Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Dọc theo suối Ea Tam... THÁC NHÀ ĐÈN

Dọc theo suối Ea Tam...
THÁC NHÀ ĐÈN
( Trích trong " Níu Tay Kỷ Niệm" của Hùng Bi)
Chúng tôi chạy xe theo một con đường trải nhựa khá xa chắc là đi xuyên qua suốt buôn Kosier rồi ngoặc phải xuống một con dốc đất đỏ ngoằn ngoèo. Xuống hết con dốc thì thấy một mặt hồ xanh loang loáng ánh nắng hiện ra trước mặt. Chúng tôi dừng xe ở một khoảng đất rộng mà ngày xưa các Thầy hay dùng làm chỗ cắm trại cho học sinh của trường vào dịp Tết. Đây là một con đường hoàn toàn mới tôi chưa lần nào có dịp đặt chân tới bởi ngày xưa chỉ là một đám rừng rậm rạp.
Cả hai bước gần xuống mặt con đập chặn nước. Nhìn xuôi theo làn nước bạc đang tung bọt trắng xóa phía dưới xa xa kia, tôi thắc mắc sao không còn thấy chỗ ngày xưa, những thằng nhóc con chúng tôi hay nhảy xuống từ một mạch đá bị cắt lơ lửng thành cái thác mini để vẫy vùng thì anh bạn chỉ xuống phía dưới:
- Thì cứ đứng ở đây nhìn xuống sẽ thấy chớ gì.
Quay lại ký ức của mình sao tôi thấy cảnh quan trước mắt hoàn toàn xa lạ nên không tin vào lời giải thích của người bạn.
Lẽ nào biển cả hóa nương dâu mãnh liệt đến ngần ấy sao? Một mạch đá to lớn làm sao chỉ mấy mươi năm mà đã bị dòng suối bào mòn mất hẳn dấu vết? Lần xuống phía hạ nguồn con suối khoảng 50 mét tôi đã bắt gặp lại “cố nhân”. Tôi không thích nhìn lại nó từ phía xa xa mà kiên quyết phải đến cho thật gần mới thỏa. Đường xưa lối cũ bây giờ đã hoang phế nhiều, cỏ lau đã lấp mất hẳn đường đi vì nơi nầy bây giờ không còn là một thiên đường nhỏ của lớp hậu sinh nên rất khó khăn để tiếp cận. Loay hoay tìm chỗ đặt chân dưới lớp cỏ dầy, tôi trượt một cái ngã lăn cù xuống mép suối. May mà còn chụp lại kịp một đám cỏ ven bờ không thôi đã bị tắm mát ngoài ý muốn rồi.
...
Sáng hôm sau, chờ cho nắng đã lên cao để có thể đủ ánh sáng chụp hình những sóng nước tung bọt, tôi đưa người bạn quay lại nơi bờ đập. Chúng tôi chọn vài góc độ thuận tiện để ghi lại vài tấm hình kỷ niệm với con đập.
Bây giờ tôi không hiểu là vì lớp đất đỏ do con suối đưa về bị trầm tích hay do con người đã cải tạo nó mà trên lòng hồ đã xuất hiện vài đám lúa nước khiến mặt hồ mênh mông ngày xưa đã bị nhỏ lại.
Chợt tôi đưa ra một câu hỏi như một câu đố cho người bạn:
- Liệu nhìn cái đập chặn nước bây giờ so với ngày xưa có nhận thấy điều gì khác biệt không?
- Không, vẫn vậy thôi! Có gì khác nhau đâu?
- Thiếu sự quan sát tinh tế rồi, bây giờ có nhiều nước chảy tràn qua hơn ngày xưa. Con kinh đào nhỏ chạy ngoằn ngoèo men theo lối con-đường-tình-ta-đi bây giờ chỉ còn là một con mương nhỏ. Nó không còn được sử dụng dẫn nước xuống làm chạy tua-bin cho máy thủy điện nữa nên hầu như toàn bộ lượng nước của con suối cứ chảy tràn bờ tự nhiên.
- Đúng rồi! Tôi không nhận ra điều nầy. Ngày xưa có thể đi dễ dàng trên đầu bờ đập để qua phía bên kia sườn đồi, nhưng giờ nước chảy nhiều quá nên cứ sờ sợ bị trượt chân chẳng dám đi qua đâu.
Sợ thì cứ việc sợ, nhưng rồi cuối cùng vẫn không sao tránh khỏi sự-trượt-chân. Đôi giày đế mềm không giúp bàn chân bạn tôi bám chặt vào lớp đất đỏ nên phải bị “đo dốc” do tôi ốm yếu quá không thể ngăn được sức-nặng-nghìn-cân đổ xuống khi cả hai cố lần xuống gần mặt nước để chụp ngược lên con đập vì muốn lấy những góc ảnh đẹp. Cũng là một kỷ niệm nhớ hoài cho một chuyến đi đấy!
Người ta bảo không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Trước đây tôi vẫn không tin như thế và đã chống chế rằng con sông còn có nước lớn nước ròng mà! Biết đâu dòng nước cũ sẽ quay trở lại tuy rằng đã bị pha trộn ít nhiều. Nhưng với những con suối chỉ một chiều xuôi chảy thì phép mầu nào có thể khiến dòng nước cũ trở về? Hiện tôi đang đứng trước dòng nước bạc đang ầm ào tung bọt trắng xóa, tâm hồn tôi lại hoàn toàn không tin vào hiện tượng vật lý ấy. Dòng nước cũ đã tái sinh theo luật tuần hoàn của tự nhiên, giờ đây chúng đang quay trở lại đưa tay vẫy gọi tôi trầm mình xuống đùa vui với chúng như ngày nào của hơn bốn mươi năm trước. Trời ơi! Có ai hiểu là tôi những mong như thế lắm nhưng nào có được đâu? Sao mà tôi oán ghét những bận rộn đời thường níu lưng tôi lại, sao mà tôi oán ghét quỹ thời gian chợt ngắn củn cởn không cho phép tôi được thỏa ước nguyện đơn sơ của mình thế? Sao mà tôi chợt đâm ra oán ghét những người đã từng trải qua thời mới lớn như tôi ở chốn nầy lại không có cùng những ao ước như tôi? Tôi không được sinh ra ở đây, nhưng tôi đã lớn lên cùng hương rừng gió núi. Những thâm u huyền bí của núi rừng như ăn sâu vào tâm hồn tôi đã để lại những vết khắc không thể mài mòn bởi thời gian.
Người bạn có ý muốn chứng kiến tận mắt cái nơi mà tuổi mới lớn tôi đã vẫy vùng vì họ chưa hề biết tới. Tôi cho xe chạy men theo con đường mòn nhỏ vào sâu hơn nữa rồi lại gởi cho cây cỏ hoa lá trông chừng giùm. Tay xách nách mang máy ảnh máy quay phim lỉnh kỉnh, tôi đi trước chọn những lối đi chen trong đám cỏ dại tương đối chắc chắn để cả hai lần xuống càng gần càng tốt chốn-linh-thiêng-của-riêng-tôi. Họ đã thực sự kinh ngạc khi đứng kề bên cái vách đá tai mèo dựng đứng ngày xưa tôi đã dùng nó làm con đường trèo lên đầu thác để nhảy xuống trở lại sau khi đã vẫy vùng dưới khoảng nước rộng dưới sâu kia:
- Thấy ghê quá! Thế có bao giờ khi leo lên bị té xuống trở lại không?
- Sao lại không? Mười lần thì cũng bị té xuống hai ba lần.
- Rồi có sao không?
- Nếu có sao thì bây giờ làm sao còn đứng đây mà kể lể về nó nữa?
- Thế mặt nước dưới đó có sâu không?
- Cũng chẳng biết! Nhưng có lần đứng trên đầu ngọn thác nhảy chúi xuống thì…bị đụng đầu xuống đáy.
- Ẩu tả vậy?
- Tuổi trẻ phi thường mà. Đầu cứng như đá nên chẳng hề chi!
Một tiếng "hứ " kèm với cái bĩu môi làm tôi cụt hứng.
Để người bạn đứng dưới bóng cây bên bờ đá, tôi một mình mang theo máy ảnh lần xuống sát mép nước.
Mắt tôi nhìn những bọt nước trắng xóa kế bên lung linh trong ánh nắng. Tai tôi nghe tiếng thác chảy ì ầm. Mũi tôi ngửi được cả mùi của nước chen lẫn với mùi hương kỷ niệm. Làn da tôi được hơi nước mát lạnh vuốt ve. Vốc một bụm nước trong đưa lên nếm thử, tôi cảm nhận được sự ngọt ngào trong miệng. Tôi đã đứng kề bên ngọn thác của ngày xưa nếm trải nó không chỉ bằng ngũ quan thông thường mà còn cộng thêm một giác quan thứ sáu được tôi đặt tên là Tâm Giác. Bởi vì tất cả lòng mình đang trải rộng mà đón nhận những hương vị được dẫn từ ngày xưa về đến hôm nay. Nỗi hạnh phúc được sống với những hoài niệm khi thấy lại con thác đã làm tôi lâng lâng như được quay về những tháng ngày đã quá xa xôi. Mấy mươi năm rồi còn gì? Chẳng bao giờ hình ảnh của nó nhạt nhòa trong tâm trí tôi dù đã trải qua bao nhiêu chặng cay đắng ngọt bùi của đường đời. (Hết trích)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét