Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Xứ Thượng... Bến nước ngày xưa

Xứ Thượng...
Bến nước ngày xưa
Người miền xuôi đi xa nhớ quê là nhớ những mái nhà tranh chiều chiều khói tỏa, nhớ những chú mục đồng lắc lẻo trên lưng trâu, cùng cánh diều no gió; người Tây Bắc đi xa là nhớ về những ruộng bậc thang, nhớ về núi đá tai mèo lởm chởm; người Tây Nguyên thì nhớ về những nếp nhà sàn có cô gái làng giã gạo đầu hiên, có bến nước rộn ràng mỗi sớm và xôn xao lúc chiều về…
Bình minh bắt đầu một ngày mới trên cao nguyên, những cô gái xếp các quả bầu đen bóng vào chiếc gùi í ới gọi nhau xuống bến lấy nước về dùng trong ngày. Hoàng hôn dát vàng trên những vạt hoa cúc quì vàng rực, những đàn chim chao chác bay về phía khu rừng xa; các cô gái chàng trai, người già, người trẻ từ rừng trở về, ào vào bến nước tắm gội, nô đùa, trò chuyện sau một ngày lao động mệt nhọc. Đó là hình ảnh đặc trưng trong chu kỳ sống của con người Tây Nguyên.
Bến nước Tây Nguyên có khi là một bến sông, có khi là một đoạn suối, nhưng thông thường nhất là nguồn nước lấy từ mạch núi, được dẫn về làng bằng các ống lồ ô nối nhau có khi đến vài ki-lô-mét.
Mỗi làng có ít nhất một bến nước đặt ở vị trí thuận lợi cho việc sử dụng. Vì lấy từ khe núi nên nước rất tinh khiết. Nước sông, nước suối ở Tây Nguyên cũng rất sạch vì nó là đầu nguồn và không phải chảy qua các khu dân cư, và đặc biệt người Tây Nguyên không có thói quen “gửi rác” cho nước như người miền xuôi.
Từ ngàn đời nay, trong ý nghĩ của người Tây Nguyên, hình ảnh bến nước vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Bến nước là tặng phẩm của thiên nhiên (thiên nhiên của họ là Thần), họ nhờ Thần gội rửa bụi đất của rẫy nương để mỗi khi bước lên nhà sàn là mọi nhọc nhằn đều tan biến. Có lẽ vì vậy mà buổi chiều, trên bến nước bao giờ cũng rất xôn xao.
Ở một phương diện nào đó, bến nước đồng nghĩa với làng. Người Tây Nguyên nói làng là những người cùng uống chung một nguồn nước. Xa làng là xa bến nước, nhớ làng là nhớ bến nước, về làng là về với bến nước, làm lễ Pơthi là để người ta vĩnh biệt bến nước.
...
Đặc điểm của sông suối ở Tây Nguyên là rất nhiều vực làm nên thác, và đá giữa dòng làm nên ghềnh. Thác và ghềnh đã tô điểm cho bức tranh thiên nhiên nhiều nét chấm phá, đầy vẻ trữ tình.
Thật vậy, nếu lửa tượng trưng cho ý chí, cho dũng khí của người Tây Nguyên thì bến nước chính là sự dịu ngọt của tâm hồn, là nguồn mạch dạt dào của trái tim. Âm thanh gợi nhớ của người Tây Nguyên là cồng chiêng, hình ảnh gợi nhớ của họ là bến nước.
Và trong những đêm trăng cao nguyên, bến nước là nơi nam nữ cùng nhau hát đối đáp:
Đố em bến nước xưa buôn mình ở đâu?
Bến nước buôn mình nơi chân núi Cư Yang Sin,
Tiếng cười con gái ríu ran mỗi sớm.
Đố em bến nước buôn mình có mấy ống
Tám ống đủ nước cho em tắm mỗi ngày.
(Dân ca Tây Nguyên)
...
(Trích đoạn trong "Bến nước: Báu vật của buôn làng Tây Nguyên" của Đặng Văn Vũ đăng trên Tạp chí điện tử Hồn Việt )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét