Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

MÙ U ƠI, HỠI MÙ U! MÙ U THƯƠNG NHỚ! *Antontruongthang's Blog

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Bướm vàng đậu trái mù u,
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn. (Ca dao)
MÙ U ƠI, HỠI MÙ U! MÙ U THƯƠNG NHỚ!
*Antontruongthang's Blog
...
Tại thành phố Đà Nẵng , huyện Hòa Vang quê tôi và các huyện dọc miền duyên hải tỉnh Quảng Nam trước đây có rất nhiều cây mù u.
Nhưng nay cây mù u hình như đã biến mất không kèn không trống. Thỉnh thoảng chỉ thấy vài cây nho nhỏ lẫn khuất bên bờ ao, bờ ruộng để rồi ít lâu sau đi qua, lại thấy không còn dấu vết. Trước khi con đưởng Điện Biên Phủ , Đà Nẵng được hình thành, vùng Thanh Khê đi Cẩm Lệ có những cây mù u cổ thụ. Con đường quốc lộ thời Pháp thuộc nối Cẩm Lệ với Miếu Bông cũng có nhiều hàng mù u. Rồi trong vườn rậm rạp các đình miếu hoặc những nơi hoang tàn thời chiến tranh mù u cũng mọc nhiều .Với bóng lá to , cành dày, khách bộ hành thường dừng lại nghỉ chân vào buổi trưa những ngày trời “nam” nóng. Các em bé ngày xưa thường dùng một xu đồng rồi dùng lá mù u để tạo nên những đồng tiền lá chơi trò “ bán buôn”. Trái mù u già được bọn trẻ xén lát xỏ dây làm “ tim” đèn thắp chơi. Những bác thợ cày ngắm nghía các cành cây già vặn vẹo để tìm một cái ách trâu, ách bò.
Bổng chốc, các các mù u âm thầm biến mất khỏi vùng đất nầy , thay vào đó là những ngôi nhà bê tông , những con đường nhựa mới. Hình như cây mù u hoàn toàn không có giá trị gì!
Nhưng khi đọc lại những tích xưa, những chuyến du hành trên vùng đất nầy của những người nước ngoài, tôi thấy họ quan tâm đến cây mù u và ghi chú cẩn thận giống cây nầy.
Tích xưa được đồn đại ở Huế cũng như tại vùng đất nầy là những trận đánh Pháp hoặc đánh nhau gọi là “ trận mù u”. Ta đánh ta hay đánh Tây cũng một nguyên tắc là đổ trái mù u ra đường , nơi lực lượng đối lập phục kích. Khi phe địch đến, quân phục kích nhào ra đâm chém những người bị “ trượt chân té” vì đạp nhầm trái mù u tròn. Không biết các trận đánh ấy giết được bao nhiêu Tây…nhưng bị Tây bắn chết vì chạy không kịp có lẻ “ hơi bị nhiều” ( Xem Lô Giang Tiểu sử).
Khi tây thực dân Camille Paris làm “ quan giây thép gió” dựng trụ điện tín từ Huế đến Phan Rang, anh ta có xuất bản cuốn Voyage d’exploration de Huế au Cochinchine par la route mandarine ( Du hành khám phá từ Huế đến Nam Kỳ qua đường thiên lý) , xuất bản tại Paris năm 1889. Camille có kể lại nhiều chuyện mắt thấy tai nghe.
Vùng Thừa Lưu “ Cái sân mà chúng tôi sắp qua đêm được bao quanh bắng những cây có tàng lá dày, nhựa cây dồi dào mang những quả chứa dầu hình cầu tròn, to bằng hạt dẻ. Dưới gốc các cây gọi là mù u ấy có các loại xương rồng….”
Vào thời ấy Tourane ( Đà Nẵng) theo ông đây là vùng đất chưa được khai phá…Con “đường thẳng tới Tourane từ Cam-lé ( Cẩm Lệ) là con đường mòn ghi trên bản đồ của tôi” là một vùng đất đầy bất trắc ( accidenté) khi thì ruộng, khi thì các gò cỏ .
“ Đường thiên lý đi qua sau lưng Tourane ( passant derrière) sẽ trực tiếp dẫn đến Đong-al ( Đông Anh? Đồng An??) và cho Cong ( Chợ Cống??), làng Tan-ké ( Thanh Khê)”…
“ Con đường từ Thanh Khê đến Cẩm Lệ thật đẹp, được viền bằng những cây muu, đường rộng tám mét. Con sông (rộng) 400 mét từ bến đò”.
Trên các bải cát có những đàn rái cá như những con chó con màu đen. Camille nổ súng, chúng lặn xuống rồi trồi lên..không hề hấn gì.
Một nhà nghiên cứu địa phương ghi bên lề sách gần từ muu là cây muồng!?
Không thể là cây muồng được, phải là mù u thôi.
Trong một bài viết khác của Henri Cosserat đăng trên Tạp chí Đô Thành Hiếu cổ Huế ( Bulletin des amis du Vieux Hue ) viết tắt BAVH, số tháng Giêng-tháng Ba năm 1920, với nhan đề La route mandarine de Tourane a Hue ( Đường thiên lý từ Đà Nẵng đi Huê ) cây mù u lại được nhắc đến với nhiều thông tin chính xác hơn.
Con đường thiên lý có lẻ đã hình thành từ thời các vương triều Champa trước thế kỷ 14. Các đạo binh Nam chinh của nhà Lý, nhà Lê, nhà Trần, nhà Hồ…chắc đã qua lại nơi nầy. Vào thời Tiền Nguyễn, thế kỷ 17 các nhà du hành ngoại quốc Âu Châu hoặc Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã đi trên con lộ trên . Cứ đọc Hải ngoại Ký sự của Hòa thượng Thích Đại Sán hay Nho sĩ Chu Thuấn Thủy cũng có thể hình dung. Thời Tây Sơn nổi loạn chống triều đình, Lê quý Đôn cũng có mô tả các trạm quán. Khi thống nhất được đất nước, vua Gia Long đã cho tu sửa và thiết lập các dịch trạm, chính xác là năm 1804, năm thứ ba triều đại Gia Long, vua cho xây nhà trạm bằng gạch và vây quanh bằng tường đá. Ngài lập một cơ quan đặc biệt chuyên lo chuyện nầy. Vào năm 1809, đường từ Huế đến đèo Hải Vân là 111 lý, được trùng tu. Một “ lý” theo từ điển Génibrel là 888 mét. Đường rộng 3 trượng. Mỗi trượng là 4 mét tức 12 mét.
Đồng thời vua ra lệnh trồng cây mù u hai bên đường. Tên chữ của loại cây nầy là Nam Mai mộc.
Ngoài việc che nắng mưa nhờ lá tương đối to, dày giúp khách bộ hành có chỗ núp nắng, mưa. Gỗ cây dùng làm mái chèo và các thanh ngang trong ghe thuyền. Cây mù u còn cho một loại tinh dầu rất quý dùng để chữa trị ghẻ lở ngoài da rất phổ biến nơi người dân . ( trang 23)
“ Các công việc nầy các tỉnh phải thi hành. Rồi những cây (Mù u) được dân các tỉnh trồng hai bên đường hay các trạm ( trạm), được thiết lập từ khỏang cách nầy đến khoảng cách khác, nơi đây các “cu li” ( phu khuân vác) coolies) đổi phiên , đồng thời cũng là chỗ nương náu cho khách bộ hành
Lối tổ chức nầy rất đơn giản và rất thuận lợi làm vinh danh những người kiến tạo và đem ra thực hiện. Nó hoàn toàn phù hợp với phong tục và nhu cầu bản xứ. Nó chống cự lại tất cả những biến động, và mọi thay đổi thể chế…”
“ Khi ra lệnh trồng loại cây ấy, vua Gia Long và các đấng kế vị có chủ ý để thuốc cạnh loại bệnh và ai cũng có thuốc miễn phí nầy…Chính do vậy khi đi lại suốt dọc miền Trung bộ, không đổi thay từ hồi thiết lập ban đầu, ta còn bắt gặp hai bên đường những cây mù u già cổi với thân hình xù xì, vặn vẹo, với tàng lá màu lục đậm phủ một bóng râm dể chịu trên con đường rực nắng, và càng làm nổi rõ hơn sự thiếu vắng bóng râm trên các đoạn đường mới mà chúng ta tạo ra mỗi ngày…”.
Thật là lời lý giải tuyệt vời về sự có mặt và lợi ích của cây mù u.
Ngày nay với những phương tiện hiện đại, nhanh chóng …cây mù u hình như đã làm xong nhiệm vụ lịch sử. Chỉ tiếc là những chứng nhân lịch sử mấy trăm năm kia đã bị đốn ngã không thương tiếc như thế hệ hôm nay muốn chối bỏ quá khứ dân tộc…không cần lịch sử hôm qua!
Nếu vậy thì đáng buồn biết mấy! Trẻ em hôm nay khi đọc mấy câu ca dao về trái về cây mù u chẳng còn biết mô tê gì. Tôi đã từng gặp những nhà doanh gia tài ba, nghe tôi nói về cây mù u và khuyên họ trồng tại những lô đất mênh mông mua được…Họ bảo đã trồng rồi…hóa ra họ không phân biệt nổi cây mù u với cây keo lá tràm, nói chi đến bọn trẻ.
Phải chăng tôi là người “ sinh nhầm thế hệ” mãi mê chuyện “hoài cổ”?
Mù u rồi sẽ mịt mù u u !
Nhưng may mắn thay có người không quên nó.
Tạp chí Hoa Cảnh số tháng 8 năm 2010 ngoài trang bìa với hoa mù u phóng lớn rất đẹp, trang trong còn có hai bài viết rất giá trị của tác giả Nguyện Thiện Tịch. Tìm lên mạng đọc thấy thông tin: “ Thầy NGUYỄN THIỆN TỊCH-giảng viên chính bộ môn Thực Vật Bậc Cao trường ĐH.KHOA HỌC TỰ NHIÊN, Phó chủ tịch phụ trách kĩ thuật, kiêm tổng thư kí của hội HOA LAN CÂY CẢNH TP.HCM, tổng biên tập của tạp chí HOA CẢNH”.
Gặp chuyên viên thứ “ dữ ” rồi!
Bài thứ nhất mang đề tài : Nam mai là mai nào? Tác giả nêu lại những trang viết xưa về cây mù u. Sách Gia định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức viết khoảng 1820-1822 “ Cây Thủy mai, tục gọi là Mù u…thường được Nhà nước trồng nhiều ..thứ thước cần thiết trị các vết thương…dầu thắp đèn…làm cây lô mũi thuyền, và cong trong khoan ghe…”
Đại Nam Quốc âm Tự Vị :”Mù u…trái tròn hột nhiều dâu…Chữ gọi Nam Mai” ( trang 4, 5 ).
Đại Nam Nhất Thống chí kể ra các loại gỗ…trong đó có gỗ mù u.
Qua bài 2, Nam mai loài cây của vùng sông nước , tác giả đề nghị trồng cây mù u hai bên lộ. Tuy mù u có khuyết điểm là trái rơi rụng có thể gây trượt chân…ngoài ra thì toàn ca tụng cây “ cây rợp bóng quanh năm, tán đẹp…không ngã đổ khi gặp gió mạnh. Cần nghiên cứu đưa vào hệ thống cây xanh đô thị…” ( Hoa cảnh tháng 8. 2010 trang 12,13.)
Qua hai bài viết trên tôi có cảm nghĩ là cây mù u xuất xứ từ miền Nam đã được vua Gia Long đưa dần ra phía Bắc. Theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ trong “ Cây cỏ miền Nam Việt Nam” và “ Cây cỏ Việt Nam” mà Nguyễn Thiện Tịch lưu ý có hai loại có cây Bạch Mai hoặc Mai Mù U ( Ochrocarpus siamensis var.) và cây Mù u ( Calophyllum inophillum). Mới nhìn qua lá và hoa khá giống nhau nhưng quan sát kỷ hai loại hoa và trái hoàn toàn khác biệt.
Từ đó suy ra những hàng mù u Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng xuất hiện khá muộn tại Miền Trung tức từ thời vua Gia Long và có thể kết luận như Nguyễn Thiện Tịch.
“ Có người cho rằng tên Nam mai do vua Gia Long đặt thay cho tên Mù u khi chúng được nhà vua lệnh cho trồng nhiều ở Huế để nhớ những năm thánh bôn ba ở miền Nam cũng như công dụng của nhựa trái và gỗ của loại cây nầy”.
Xin cám ơn tác giả chuyên viên thực vật Nguyễn Thiện Tịch về bài viết và hình ảnh minh họa.
Mong sao Miền Trung nói chung và Quảng Nam Đà Nẵng quê tôi nói riêng cũng có những con đường trồng mù u nhất là những đoạn đường thiên lý xưa đi qua, trong tương lai gần cũng có những công viên rợp bóng mù u chứ không chỉ là những bãi “ bê tông”, nhựa đường, kính, sắt thép, vỏ xe hơi phế liệu và đất đá rác rến như hiện nay! Các nơi danh lam thắng cảnh và thờ tự các tôn giáo sao lại ưa trồng cây bàng lá “ rụng đầy sân” mà không trồng mù u ?
Nếu có những địa điểm Miền Trung nào còn nhiều cây mù u, xin hãy bảo tồn vì chắc chắn đó là dấu chứng đường thiên lý Nam Bắc xa xưa đã đi ngang qua đó hoặc gần đó.
...
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Hội An phố cổ ngày 9 tháng 10 năm 2010.
Tất cả cảm xúc:
Đinh Thị Thơ, Phuc Nguyen Thi và 50 người khác
2
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Thanh Lộc Nguyễn
Cây mù u trái cũng mù u
Vợ chồng cãi lộn thằng cu khóc nhè 😜😃. . .👉.
3
Xứ Thượng
Thanh Lộc Nguyễn Cây gì mà mang nhiều bệnh ghê nờ... thấy tội chi lạ!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét