Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Tìm theo con sông Ea H'Leo... DLEI YANG, VÙNG ĐẤT CỦA THẦN !

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
DLEI YANG, VÙNG ĐẤT CỦA THẦN !
Sông Ea H’Leo là một trong những chi lưu của sông Serepôk. Sông bắt nguồn trên địa phận xã Dliê Ya, huyện Krông Năng ở độ cao 800 m. Sông có chiều dài 143 km, chảy qua hai huyện Ea H'leo và Ea Súp trước khi hợp lưu vào sông Serepôk. (Theo Wikipedia)
Dlei Yang theo tiếng Ê Đê của Y Phôn, người nghệ sĩ đặc sắc của Tây Nguyên đương đại, có nghĩa là rừng thần, núi linh, núi thần. Nó là ngọn núi cao nhất quê hương bạn. Núi cao là chỗ thần rừng, thần núi và tất cả những gì cao thiêng nhất “sống”, tụ lại. Rảo bước trên Dlei Yang mới nhận ra đây chính là nơi khởi nguồn của con sông lớn Ea H’leo chảy giữa trái tim Tây Nguyên.
...
Không còn chỏm rừng nào cả trong vùng Dlei Yang mênh mông rừng nguyên sinh buổi nào. Ngọn núi thiêng trơ trọi trắng đến bạc phơ, như nó chưa từng là núi rừng. Ngồi nghe người già kể về nó tôi tiếc, còn bạn lặng câm. Rồi bạn bảo “Mọi thứ cứ như trong giấc mơ. Cuộc đời không phân biệt được thực và hư nữa”.
Người ta nhìn “bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê” mà cười híp mắt. Còn bạn quá nhạy cảm, vì nhạy cảm nên bạn khổ; nữ thần mặt trời bắt bạn làm nghệ sĩ, nghệ sĩ từ hơi thở đất đai sinh ra chứ không từ thánh đường hay chốn kinh viện hàn lâm. Bạn nói bạn tiếc cho quê hương, dồi dào mà gầy guộc, rôm rả mà chơi vơi. Bạn hay tự khuyên nhủ mình:“ Không ai hát thay chúng ta!”.
“Hết rừng, thứ gì che chở bà con. Con người neo bám vào gì đây. Nền văn hóa Ê Đê, từ lề thói đến tình người, ý nghĩa cuộc sống, thế giới tinh thần, đều từ rừng sinh ra”, bạn ngừng hát để tâm tình. Có dạo lạc bước sang Nam Tây Nguyên - Đà Lạt, bạn mang theo những câu nhạc tinh nguyên viết về Dlei Yang: “Mong cho một lần trời đừng sáng vội/ Để cánh chim rừng nghiêng mình trong đêm khuya/ Mong cho một lần trời đừng tạnh cơn mưa/ Để lá cỏ uốn ngực trong cơn khát”(ca khúc “Cơn khát”). Nay ở rừng thiêng xưa, quê nhà Dlei Yang, bạn rải lời thê thiết: “Rừng lửa nắng cháy đã héo còn ai hay/ Rừng gió xoáy rừng đốt cháy còn ai nhìn thấy/ Rừng vênh veo héo khô từng này/ Rừng không gió mát, (là) rừng không tiếng hát/… Dòng nước lũ cuồn cuộn xoáy vào dòng đời/ Xoáy vào vòm trời/Xoáy căn nhà tranh, mẹ nhìn trời buồn xa xa”(ca khúc “Ngổn ngang buồn”).
Người đồng bằng viết về Tây Nguyên trong tâm thế của “khách du”, giá trị tạo ra mang ý nghĩa khác, cho dù họ có yêu quê hương bạn và tài hoa đến bực nào. Sứ phận của bạn là kẻ gánh nạn tâm hồn. Chịu “đày” đi Phôn, trái tim nghệ sĩ núi lênh đênh, tâm hồn nghệ sĩ đi hoang, hiểu biết của nghệ sĩ lỡ làng.
* * *
Bạn bảo tôi có biết không, rằng “Rừng là một trái tim”, vào buổi chiều tà Dlei Yang im thênh thang sau một ngày nắng gió làm việc miệt mài và tôi quá giang tâm hồn bạn. Thì ra câu hát “Rừng là một trái tim không hận thù” (trong bài “Ngổn ngang buồn” đang được mọi người yêu thích), bắt đầu từ cảm thức sâu lung linh này đây.
(Trích đoạn trong bài "Bay Ngang Qua Mặt Trời Mà Hát" của
NGUYỄN HÀNG TÌNH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét