Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

SỰ TÍCH CÂY CẦY (K'NIA) *Tác giả bài viết: Nhật Trường - Sưu Tầm

 

Buổi sáng em làm rẫy, thấy bóng cây Kơnia.
Bóng ngả che ngực em, về nhớ anh không ngủ...
(Bóng Cây Kơ Nia-Phan Huỳnh Điểu)
SỰ TÍCH CÂY CẦY (K'NIA)
*Tác giả bài viết: Nhật Trường - Sưu Tầm
Ngày xửa ngày xưa, có đôi vợ chồng rất nghèo, lại hiếm muộn. Đến tuổi già, bệnh tật hành hạ, việc lao động trở nên quá sức. Hai ông bà đành vay thóc lúa của một gia đình giàu có trong làng để có cái mà ăn. Người trong làng biết ông bà sẽ không thể nào trả lại được số nợ đó, vì sức khỏe không còn thì làm sao làm lụng mà trả nợ. Ông bà lại không có con cháu, nên cũng không có ai để thay ông bà trả nợ. Với người Tây Nguyên, nợ nần đã là một nỗi nhục, thêm việc tuyệt đường tôn tử lại càng xấu hổ hơn. Bởi dân làng quan niệm rằng, vợ chồng đã sống không tốt, hoặc kiếp trước đã giết người nên kiếp này bị các Yang trừng phạt, không cho sinh được con cái. Từ đó, dân làng cứ ngày càng xa lánh họ.
Thấy mình oan ức, vì cả đời sống lương thiện, người chồng bèn đến bên sườn núi cắt cổ con gà, khui cái ché rượu tế các Yang, xin các Yang phù hộ cho được con cái. Ông tế liền 7 ngày 7 đêm. Các Yang thấy ông có lòng thành thì rủ lòng thương. Vì vậy, dù đã đến tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn giúp cho ông bà có được một đứa con gái.
Ngày sinh con, ông bà mừng rỡ, tạ ơn các Yang. Hôm sau, ông bà làm lễ Pơ-răp Yun (lễ đặt tên con) và đặt tên đứa bé là K'Niê.Nhưng buồn thay, đứa bé tuổi vừa được vài mùa rẫy thì ông bà qua đời. Gia đình nhà giàu kia đến bắt K'Niê về làm người ở để trừ nợ. Vì cha mẹ nợ thóc lúa, nên ngoài những việc dành cho con gái như lấy củi, hái rau, gánh nước, giã gạo... thì đến mùa làm rẫy, K'Niê bị bắt ra rẫy cày cấy như đàn ông. Cái rẫy của người chủ sau nhiều năm gieo trồng, nay đã cằn cỗi, đất cứng như đá, nắng rọi cháy da cháy thịt, cỏ dại mọc cũng không nổi. Một ngày nọ mệt quá, K'Niê nằm trên khoanh rẫy cằn cỗi ngủ thiếp đi, và không bao giờ thức dậy nữa.
Cô gái đã chết.
Đêm hôm đó, K'Niê báo mộng đến chủ nhà, bảo rằng đừng chôn cất cô về nghĩa trang của làng. Hãy lập mộ cô ngay giữa khoanh rẫy, và cô sẽ trả nợ cho họ. Chủ nhà nghe theo.
Ít lâu sau, từ nấm mộ cô mọc lên một loại cây. Giữa rẫy hoang cằn cỗi, cây vẫn xanh tươi, lớn rất nhanh, thân cây thẳng đứng mạnh mẽ, cành lá xum xuê tỏa bóng mát, mặc trên trời nắng gắt, dưới đất khô cằn. Nhờ bóng mát che chở, những mùa rẫy sau cánh đồng trở lại tươi tốt, thóc lúa bội thu. Người chủ không những đã thu gom đủ thóc lúa cho vợ chồng nghèo kia vay trong nhiều năm, mà còn có dư để đem cho người nghèo khác trong làng.
Dân làng bèn đặt tên cho cây ấy là cây K'Niê. Người Ê Đê chúng tôi gọi là Kyao K'Niê.
Từ đó, người Tây Nguyên không bao giờ chặt phá cây K'Niê. Nếu cây mọc giữa rẫy, dân làng vẫn giữ nguyên đó, vì niềm tin rằng đó là nơi trú ngụ của thần linh, của linh hồn người đã khuất. Người ra rẫy cũng vì thế mà được nhờ bóng mát sau những giờ phơi mình ngoài nắng cháy.
Xưa kia, người đi làm rẫy nếu chẳng may bị no hơi, đầy bụng thì chỉ cần lấy lá K'Niê nấu nước, uống vài ngụm là khỏi. Nặng hơn, nếu bị sốt rét rừng, thứ bệnh mà dân làng xưa kia tin rằng là do bị ma ám, ma nhập... thì cũng uống nước nấu cây K'Niê để chữa. Dân làng đã khỏi, và tin đó là sự linh thiêng của cô bé K'Niê. Ngày nay, các nhà khoa học đã biết chiết xuất thuốc chống sốt rét từ cây K'Niê.
*Kơ nia (k'nia), còn có tên địa phương là cây cầy, một loài thực vật có tên khoa học là Irvingia malayana thuộc chi Irvingia có nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á.
Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, họ coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi họ đụng chạm đến chúng, chặt phá chúng; vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa. Người Kinh khi làm rẫy cũng chừa lại cây Kơ nia làm bóng mát không phải vì lý do tâm linh mà vì gỗ cây này quá cứng nên rất phí công đốn hạ nó. Vì bài hát Bóng cây Kơ-nia nên du khách khi đến với các tỉnh Tây Nguyên thường kiếm tìm, xem thử tận mắt cây kơ nia. (Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/K%C6%A1_nia)
Có thể là hình ảnh về cỏ và cây
Tất cả cảm xúc:
Ly Trinh, Phạm Thuỳ Hương và 112 người khác
41
3
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Thanh Dang
Xứ Thượng đăng bài này làm Thanh nhớ đến bài hát yêu thích “Bóng cây Ko Nia “ quá!
Xứ Thượng
Thanh Dang Cám ơn Thanh đã nhớ đến bài hát này. Còn giọng hát của Thanh rất hay từ thời làm học sinh của thầy Chung Viết khánh..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét