"Vàng son trên mặt sơn cước đã phai. Những hình ảnh mà tôi từng thấy như thế ở Tây Nguyên đã trở thành kỷ niệm của một thuở loài người còn thuần khiết. Nó trở thành một thứ ký ức kiến trúc, di sản tinh thần của con người."
VÀNG SON SƠN CƯỚC ĐÃ PHAI
*Nguyễn Hàng Tình
Căn nhà chơ vơ trên sườn đồi. Mây, nắng hoang hoải lướt qua nó. Tôi bước chầm chậm lên đồi, theo lối mòn mà hẳn chủ nhân của nó tạo ra đã nhiều mùa. Cỏ cây bao quanh khiến nó như căn nhà hoang. Ai đó đã cất nó lên, rồi vứt bỏ đi?
Tôi đi vòng quanh căn nhà, chỉ một ít cây gỗ làm khung, trụ, còn lại chủ yếu lồ ô. Có trụ kê trên đá, có trụ chôn vào đất. Nét tỉ mẩn trong bố trí hệ thống trụ, sườn, sắp xếp ván, những lớp vách bằng lồ ô đập dập, và cả sự chăm chút cửa sổ rất đẹp, có ý tứ, đã trả lời tôi rằng nó không phải căn nhà tạm bợ, cất tạm, ở tạm, rồi để vứt vội.
Vòng quanh bên ngoài căn nhà, gọi là chòi cũng đúng, dưới mặt đất, là một vạch cạo trũng nhằm cho nước mưa thoát nhanh. Đúng nghĩa căn nhà thảo mộc. Tôi vạch vách lồ ồ nhìn vào bên trong. Những thùng, bao chứa đồ căng tròn cột chặt xếp thật ngăn nắp. Ánh nắng cũng le lói rọi vào, lăn tăn trong đó.
Hình như chủ nhân cố ý tạo những khe hở như thế. Tựa vào lưng núi, tránh hướng mưa tạt, đón nắng, lộng gió, thoáng đãng như thế này, thì ẩm thấp nào xâm hại được. Một thứ khoa học xây dựng dân gian, trao truyền và lĩnh hội rất tự nhiên, nhẹ tênh, tinh tế.
Ngôi nhà cách làng người Sê Đăng bản địa mười lăm cây số. Và đó là nhà kho chứa lương thực của họ. Nương rẫy ở đâu nhà kho ở đó, mà rẫy nương bao giờ cũng xa bon (làng), tách biệt với bon. Họ cất nhà kho ngay tại rẫy, để trữ nông sản luôn ở đấy. Bỏ luôn thành quả sau một mùa vất vả làm ra cho rừng núi, mà không sợ người khác lấy trộm.
Cứ để vậy, khi cần thì lên chở về xay giã ăn dần, ăn tới đâu lên chở tới đó. Của cải để giữa trời. Họ bảo không ai lấy đâu, vì ai lại đi lấy công sức của người khác, và người Sê Đăng ghét trộm cắp. Không ai muốn mình thành người xấu, bị người khác coi khinh, và bị cộng đồng mang ra giữa bon bêu tên. Chắc nhờ sống trong vòng ôm của thiên nhiên, rừng núi mênh mông, nắng gió tưng bừng, nên lòng con người ta mới rộng, niềm tin mới dồi dào, tuyệt đối đến vậy.
***
Đi khắp miền thượng Tây Nguyên, qua nhiều quê xứ bon, plei của người Giẻ Triêng, Rơ Mâm, Banah, J’rai, Ê Đê, M’Nông, S’Tiêng, K’ho, Mạ, Chu Ru... đều nhận ra chỉ dấu kiến trúc phổ biến đó. Càng ở vùng sâu vùng xa, càng thấy nhiều những nhà kho trên núi, cạnh suối, cạnh sông, ven đồi, dưới thung sâu.
Có khi là những căn nhà lẻ loi, có khi là hàng chục căn nhà như thế rải khắp một vùng rẫy nương - nhiều gia đình cùng có rẫy canh tác trên một vùng núi, địa bàn. Cứ thấy nó là tin yêu cuộc sống. Con người sống bằng danh dự, tự trọng, lòng tin với nhau, chưa cần đến khế ước, tổ chức, chính quyền, hay luật pháp, nhà tù. Ước gì mình cũng sống bằng tâm thế đó! Hay là, nếu lọt vào không gian sống đó, tôi sẽ khởi lên lòng tham (?!).
Điều bình dị thực - ảo đó coi vậy mà đã quá hai mươi năm rồi. Những tháng năm này đi qua cũng sông núi ấy, nhưng những căn nhà kho thưa dần, vắng dần, rồi biệt tăm. Hỏi nguyên do, thì bà con sơn cước bảo người nhập cư mới từ “ngoài kia” vào ưa lấy cắp quá, luôn sẵn sàng chở sạch nông sản, có khi còn đốt hay dỡ nguyên cả cái nhà kho đi luôn! Lặp lại nhiều mùa như thế, người bản địa chân chất cũng thấm đòn. Nơi nào dân nhập cư mới nhiều, chỗ đó đẩy lùi sự thiện lành, tinh tế, niềm tin. Nên giờ phải tìm cách giữ mồ hôi mình làm ra, không lấy của ai nhưng cũng cố gắng để người ta không lấy được của mình. Giữ chưa chặt như dân nhập cư mới, nhưng phải giữ cái đã. Là chở thẳng về nhà, những nông sản thu hoạch được trên rẫy đó, bất kể nó ở xa hay gần nhà. Cuộc marathon của lý trí và lòng tham.
Ai nhập khẩu tham tàn lên miền thượng vậy, Yàng hỡi?
Vàng son trên mặt sơn cước đã phai. Những hình ảnh mà tôi từng thấy như thế ở Tây Nguyên đã trở thành kỷ niệm của một thuở loài người còn thuần khiết. Nó trở thành một thứ ký ức kiến trúc, di sản tinh thần của con người.
Giờ thì trở về với thực tại thôi. Là cứ mỗi mùa thu hái cà phê, thấy rẫy cà phê nào, chỗ phơi cà phê nào cũng giăng lều bạt để canh giữ đêm lẫn ngày. Lều bạt dã chiến cứ như đi đánh trận. Bởi nạn trộm cắp như rươi, lan tràn không chừa chỗ nào, khắp núi rừng xưa Tây Nguyên. Dân rẫy vất vả, tròng trành dù không sống trên mặt nước như dân dưới ngoài biển Đông. Tất nhiên lều canh xuất hiện nhiều nhất ở chỗ của dân nhập cư mới. Số lượng lều, chòi tỷ lệ thuận với cấp độ đa nghi.
***
Đi qua phố phường, từ đồng bằng đến cao nguyên, cứ nhìn cảnh nhà khóa năm bảy khóa, xây tường cao ngút, hàng rào lởm chởm mảnh chai, kẽm gai mà không hiểu loài người đang đi lên hay đi xuống, khái niệm văn minh là thế nào đây, và chất lượng không gian sống nên hiểu ra sao.
Có vị vua trong lịch sử nước tôi, từng chỉ ra rằng chỉ dấu cho một xã hội thái bình là “nhà không rào, cửa không khóa”. Nước tôi từng có những thời đoạn lịch sử như thế, và Tây Nguyên này cũng từng lộng lẫy hơn cả thế, như ngôn ngữ kiến trúc của những nhà kho trên núi kia.
Nhà kho trên núi ơi, sao ta nhớ mi quay quắt thế này. Tây Nguyên giờ rừng còn được mấy mảnh đâu. Cái nhà kho đó tựa vào chân lý nào của tự nhiên đây, để tồn tại, để sống tiếp, để thách thức lòng tham ở con người và phe phẩy cùng gió mây.
Bà con bản địa sơn nguyên ơi, ai còn thương tôi thì cất cho tôi một nhà kho như thế, dù chỉ một mà thôi, để tôi gom góp lưu giữ những vẻ đẹp cây cỏ buồn sang, thật thà thảo mộc.
H’Jiê - tên gọi nó theo tiếng một số sắc dân bản địa Tây Nguyên - ơi, tao nhớ bóng dáng của mày!
Nguyễn Hàng Tình
Tất cả cảm xúc:
86Khanh Vuquoc, Thanh Phan và 84 người khác16
1
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Co Doc Soi
Cháu đang ở như vậy á chú . Khác là có điện thôi
- Thương thương
- Phản hồi
Xứ Thượng
Co Doc Soi Chắc phải lấy vợ.. thôi cháu!!
- Thích
- Phản hồi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét