhẹ không ấn mạnh quá khi viết. Và đặc biệt là nắp bút khi mở ra phải gắn ngược lên phía trên bút. Bố tôi giải thích là bất chợt đang viết bài mà cô giáo gọi, quên chưa kịp đóng nắp bút lại thì bút cũng không bị rớt xuống đất và đó cũng là cách mà nắp bút không bị mất được. Mặt bàn học ngày xưa thường hay nghiêng xuống một tí cho dễ viết nhưng đúng là học trò hay làm rớt bút nếu không để lên phía mặt ngang ở trên. Khi đã tập viết xong quyển vở năm mươi trang thì tôi cũng đã biết cách cầm bút máy một cách nhuần nhuyễn rồi.
Bố tôi không biết hút thuốc, uống rượu hay nhảy đầm nên tất cả thời gian bố đều dành cho gia đình. Bố tôi thường nghe nhạc cổ điển vào mỗi buổi tối và những buổi sáng chủ nhật. Có một lần bố cho chị em tôi chơi cắm trại ngay tại sân trước nhà. Mỗi đội tự nấu cơm và một món ăn rồi bố đi chấm điểm. Đội nào nấu ngon sẽ được thưởng. Bố tôi chia thành hai đội. Đội Một là chị tôi và em gái thứ ba. Đội Hai là tôi và em gái thứ tư. Lều là tấm nylon che lên ngay bên hông nhà. Bố chỉ cho hai chị em tôi cách nhóm bếp củi, phải xếp củi so le để dễ cháy và không bị khói. Lúc này đã có tám chị em đầy đủ nên mẹ tôi cho các em nhỏ ngồi ở cửa sổ nhìn các chị chơi. Hai chị em tôi thay phiên nhau chạy vào bếp mượn mẹ đủ thứ nào nồi, chảo, hành, mỡ, gạo, mắm, muối. Chị tôi nấu cơm, canh cà chua trứng và trứng chiên. Tôi nấu cơm, xào bạc hà với cà chua và trứng chiên. Sau đó cả hai đội dọn ra và hồi hộp chờ bố đến ăn thử để chấm điểm. Đã có những lần bố cho các chị em tôi vào Quân Y Viện chơi ngay tại văn phòng của bố làm việc. Nhìn thấy chú Loan đưa cho bố một xấp công văn để ký tên, tôi thích quá. Về nhà tôi cũng bắt chước lấy ra một xấp giấy và ngồi tập ký tên. Không ít lần tôi theo mẹ đi phố những dịp gần tết. Mẹ dẫn tôi đến tiệm bánh An Phát để mua vài ký bánh ngọt. Rồi ghé qua tiệm BomBay của ông Chà Và Ấn Độ để mua vải may quần áo. Thường thì mẹ tự cắt may quần áo cho năm chị em. Mỗi buổi chiều tắm rửa xong, thì các chị em tôi ngồi ghế đằng trước hiên nhà để đón bố tôi đi làm về. Thấy xe Jeep chở bố về, tám chị em vỗ tay reo lên. Mọi nỗi mệt nhọc của bố tôi đều tan biến đi và thay bằng nụ cười và vòng tay ôm choàng lấy các chị em tôi.
(Trích Phần 2, Ban Mê Thuột Và Tuổi Thơ Của Tôi của Trâm Anh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét