Nhóm địa phương Bu-Nông RLâm tập trung quanh hồ Lăk (Đăk Lăk) tiếp thu kỹ nghệ làm gốm của người Êđê, kiến trúc nhà sàn dài, trang phục và cả phần lớn yếu tố ngôn ngữ...
NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ Ở LÀNG GỐM M'NÔNG RLÂM
*Mai Sao
Từ cách làm gốm độc đáo…
Trong quá trình lao động sáng tạo, đồng bào M’nông R’lâm đã biết tận dụng đất sét dưới chân đồi để làm những vật dụng cần thiết, trước là dùng phục vụ nhu cầu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày, sau là để trao đổi với bà con người Êđê, Ja Rai ở các vùng lân cận. Thời ấy, phụ nữ M’nông R’lâm hầu như ai cũng biết làm đồ gốm, nhờ cách chế tạo độc đáo nên các sản phẩm gốm làm ra có giá trị kinh tế cao, mang lại cuộc sống khá sung túc cho dân làng.
Đến nay, dù còn lại ít ỏi, nhưng quy trình chế tác gốm của người M’nông R’lâm do nghệ nhân H’Phiết Uông (buôn Dơng Băk, xã Yang Tao) thực hiện vẫn giữ nét nguyên thủy cổ xưa. Thứ nhất, đất sét sau khi lấy về không bị pha trộn với bất kỳ nguyên liệu nào khác sẽ được giã nhuyễn rồi mới bắt đầu tạo hình. Nghệ nhân không dùng bàn xoay mà đặt đất sét lên một khúc gỗ lớn và di chuyển vòng tròn xung quanh để tạo dáng cho gốm. Đây được xem là công đoạn khó nhất trong quá trình làm gốm, bởi nó hoàn toàn dựa trên đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân mà không cần một thiết bị máy móc nào hỗ trợ.
Thứ hai, khi nặn xong sản phẩm gốm, họ để ráo bớt nước và dùng que nhỏ để vẽ lên đó hoa văn đơn giản như vòng tròn, hay cỏ cây hoa lá cách điệu...
Thứ ba chính là kỹ thuật nung gốm lộ thiên, sản phẩm khi đã được phơi khô hoàn toàn sẽ đem nung khoảng 30 phút ở ngoài trời, sau đó đem ủ trong vỏ trấu vài phút để tạo men và độ bền. Sản phẩm hoàn chỉnh rất bóng, đẹp và bền. Rất nhiều người lầm tưởng rằng gốm của người M’nông R’lâm có tráng men nhưng thực chất đó là do chất liệu và kỹ thuật làm của nghệ nhân tạo nên.
… đến những tâm hồn trẻ mãi
Nghệ nhân làm gốm H’Phiết Uông năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng tâm hồn dường như vẫn trẻ mãi, bởi sự đam mê, niềm hạnh phúc với nghề làm gốm trong lòng bà vẫn vẹn nguyên như thuở thiếu nữ. Hằng ngày bà H’Phiết dành hết thời gian làm gốm để được thả hồn vào niềm đam mê và hồi tưởng về một thời hưng thịnh nghề làm gốm của buôn làng. Thuở ấu thơ được cùng ông bà, cha mẹ mang gốm đến các vùng lân cận để đổi lấy lương thực, vật dụng chính là những kỷ niệm đẹp nhất và cũng là động lực giúp bà giữ ngọn lửa đam mê với nghề.
Nối tiếp nghề bây giờ có hai nghệ nhân trẻ hơn là chị H’Lươm Uông và chị H’Huyên Bhôk (buôn Dơng Băk). Nghề làm gốm chưa mang lại cho các nghệ nhân một cuộc sống đủ đầy, giàu có, nhưng lại mang đến những món ăn tinh thần vô giá, đó là được giữ gìn nghề truyền thống. Nghệ nhân H’Huyên Bhôk hy vọng rằng, sự nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống của bà, của mẹ sẽ giúp thế hệ trẻ nhận ra giá trị văn hóa của nghề, từ đó có ý thức hơn trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy nghề làm gốm.
Những năm gần đây, du lịch phát triển, nghề gốm của người M’nông R’lâm buôn Dơng Bắk nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách khi tới xã Yang Tao. Bởi vậy, những sản phẩm gốm được các nghệ nhân làm nên phải vừa bảo đảm chất lượng vừa đa dạng mẫu mã. Đó không chỉ là những dụng cụ bếp núc thông thường mà đôi khi còn theo yêu cầu của khách hàng, có thể là những chiếc nồi, cái niêu, con voi, con trâu, bình hoa… với đủ loại kích thước, mẫu mã. Nhờ đó, các nghệ nhân đã có thêm nguồn thu nhập để trang trải trong cuộc sống cũng như duy trì đam mê.
Tuy nhiên, để nghề gốm truyền thống của người M’nông R’lâm ở xã Yang Tao tiếp tục được duy trì thì ngoài việc "giữ lửa" từ các nghệ nhân, các cơ quan chức năng cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả để thế hệ trẻ quan tâm hơn nữa với nghề nhằm giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa độc đáo này …
Mai Sao
*Trích nguồn https://vhttdl.daklak.gov.vn/Articles/Detail/9534
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét