Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Mai Châu, mùa em thơm nếp xôi ...

Mai Châu, mùa em thơm nếp xôi ...
"BƯỚM LƯỢN VƯỜN XUÂN"
Những điệu múa truyền thống nhịp nhàng, uyển chuyển được các cô gái Thái tại Mai Châu, Hòa Bình mang đến cho những du khách ghé thăm nơi đây thực sự trở thành một món ăn tinh thần đặc biệt ý nghĩa…
Để có thể tập được một bài múa hoàn chỉnh, nhịp nhàng thì các cô gái nơi đây được truyền dạy trong thời gian 3 – 5 năm khổ luyện. Khi đạt đến độ thuần thục, các bài múa được học rất nhanh, có khi chỉ mất một vài ngày để hoàn thiện một bài múa hoàn chỉnh;
Yếu tố quan trọng hàng đầu làm nên thành công của một bài múa là sự phối hợp với ánh mắt biểu cảm. Điều khó nhất trong khi múa đó là việc mình nhập tâm vào bài múa, vào giai điệu để biểu hiện cảm xúc ấy qua ánh mắt nhìn tình tứ với những người đối diện…
Để tạo nên tính gắn kết, nhịp nhàng trong bài múa này thì đòi hỏi mỗi một diễn viên múa phải luôn tập trung, nhập tâm và phải thực sự trở thành một tập thể thống nhất.
Các cô gái Thái sử dụng trang phục truyền thống dân tộc tại Tây Bắc để biểu diễn
Khi được biểu diễn một tiết mục truyền thống đến bạn bè bốn phương với những diễn viên múa là niềm tự hào, vui mừng khi có cơ hội quảng bá hình ảnh, nét đẹp truyền thống của quê hương
./.
(Theo "Thưởng thức làn điệu múa "Bướm lượn vườn xuân" từ các cô gái Thái ở Mai Châu" của Đình Anh đăng trên http://www.songtre.tv/)

ẦU Ơ...CỌN NƯỚC

Ngạn ngữ Thái có câu “Xá ăn theo lửa. Thái ăn theo nước. H’Mông ăn theo sương mù”...
ẦU Ơ...CỌN NƯỚC
...
Chiếc cọn nước bền bỉ và nhẫn nại, nhẩn nha từng vòng, chậm chạp, và đều đặn đổ từng vốc nước xuống cái máng đã đứng sẵn đó. Cái "quy trình khép kín" ấy, dưới cái ngơ ngác của một kẻ miền xuôi như tôi, thật đáng để khâm phục! Xung quanh, ruộng lúa xanh rì đang vào con gái, thơm thơm như mùi thiếu nữ… Xa xa, những vạt cọ đang thay lá non, xanh mỡ màng. Con suối nằm lặng như ngủ, dù mỗi lần chiếc bánh xe nước chao xuống, lấy đi một vốc nước, mặt suối vẫn gần như phẳng lặng… Giữa chốn thanh bình ấy, chiếc cọn nước giống như một anh trai làng, đang chuyên tâm làm công việc của mình…
Những chuyến đi sau này của tôi, tôi gặp nhiều những cọn nước khác, ở nhiều vùng khác nhau. Về hình dáng, chỗ đứng của nó có thể thay đổi, nhưng bản chất muôn đời của nó thì vẫn thế, vẫn lặng lẽ đứng ở một góc suối, giữa một vùng thung lũng mênh mang rộng, và rì rầm những vòng quay miết mải muôn đời…
...
Câu ngạn ngữ của người Thái: "Xá ăn theo lửa; Thái ăn theo nước; Mông ăn theo sương mù" không chỉ cô đọng về nơi lạc nghiệp theo độ cao, tập quán sản xuất, sinh hoạt mà còn khái quát cả cội nguồn văn hóa. Người Thái, người Mường, người Dao làm ruộng trong các thung lũng, các vùng lòng chảo. Theo sách dã sử và truyền thuyết của người Thái, tổ tiên của người Thái là Lạng Chương chật vật lắm mới thắng được người Xá.
Truyền rằng, trong cuộc đấu tranh giành phần đất tốt, quân Xá (quân Nam Á) có tên đồng sắc nhọn. Người Thái chỉ có tên tre. Vị thủ lĩnh thông minh Lạng Chương mới lập kế tổ chức cuộc thi bắn tên vào đá. Tên của người Xá bằng đồng, gặp đá bật ra. Lạng Chương sai quân nạp sáp ong vào mũi tên tre, bắn vào đá dính như dính sáp. Người Xá thua, phải kéo nhau vào rừng sâu mà nhượng lại phần đất tốt cho người Thái. Có đất tốt, người Thái mở mang nền nông nghiệp, phát triển hệ thống thủy lợi "mương-phai-lái-lin" để lấy nước tưới tiêu. Trong ruộng, người Thái thả cá. Hết mùa, nước ruộng được tháo cạn cũng là lúc cá được thu hoạch. Cá nuôi trong ruộng vừa ăn sâu bọ, vừa xục đất cho lúa tốt… Sự cần cù và sáng tạo, để làm chủ hoàn cảnh sống của mình đã khiến chiếc cọn nước được ra đời, trở thành một sản phẩm đặc trưng cho nền canh tác lúa nước ở vùng cao, chủ yếu của bà con dân tộc vùng Đông Bắc và một phần không nhỏ của đồng bào Sơn La.
Chiếc cọn nước có lẽ đã gắn bó truyền đời với người vùng cao. Theo tập quán sản xuất, những ô ruộng của người miền núi có tính chất kế thừa giữa các đời, và đó là tài sản được tích lũy từ đời cha ông, theo những lần khai hoang, khẩn đất. Do đó, tính chất sản xuất nông nghiệp của người vùng núi, vì lẽ đó mà mang tính chất cá thể, mỗi một gia đình là một đơn vị sản xuất khép kín. Cho nên, việc tưới tiêu cho nông nghiệp cũng là công việc của mỗi gia đình. Mỗi nhà có một chiếc cọn nước, đặt ở khu ruộng của mình, tự mình trông coi việc dẫn nước về nhà.
...
(Trích theo " Ngẩn ngơ con nước" của Di Linh đăng trênhttp://antgct.cand.com.vn/)

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Ban Mê có một làng Thái phía cầu 14 ...

Ban Mê có một làng Thái phía cầu 14 ...
SẮC XUÂN LÀNG THÁI
Vào Đăk Lăk lập nghiệp đã mấy chục năm nhưng cứ mỗi độ tết đến xuân về, người Thái ở đây lại nhớ về sắc trắng hoa ban, nhớ những “mùa Tết” rộn ràng kéo dài từ khi lúa ngoài đồng đã chín vàng cho đến Tết Nguyên đán… Và họ mang những phong tục, truyền thống vui Tết của người Thái đến với quê hương mới, góp thêm một nét văn hóa đặc sắc cho phố núi cao nguyên…
Làng Thái (thôn 1, xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột) có 277 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm đến 80%. Người Thái ở Hòa Phú chủ yếu là từ các tỉnh vùng Tây Bắc như: Sơn La, Lai Châu... di cư đến, sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp như chăn nuôi và trồng điều, mía, cà phê, lúa nước… Dù đời sống của bà con người Thái trong thôn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn khá hơn so với ở quê hương cũ... Trẻ em trong làng Thái đều được đi học đúng độ tuổi, không còn tình trạng mù chữ như trước đây.
... "Những hộ người Thái di cư vào đây, hầu như ai cũng mang theo hạt giống các loại rau, gia vị của quê hương Tây Bắc vào trồng ở vườn nhà để chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc mình và các chị em người Thái ai cũng mang theo những bộ trang phục truyền thống, những chiếc khăn piêu”. Ở vùng đất mới, không có điều kiện để tổ chức những lễ hội truyền thống như xíp xí, lễ hội hái hoa ban, những buổi sinh hoạt văn hóa “Hạn khuống” (tiếng Thái là “sàn sân”, tức là một cái sàn dựng ở ngoài sân; vào tháng 11 hằng năm, sau vụ thu hoạch, người Thái thường dựng sàn để trai gái trong bản tụ hội hát đối đáp) nhưng bà con người Thái vẫn cố gắng duy trì những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trong dịp Tết Nguyên đán và tổ chức lễ hội tết Thái hằng năm vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch.
...
Lễ hội tết Thái của đồng bào Thái ở Hòa Phú thường được tổ chức vào ngày 14 hoặc 15 tháng Giêng và chỉ diễn ra trong một ngày. Cách đây hơn chục năm, ngày hội này được tổ chức riêng lẻ ở từng thôn có người Thái sinh sống (thôn 1, thôn 9, thôn 10), sau đó, đồng bào các thôn góp lại cùng tổ chức chung, dần dần hội tết Thái được nhiều bà con trong xã và các vùng lân cận biết tiếng, cứ đến ngày ấy là về làng Thái ở thôn 1, xã Hòa Phú vui chơi. Tại ngày hội tết Thái ở Hòa Phú, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Thái: những cô gái Thái đen, Thái trắng trong các bộ trang phục truyền thống hát lên khúc hát “Chung chiềng” (hát mừng tết đến) với những lời ca như “Tết đến rồi, xuân đến, hoa nở/Nhà nhà cùng vui mở hội”; tiếng đàn tính tẩu, đàn nhị réo rắt hòa vào khúc hát giao duyên; điệu múa xòe, nhảy sạp rộn ràng luôn thu hút rất đông các chàng trai, cô gái Thái và các vị khách tới dự hội; những trò chơi như ném còn, đập niêu đất… luôn thu hút đông người tham gia. Tất cả hòa quyện tạo nên một ngày hội thật vui với đậm đặc sắc màu văn hóa.
...
(Trích theo " Sắc xuân làng Thái" của Hồng Thủy đăng trênhttp://baodaklak.vn/)
T

Nhớ món quê... CANH BỒNG BỒNG

Nhớ món quê...
CANH BỒNG BỒNG
Bồng bồng mà nấu canh tôm
Ăn cho mát ruột, đến hôm lại bồng...(Ca dao)
Trời mưa lất phất triền miên làm tôi nhớ da diết món canh bồng khoai quê nhà. Trong ký ức của tôi đó là món ăn dân dã mẹ thường nấu từ hồi nhà còn nghèo khó nhưng với tôi luôn ngon đến vô cùng.
...
Bồng khoai còn gọi là ngó khoai hay dãi khoai, là những thân khoai non mọc ra từ gốc cây mẹ. Bồng khoai không khó để tìm ở những bờ ruộng, bờ ao hay những bờ đất hoang ẩm ướt. Muốn ăn bồng khoai, người ta chọn bồng non, đầu còn chưa nảy cây, mum múp như búp măng, xanh mỡ màng.
...
Mẹ bảo bồng khoai ngon là loại thân ngắn, mập và trắng nõn nà. Mỗi lần mẹ ra ao lấy bồng khoai về cả nhà tôi lại quây quần ngồi tước sạch xơ rồi ngâm vào nước lạnh để bồng khoai không bị thâm. Háo hức tước nhưng ai cũng sợ nhựa bồng khoai làm ngứa và đen tay.(Trích "Thơm ngọt bồng khoai nấu hến" trên TTO)
...
Lang thang dưới cơn mưa phùn, thấy cay cay ở sống mũi khi những kỷ niệm thuở nhỏ ùa về. Nhớ những buổi cùng chúng bạn chăn trâu trên những triền đê đầy hoa dại màu tim tím. Nhớ những “món ăn nghèo khó” mẹ thường nấu, từ ngọn rau khoai lang luộc đến chè khoai, canh củ…Có lẽ, món ăn để lại nhiều kỷ niệm nhất là bồng khoai ngứa nấu canh.
Bồng khoai thường to bằng ngón tay út, là phần mầm mọc từ rễ vươn khỏi mặt đất. Cây khoai ngứa phần nào cũng…ngứa, chỉ phần bồng khoai ít ngứa nhất, dùng để nấu canh. Mẹ bảo, phải chọn bồng ở những cây sống gần nước, vừa non vừa ít xơ, ăn ít ngứa và rất ngon. Loại bồng này khi còn non, thân rất mập, trắng nõn và mới chỉ có nõn lá nhú lên...
...
Nhớ lần đầu mẹ nấu canh bồng khoai ngứa, khóc nhè cả buổi và nhất định không ăn. Mẹ đi tìm roi vì tội “con nhà lính, tính nhà quan”, ngoại ôm vào lòng kể chuyện những ngày chiến tranh gian khổ, đói kém. Cây khoai ngứa vốn dĩ chỉ nấu cho lợn, mọi người thử chọn phần ít ngứa nhất nấu canh, ăn thấy không ngứa, lại rất ngon. Vì thế, món ăn dân dã thời nghèo khó này dần phổ biến ở nhiều vùng.
Khi mẹ cầm roi vào, cũng là lúc mếu máo ăn miếng canh ngoại đút. Miếng đầu chỉ thấy vị ngậy béo, cay cay, nồng nồng. Miếng thứ hai, bắt đầu có cảm giác râm ran nơi cổ họng. Ăn mãi, rồi nghiện cái vị ngứa ấy lúc nào chẳng hay.
Giờ đây, mỗi khi xuân về, thấy ngứa ngứa nơi cổ họng, lại muốn bỏ hết công việc để về quê ăn bát canh mẹ nấu. (Trích "Bồng khoai ngứa nấu canh" của Quang Anh)

THI VÀ ĐẬU TÚ TÀI IBM … NHƯNG KHÔNG SUÔN SẺ

Đời học sinh ngày ấy...
THI VÀ ĐẬU TÚ TÀI IBM … NHƯNG KHÔNG SUÔN SẺ
...
Ngày thi Tú Tài (26/6/74) đã xong và cũng sáng này tôi đến nhà bạn Đồng Sĩ Hanh từ giã để vào Đà Nẵng thăm gia đình và... Trình diện nhập ngũ. Thật là buồn khi không có được những phút giây nghỉ ngơi, vui sướng, hãnh diện khi đã hoàn thành kỳ thi đạt yêu cầu và biết chắc rằng mình sẽ đậu, không phụ lòng cha mẹ, ba của bạn Hanh cùng các thầy cô - dĩ nhiên là tôi không dám nghĩ đến chuyện mình sẽ đậu Bình – Mà vào Thủ Đức thì cần gì phải đậu cao.
Chiều ngày 03/7/1974 tôi phải trình diện tại Trung tâm I tuyển mộ nhập ngũ ở Đà Nẵng vì giới hạn của một đời học sinh đã hết. Gần một tuần sau tôi cùng các bạn được chuyển vào Trại Tiếp Nhận trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế Nha Trang trên một chuyến bay Caribou quân đội để rồi 6 ngày sau khai giảng khóa 7/74 Hạ Sĩ Quan. Gần một tháng sau tôi mới biết đã đậu Tú Tài hạng Bình. Niềm hân hoan vui mừng như được nhân đôi khi nhận được điện tín, nhưng không phải từ ba mẹ hoặc anh chị nơi tôi ở trọ mà từ một người bạn học láng giềng : Nguyễn Thị Lan Anh (nghe thông báo trên đài phát thanh Sài Gòn rồi đánh điện ngay). Hôm sau và sau nữa điện tín báo thi đậu tới tấp bay vào Quân trường từ ba mẹ, anh chị... làm tôi như lên tận mây xanh (cả khóa học chỉ có tôi và bạn Đặng Hòa ban C của trường Thiên Hựu, Huế đậu tú tài khóa đó). Một cuộc liên hoan ăn mừng hoành tráng tại Câu Lạc Bộ theo cách của lính đã làm bay mất nữa tháng lương ít ỏi của tôi nhưng có hề chi, quá vui mà.
Nhưng đậu thì đậu, còn chuyện khi nào tấm bằng vào được Quân Trường lại là một chuyện khác – CHỜ. Phải hơn một tháng sau nữa tôi mới “CHỘ” được thành quả của mình sau hơn 12 năm sách đèn. Rồi phải làm đơn gởi theo hệ thống Quân Giai về Bộ Tổng Tham Mưu để điều chỉnh “Tài Nguyên Sĩ Quan".
Gởi đơn thì gởi đơn còn học thì vẫn cứ lo học và quyết không thua kém bạn bè. Vẫn tưởng sẽ được gọi về Trường Thủ Đức trong một thời gian ngắn, ai dè chuyện không đơn giản vì khóa 4/74 Sĩ Quan Trừ Bị ngày 16/12/1974 mới khai giảng và qua hệ thống Quân Giai nên có phần chậm trể. Suýt chút nữa là tôi đã ra chiến trường khi khóa 7/74 HSQ đã làm lễ mãn khóa vào đầu tháng 12/1974 nếu như tôi không có cơ duyên gặp được hai người.
Khi nhập khóa 7/74 Hạ sĩ quan tại Đồng Đế tôi đã tình cờ gặp hai người : Đại úy Hà Đại Đức giữ chức vụ Đại đội trưởng - người có quen biết với ba tôi ở Đà Nẵng khi trước; Thiếu úy Cao Thùy Đại đội phó - trước đây là Thủ môn đội bóng học sinh của trường Hàm Nghi Huế... Hai người này đã dành cho tôi những tình cảm đặc biệt cùng tạo mọi thuận lợi, dể dàng cho tôi trong suốt khóa học. Kết thúc khóa học tôi đậu rất cao nhưng đây không phải là nơi để dừng chân, mà là Trường Sĩ Quan Thủ Đức.
Ngày mãn khóa sắp đến - đầu tháng 12- mà tôi vẫn chưa có lệnh trình diện Trường Thủ Đức, anh Cao Thùy cùng đại đội trưởng hội ý để trình Tiểu đoàn trưởng nên giữ tôi và Đặng Hòa lại trường, không cho dự lễ mãn khóa với lý do chờ lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu (cũng may là chỉ có hai đứa và việc này là linh động đặc biệt) bởi lẽ nếu dự lễ mãn khóa thì phải nhận và trình diện đơn vị thì lúc đó Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang không còn thẩm quyền với tôi nữa.
...
Chỉ 4 ngày sau đã có lệnh triệu tập tôi và Đặng Hòa trình diện Trường Bộ Binh Long Thành trước ngày 14/12/1974 để nhập học khóa 4/74 SQTB khai giảng ngày 16/12/1974.
Lòng vui mừng phấn khích khi ngày 05/12/1974 tôi và Đặng Hòa nhận được Sứ Vụ Lệnh trình diện Trường Bộ Binh Long Thành từ tay của Thiếu Tá Tiểu Đoàn trưởng cùng lời chúc mừng và đặc biệt tặng tôi 2.000 đồng (lương tôi thời điểm đó là 16.400 đ) thêm phiếu đề xuất lên máy bay Quân Sự tại Phi trường Nha Trang đến Tân Sơn Nhất.
Nhìn Sứ Vụ Lệnh có thời hạn từ 06/12 đến 13/12/1974 những 7 ngày, nhận thấy về Sài Gòn sớm quá, không có bạn bè và trong túi rủng rỉnh chút tiền nên cả hai đứa không lên máy bay mà đi Đà Lạt chơi 3 ngày rồi mới về Sài Gòn.- Thật đáng tiếc lúc đó tôi không hề biết Bùi Văn Lộc, Ngô Đình Lợi, Lê Anh Tuấn, Đồng Sĩ Hanh, Lê Khắc Xinh, Lê Khắc Huệ Đức, Nguyễn Đình ngọc Lân… đang học ở Sài Gòn, nếu không thì tình thế sẽ khác đi.-
Cuối cùng nguyện vọng của tôi cũng đạt được cho dù đã trải qua nhiều truân chuyên và bất ngờ.Năm tháng ở Long Thành cũng đã đi qua và ngày 30/4/1975 lại tới để chấm dứt một đoạn đường phiêu lưu đáng nhớ nhất của một đời trai trong thời binh lửa.
Giữa năm 1976 tôi tình cờ đọc được tờ báo Sài Gòn mà trong đó có một thông tin về việc cấp lại tất cả các văn bằng, chứng chỉ Tú Tài… thời Việt Nam Cộng Hòa với mọi lý do thất lạc (hỏa hoạn, chiến tranh, đánh rơi…) miễn sao chủ nhân nhớ được số báo danh, trung tâm thi, hội đồng thi… và hồ sơ xin cấp phải được gởi thông qua Ty Giáo Dục nơi mà mình đã dự thi. Vì muốn đi học lại nên tôi đã chịu khó, tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để ra Huế nộp đơn xin cấp lại Phó bản, trải qua nhiều lần ra Huế chầu chực và mãi hơn … 3 tháng sau mới nhận được phó bản này.
Nhưng mọi nỗ lực đều vô nghĩa khi không có trường nào, kể cả trường Trung Cấp nhận đơn xin học của tôi với một lý do vô cùng đơn giản: Tôi không nằm trong diện đào tạo cán bộ, xin công nhân thì có thể được. Mà vào công nhân thì cần chi đến bằng Tú Tài.
Giờ đây khi nhìn lại Phó bảng chứng chỉ Tú Tài với nỗi niềm xót xa như một gợi nhớ xa xăm một chứng tích, một kỷ niệm của một thời học sinh tươi đẹp đã qua.
./.
(Trích theo "Thi và đâụ Tú Tài IBM … nhưng không suôn sẻ." của HỒ VĂN VINH đăng trên huequochoc6774.)

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Ban Mê Thuột và tuổi thơ của tôi...

Ban Mê Thuột và tuổi thơ của tôi...
QUÂN Y VIỆN TĂNG CƯỜNG
* (Ảnh: Hiện nay là Bệnh Xá 48, không thay đổi nhiều so với QYV ngày xưa)
Năm 1972- Mùa Hè Đỏ Lửa. Chiến tranh khốc liệt. Tình hình chiến sự căng thẳng ở khắp mọi nơi. Bố tôi thường xuyên ở tại Quân Y Viện vì lệnh cấm trại đột xuất 100%.
Toàn bộ các nhà thuộc cư xá Độc Lập được lệnh đào hầm chìm. Trong lúc người lớn bấn lên với nhiều nỗi lo sợ thì chị em chúng tôi lại vui mừng vì căn hầm mới lạ đó. Thế là đồ chơi được đem xuống đó để chơi thỏa thích mà không sợ bị mẹ mắng vì ồn ào. Tuy vậy đêm đêm, nỗi ám ảnh về cuộc chiến Tết Mậu Thân lại ùa về trong trí nhớ tôi. Có hôm bố tôi trở về nhà vào sáng sớm, thay vội bộ quần áo khác, uống vội ly cà phê do mẹ tôi pha rồi quay trở lại Quân Y Viện. Nhìn qua cổng nhà Quang, bác Minh cũng vừa lái xe về tới. Gương mặt bác bơ phờ, mệt mỏi. Có thể bác đã thức trắng đêm sau những ca mổ liên tục vì số thương binh tải về quá nhiều. Bận rộn với công việc nên bố ít có thì giờ rảnh để dạy các chị em tôi học. Lúc này có bài gì khó tôi lại hỏi chị tôi. Chị học trên tôi một lớp, hiền, thông minh, thẳng tính và học rất giỏi. Chị tôi rất xứng đáng trong vai trò của người chị cả đối với bẩy người em. Sau đó thì hai chị em lại quay ra dạy các em học. Cùng dò bài cho em, dạy em làm toán, tập viết. Đã được rèn sẵn từ nhỏ nên những gì bố mẹ chỉ dạy hai chị em tôi dạy lại cho các em.
Cũng trong năm này, lần đầu tiên một vụ rớt máy bay Hàng Không Dân sự xảy ra cách thị xã hơn mười lăm cây số về hướng cầu Mười Bốn. Cả thị xã xôn xao, bàng hoàng. Những thi thể cháy đen không còn nguyên vẹn lần lượt được đưa về nhà xác của bệnh viện Dân Y. Bác sĩ Sơn là Giám đốc bệnh viện này vội gọi cho bố tôi để mượn tạm nhà xác bên Quân Y, vì nhà xác bên bác đã quá tải. Số thương gia tại Ban Mê Thuột chết trong chuyến máy bay này khá đông. Bác Văn (bạn của bố tôi) làm ở Cục Hàng Không Sài Gòn tức tốc bay lên để điều tra sự việc. Nghe bố tôi kể về xác người chỉ là nửa thân, hoặc chỉ có cánh tay hay cẳng chân rời rạc từng phần như thế, chẳng có người nào còn nguyên vẹn hình hài. Chưa hình dung như thế nào, hai chị em tôi liền xin bố cho đi xem. Bố gật đầu nhưng phải trốn sẵn trên xe Jeep. Bất ngờ mẹ tôi quay ra đóng cửa, không thấy bóng dáng hai chị em, sinh nghi mẹ bước tới xe Jeep. Thế là hai chị em tôi phải quay xuống, bỏ lỡ một cơ hội để được xem xác chết. Mẹ tôi sợ chị em tôi bị ám ảnh nên nhất quyết không cho đi. Đến trường, nghe các bạn kể chuyện về hai thầy chùa ở chùa Khải Đoan cũng bị chết trong chuyến bay này và đưa xác về chùa. Nhân có giờ nghỉ môn Công Dân Giáo Dục, tôi theo các bạn đi xuống chùa với hy vọng được nhìn thấy tận mắt xác người chết cháy. Nhưng rất tiếc là khi đến nơi thì chỉ nhìn thấy hai cái hòm, vì đã liệm xong rồi.
Chủ nhiệm lớp Bẩy Một của tôi là cô Chanh dạy môn Hóa. Dáng người cô cũng nhỏ nhắn với giọng Huế đặc. Năm đó, chẳng biết cô chịu tang ai mà chỉ mặc hai màu áo dài thay đổi là trắng và đen, áo màu gì thì cô đeo khăn tang dài màu đó. Bài vở của năm lớp Bẩy cũng nhiều. Nhưng lúc nào có bài khó quá tôi mới hỏi bố tôi khi chị tôi cũng đang bận làm bài. Có một lần bố gọi hai chị em tôi lên phòng khách và dặn dò rằng bố tôi sẽ rèn luyện cho hai chị em tôi là lớn trong nhà để mai sau hai chị em tôi thay bố mẹ dạy dỗ các em. Rằng đừng bao giờ dựa vào chức tước của bố tôi có trong tay mà hống hách hay kiêu ngạo với mọi người. Rằng chức tước chỉ là nhất thời, bằng cấp mới có giá trị lâu dài và bố tôi vẫn đặt vấn đề học hành của các chị em tôi lên hàng đầu. Bố tôi đã nhìn và nhìn rất xa.
Lại có một thay đổi thú vị với chị em tôi khi bố tôi nhận khám bệnh cho các nhân viên của đồn điền CHPI tại cây số Ba, thay thế bác sĩ Tôn Thất Niệm (sau này tôi mới biết là bác của Diệm). Chủ đồn điền là một ông người Pháp, lấy vợ Việt Nam. Mọi nhân viên làm ở đó quen gọi là ông chủ, bà chủ. Riêng bố tôi vẫn gọi ông ta bằng tên. Mỗi tuần bố tôi chỉ làm việc tại đây vài giờ. Ông ta dành cho bố tôi căn nhà đối diện với Bưu điện BMT nằm trên đường Độc Lập. Căn nhà gỗ khang trang với những ngọn đèn được thiết kế theo kiểu Tây rất đẹp. Tầng trên để ở và tầng dưới bố tôi làm phòng mạch khám bệnh. Mẹ tôi không thích dọn ra ở luôn đây nên xem như là chỗ nghỉ của gia đình vào cuối tuần. Phòng mạch của bố tối bệnh nhân đa số là người Thượng nghèo, nên bố tôi khám bệnh miễn phí là chính yếu. Những thuốc quảng cáo từ các dược phòng gửi đến, bố tôi cho lại các bệnh nhân nghèo. Thường thì chị em tôi đi học có xe đưa đón đến trường. Từ khi có phòng mạch của bố, thỉnh thoảng tôi xin bố đi bộ từ trường về và thích thú khi được nhìn cảnh vật trên đoạn đường về. Khu đất bao quanh phòng mạch quá rộng. Mẹ tôi cho trồng cây ăn trái và bắp. Phía trước là cả một vườn hoa rực rỡ, đặc biệt là những cây hoa vạn thọ, hoa to bằng cái bát ăn cơm. Nhiều hoa đến độ chị em tôi hái hoa đó chơi đá cầu, khi hoa bầm dập nát tươm thì lại hái hoa khác. Giờ ngồi nghĩ lại tôi cũng thấy phí phạm thật. Rồi gà chẳng biết từ đâu đến đẻ trứng trong vườn nhà này. Chị tôi liền lấy trứng trộn với đường và đánh lên rồi đặt nóng chảo với ít dầu ăn, chị tôi đổ trứng vào và tráng mỏng ra. Cho ra đĩa, chị gọi các em đến ăn và gọi là bánh crêpe (bắt chước mẹ tôi làm, nhưng không phải làm như vậy).
Lúc nào công việc trong tuần bận rộn, căng thẳng thì chủ nhật đó bố tôi thường cho các chị em tôi theo bố ra phi trường Phụng Dực chơi để hít thở không khí trong lành và khoảng không gian yên tĩnh. Theo lời mẹ tôi kể thì ông ngoại tôi đã đứng ra trông coi toán thợ xây cất phi trường này đầu tiên khi còn là bãi đất trống ... Có một lần, vừa ra đến phi trường tôi thấy máy bay cất cánh và đáp xuống liên tục. Xe cứu thương nhiều vô kể. Hóa ra là máy bay chở quan tài phủ quốc kỳ của những người lính đã chết trận. Có chiến tranh là có mất mát. Lúc đó gương mặt bố tôi buồn hẳn. Trên đường về nhà, bố tôi nhắc với các chị em tôi rằng đếm bao nhiêu quan tài thì có chừng ấy gia đình đau khổ. Bố tôi mồ côi mẹ từ năm lên mười nên cảm thông sâu sắc với những gia đình có người thân mất, cho dù không quen biết.
Lên lớp Tám, cô Bê cũng người Huế chủ nhiệm lớp tôi. Năm này có môn thuyết trình về đề tài văn học theo từng tổ, cũng khá thú vị. Giờ ra chơi tôi cùng bạn bè trong tổ chia phiên nhau mỗi người chọn một phần để lên nói. Tuần lễ đó tha hồ mà ngồi đọc quyển truyện để viết cho phần mở bài, thân bài và kết luận. Giờ nữ công do cô Đào Nguyên (là má của Phương Ngọc) dạy từ năm lớp Sáu, nhưng đến năm lớp Tám tôi mới thích vì cô bắt đầu dạy đan len, may quần áo, thêu khăn tay. Cô dạy tại lớp nhưng rồi về nhà tôi vẫn nhờ mẹ chỉ lại. Hai chị em tôi lúc này đã bắt đầu phụ giúp mẹ khi mẹ nấu cơm. Mẹ tôi dạy cho nấu những món thông thường và dễ làm.
Thế đấy, tuổi thơ của chị em tôi trôi qua thật êm đềm trong vòng tay yêu thương và những điều giáo huấn khá nghiêm khắc của bố mẹ tôi. Sau năm 1975, bố tôi còn làm việc tại bệnh viện Tỉnh (trước là Quân Y Viện)được hai năm nữa rồi đi học tập. Một mình mẹ tôi ở nhà tần tảo nuôi các chị em tôi. Mẹ tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa là người bạn lớn của các con khi đã đến tuổi trưởng thành. Vượt qua biết bao nhiêu thử thách, cam go, mẹ tôi vẫn vững tay chèo, lèo lái đưa các chị em tôi đến bến bờ: Ăn học nên người...
...
( Trích đoạn "BAN MÊ THUỘT VÀ TUỔI THƠ CỦA TÔI" của NGUYỄN VŨ TRÂM ANH đăng trên http://www.ninh-hoa.com/TramAnh-BMTVaTuoiThoCuaToi-3.)

Kiến trúc Pháp đã từng thấy đâu đó ở Ban Mê Thuột... Ở NHÀ TÂY

Kiến trúc Pháp đã từng thấy đâu đó ở Ban Mê Thuột...
Ở NHÀ TÂY
Dân gian thường nói “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Nhà Tây thì có gì đặc biệt mà người ta cứ mong muốn được “ở nhà Tây”?
Mãi đến năm 1928, một kỹ sư dân sự người Pháp là Eugène Freyssinet mới phát minh ra bê-tông dự ứng lực bằng cách sử dụng các sợi thép cường độ cao để nén bê-tông. Trước đó, do công nghệ chưa phát triển mà con người đã hình thành một phong cách trong xây dựng nhà cửa nói chung mà mãi đến hàng trăm năm sau các công trình này vẫn phát huy công năng sử dụng.
Theo KTS Vũ Quang Hùng... khi chưa có bê-tông cốt thép, người Pháp xây nhà làm cửa vòm để tăng tính chịu lực, xây tường dày để ngăn cách bên trong và bên ngoài, không chỉ cách âm mà còn điều hòa được nhiệt độ bên trong. Thêm vào đó, họ chọn hướng nhà rất kỹ, hướng nào thuận lợi cho việc đón gió thì họ mở rất nhiều cửa. Đến bây giờ ở nhà Pháp vẫn có cảm giác như lúc xưa, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
KTS Huỳnh Tòa... thì chỉ ra rằng, trong kiến trúc, người Pháp chú trọng đến việc tổ chức không gian sống cho từng cá thể trong một gia đình. Ở nhà Tây, con người có cảm giác không gian hoạt động rất phù hợp với mình, bởi người Pháp nghiên cứu công năng sử dụng từng phòng, từ nhà trệt cho tới nhà tầng. Thời đó vật liệu xây dựng tuy không sang như bây giờ, nhưng chủ yếu giữ được các vùng “tiểu khí hậu” trong từng phòng, giữa ngôi nhà với sân vườn có luồng không khí giao lưu tạo thông thoáng từ trong ra ngoài.
...
(Trích đoạn "Dấu ấn kiến trúc" của VIÊN PHÚC QUÂN đăng trênhttp://www.baodanang.vn/)
T

Nhớ cái ngày 26/6/1974 sĩ tử chúng tôi đi thi... TÚ TÀI IBM

Nhớ cái ngày 26/6/1974 sĩ tử chúng tôi đi thi...
TÚ TÀI IBM
Kỳ thi tú tài (TT) niên khóa 1973-1974 có nhiều điều đáng nói. Đây là kỳ thi TT cuối cùng của “chế độ Sài Gòn” và là lần đầu tiên Bộ Giáo dục (BGD), dĩ nhiên cũng của “Sài Gòn”, dùng máy điện toán IBM (International Business Machines) chấm bài...
Mặc dù máy điện toán đã có khá lâu, khoảng 1924, nhưng ở miền Nam vào những năm 1970 thì còn hiếm, ngay cả mấy tiếng “máy điện toán, máy tính điện tử” cũng chưa được phổ thông. Và BGD cũng không có máy đó nên phải hợp đồng với một đơn vị quân đội Mỹ. Máy IBM dùng cho quân đội nên đặt trong căn cứ quân sự và chuyên viên điều hành là lính. Máy (nhìn hình) to như một chiếc tủ lớn, dây điện chằng chịt nối các máy với nhau.
Máy IBM chỉ chấm bài trắc nghiệm theo mẫu. Bài trắc nghiệm học sinh đã được làm thử trước, được dặn dùng loại bút nào, chọn đánh “X” , hay “khoanh” câu trả lời thế nào, nếu bỏ câu trả lời này, chọn câu kia thì làm thế nào cho hợp lệ. IBM đọc như “máy”, không thông cảm, du di. Bài nào không đúng kỹ thuật sẽ bị loại. Nha khảo thí đã dự liệu có trường hợp “vô tình hay cố ý” không hợp lệ, nên điều thêm một số giám khảo chấm “tay” những bài này. Dù có cả người và máy chấm, nhưng kỳ thi đó vẫn gọi là tú tài IBM.
...
"...Bảng trả lời được đặt từ Mỹ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230; điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy 534 (punching machine) để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ nầy (punched cards) được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình (mean), độ lệch tiêu chuẩn (standard deviation), chuyển điểm thô (raw score) ra điểm tiêu chuẩn (standard score), tính percentile và thứ hạng trúng tuyển. Nhóm mẫu (sample) và nhóm định chuẩn (norm group) được lựa chọn kỹ càng theo đúng phương pháp khoa học của thống kê học, để tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn”.
Đúng như thế, bằng TT IBM có ghi hạng trúng tuyển (thứ, bình thứ, bình, ưu...) và điểm từng môn thi.
...
Ngày trước ít có chuyện thi đậu 100%, kỳ thi Tú Tài IBM cũng thế. Ông Nguyễn Thanh Liêm, chánh thanh tra, thứ trưởng giáo dục đã ghi lại kết quả như sau: “Thí sinh ghi tên trong khóa 1, 1974 là 142.356, nhưng thật sự dự thi chỉ có 129.406. Trong số nầy có 53.868 thi đậu (41,6%). Tổng số thí sinh dự thi khóa II là 94.606, nhưng thật sự dự thi chỉ có 76.494. Trong số nầy có 8.607 thi đậu (11,3%). Số người thi đậu TT (tốt nghiệp trung học) nhiều hơn xưa nhiều lắm (hơn 45% cho cả hai khóa, so với khoảng 10% trong những thập niên trước). Kỳ thi quốc gia không còn có mục đích gạn lọc, loại bỏ như xưa nữa. Từ đó sẽ có nhiều người có cơ hội được học đại học, và nước nhà sẽ có nhiều người ở trong thành phần trí thức, trình độ dân trí sẽ được nâng cao”.
Người đậu TT thì có nhiều lựa chọn, nhưng kẻ rớt thì sao?
“Rớt tú tài anh đi trung sĩ”. Trừ nữ sinh và những người còn điều kiện tiếp tục học thi lại, những thanh niên thi rớt thì đa phần vào lính. Tình hình chiến sự từ 1970- 1975 vô cùng ác liệt, hàng triệu thanh niên, những người trong độ “tuổi tú tài” bị gọi vào quân đội. Có những người dù đậu nhưng cũng phải bỏ ngang việc học như những lời ca ngày ấy:
“Trả lại em yêu khung trời đại học,
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
...
Anh sẽ ra đi về miền cát trắng,
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
...
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về (Trả lại em yêu - nhạc Phạm Duy).
“Tú tài” ngày trước 75 hơi ít, và càng về trước nữa, càng ít hơn, không phải vì nó cao xa, khó khăn gì mà vì lúc ấy trường trại còn thưa thớt. Thực, thì “tú tài” cũng chưa chuyên khoa. Tuy nhiên những lớp “tú tài” được gọi theo tiếng Pháp “bấc ôn , bấc đơ” (TT1, TT2) thì hiếm và oai lắm. Nhiều vị “tú tài” ngày ấy đã nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo của cả hai miền Nam, Bắc. Được vậy, một phần nhờ tài riêng, nhưng cũng nhờ giáo dục. Chính nhờ chỉ học chữ Pháp từ môn thể dục, vẽ đến văn toán mà họ thông thạo ngoại ngữ này. Họ nói tiếng Tây “như gió”, đọc sách Pháp dễ dàng nên tiếp cận được với những tư tưởng mới của thế giới. Họ dịch các sách Pháp ra chữ Việt. Họ có những đóng góp không nhỏ cho văn hóa nước nhà mà ảnh hưởng còn đến hôm nay.
“Tú tài” bây giờ thì quá nhiều, cũng thực tình thì các em có hơi “non” một tí, nhưng một mặt nào đấy, khoa học kỹ thuật, thì họ lại có ưu thế khác (hơn?) lớp cha chú ngày xưa. Đáng mừng. Và điều nầy cũng đương nhiên vì họ được hưởng những tiến bộ của khoa học. Với một chiếc máy tính, một iphone, người ta có thể chu du khắp thế giới, ngồi nhà mà biết tức thời kết quả bầu cử ở đâu đâu.
Kỳ TT IBM và các kỳ tú tài trước đó là “chuyện dĩ vãng” hay dở thì cũng đã rồi, BGD (cũ) không còn cơ hội nữa. Nhưng những người có trình độ tú tài” (dưới, bằng hoặc trên) thì vẫn còn.
Sau 1975, nhiều “anh em” làm chung với nhau trong một đơn vị, người ta thấy được kỹ năng, trình độ của những người “trong nầy”. Dù là “lính mới”, họ không ngỡ ngàng với xã hội mới, họ có thể tiếp thu, vận dụng. Nhờ đâu? - Chắc chắn nhờ Thầy, nhờ sự giáo dục có đặc tính dân tộc, nhân bản, khai phóng mà khi đi học họ nào có biết.
(Trích đoạn trong "TÚ TÀI IBM" của NGUYỄN VIỆT đăng trênhttp://boxitvn.blogspot.com/)
ThíchHiển

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

VẾT DAO

Sắp đến ngày hội ngộ lớp bmt 74...nhớ lại chuyện lớp tôi đã hơn bốn mươi ba năm rồi...
VẾT DAO
Lớp phó 10B1 Nguyễn Thị Ngọc Ánh lặng lẽ ôm chồng bìa Thành Tích Biểu phát trả lại cho từng người trong lớp. Cả lớp im phăng phắc nghe thầy dạy môn Vạn Vật Nguyễn Đình An mắng cho các anh, các chị làm người lớn... dám ghi tên giáo sư trống không... Bốn năm qua chúng tôi đều vô tâm, vô ý ghi như vậy. Nhưng nay khác rồi, ai nấy đều giở Thành Tích Biểu ra, ghi thêm Ông hoặc Bà trước tên các giáo sư. Môn học Việt Văn: Ông Nguyễn Giõng, Công Dân Giáo Dục: Ông Cung Kim Trạch, Sinh Ngữ I: Ông Bùi Dương Chi, Sinh Ngữ II: Bà Phạm Thị Ngọc Thanh, Lịch Sử Địa Lý: Ông Cao Bính, Toán: Ông Dương Quang Định, Lý Hóa: Ông Hoàng Trọng và cuối cùng Ông... đang dạy chúng tôi một bài học làm người...
Năm học này, mấy chị nữ ngồi bên trái, mấy anh nam bên phải có ngồi lấn thêm bàn cuối bên nữ. Tôi chú ý ngay mấy bạn nữ giỏi toán Nguyễn thị Lương, Nguyễn thị Bích Thủy, Lê Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Minh. Những bạn cũ giỏi toán vẫn còn nhiều, Trần Trọng Sự, Phạm Văn Chinh, Trần Văn Bình, Nguyễn Quang Ninh, Ngô Văn Dũng, Hoàng Trọng Kỳ. Và tôi quen ngay những người bạn mới toanh từ các trường khác sang. Bên La San có Từ Đức Long, Lê Văn Tuấn. Bên Hưng Đức có Nguyễn Việt Trung, Vũ An Dương. Bên Bồ Đề có Nguyễn Ngọc Sơn. Sự gắn kết nam nữ, lạ quen... thân dần theo từng ngày... từng giờ học với nhau.
Mấy ngày nay, cả lớp lao nhao đi tìm đá theo bài học về cấu tạo địa chất mà thầy An cho làm bài tập. Ngô Văn Dũng dẫn tôi, Ngọc Sơn và thêm mấy bạn nữa, đi tìm đá ở trên mấy ngọn đồi phía Duy Hòa quẹo vào. Sau khi tìm thấy đá hoa cương, chúng tôi đã tìm ra những viên đá thạch anh trong suốt, hình trụ nhọn đầu nho nhỏ, mọc tua tủa trên nền nham thạch trắng đục như sữa. Cả bọn cùng hưởng cảm giác thích thú khám phá trước thiên nhiên. Riêng loại đá huyền vũ cứ tưởng dễ kiếm vì cả vùng đất đỏ bazan mầu mỡ mình đang sống là do thiên nhiên biến đổi từ loại đá này. Hóa ra không phải những viên đá xanh làm đường hay đá cuội đào giếng. Lớp 10B1 chúng tôi lại kéo nhau đi dã ngoại, theo con suối dẫn lên hướng thác Nhà Đèn, tìm những viên đá đen nhanh nhánh. Đây cũng là dịp các bạn nam quan tâm đến các bạn nữ nhiều hơn...
Ngọc Sơn vừa vào lớp đã bị tôi ngoắc lại xem Trần Văn Bình sắp sửa làm thí nghiệm Hóa học. Tất cả vật dụng đều do bạn ấy tự kiếm, một hộp vuông bằng nhựa đựng nước muối, hai lõi than chì lấy từ pin bỏ đi làm hai cực, gắn dây điện vào cục pin PC vuông... Các bạn đến lớp sớm bu quanh anh chàng Bình, khen rối rít khi thấy bong bóng nước li ti xuất hiện ở một đầu than chì. Đây là bài học điện phân dung dịch NaCl không màng ngăn, tạo ra nước Javel và có khí Hydro thoát ra ở catot (cực âm). Lời khen được lớp hưởng ứng thuộc về các bạn nữ... mai mốt bà xã của Bình được nhờ rồi đấy! Khỏi tốn tiền mua nước tẩy!
Hội Xuân năm Nhâm Tý, trại 10B1 đã xóa tan mọi e dè, nghi ngại còn sót lại của ai đó trong lớp. Tiếng cười, tiếng nói cứ vang vang tự nhiên vô tư. Nhìn chị Bích Phượng cười... sao mà hiền hậu lạ kỳ. Á hậu Mai Loan thì xinh đẹp khỏi nói. Chị Ngọc Ánh tóc ngắn khoẻ khoắn dân thể thao. Mấy tiểu thư đài các hát hay như Thúy (Hoàn Toàn), xốc vác chuyện bếp núc như Thu Hương... nhiều lắm... ai cũng có nét riêng đáng yêu của mình. Cái tập thể tự nó lôi cuốn mọi người lại với nhau. Nó làm cho bạn Nguyễn Thị Lương mất đi vẻ lạnh băng ít nói của mình. Nó khiến các tiểu thư Lê Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Nguyệt trở nên rất chịu chơi, mượn xe công vụ phục vụ cho lớp... mà không biết có xin phép ở nhà chưa nữa. Trực ở trại, thích nhất được ngồi nghe các bạn hát, Trần Văn Bình, Võ Thành, Đỗ Văn Dư, Lê Văn Tuấn... cùng với Phùng Tất Đạt, Trần Văn Can bên 10B2 sang, hát say sưa. Những ca khúc của Phạm Duy, tình khúc Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương... chuyển qua Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang... Những bạn khác như tôi ngồi nghe thích câu nào thì hát ké theo thêm vui. Có hai bài không ăn nhập vào đâu nhưng hầu như cuộc vui nào cũng hát, đó là bài Tiếc Thương và Người Yêu Tôi Bệnh. Cuối cùng trước khi tan hàng là những bài chỉ cần hát to thôi... Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ... Về Với Mẹ Cha... "Từ Nam Quan, Cà Mau. Từ non cao rừng sâu. Gặp nhau cho non nước xây cầu..."
Những gốc phượng gồ ghề đầy vết tích học sinh, nằm yên lặng trong sân trường, đếm thêm một mùa hoa rụng. Mùa hè đi qua trường tôi nhẹ nhàng... đi qua thị tứ Ban Mê hiền hòa, bình an... Nhưng ở những nơi khác thì được mệnh danh là Mùa Hè Đỏ Lửa, và hơi nóng của nó lan tỏa một cách khủng khiếp biến thành những cơn lốc thổi vào mùa khai giảng năm đó... Nó hất tung các lớp 11 trong trường... Nó điểm chết tên từng con ngựa chứng sẽ phải rời sân trường... làm dang dở bao cuộc đời học sinh.
Lớp 11B1 có những bạn biết trước mình phải xếp bút nghiên, Trần Văn Chấn, Trần Trọng Sự, Ngô Văn Dũng, Hoàng Trọng Kỳ, Vũ An Dương, Nguyễn Ngọc Lễ, Phan Văn Đệ, Bùi Hùng, Nguyễn Phi Đối... Và bạn ngồi cạnh tôi là Nguyễn Ngọc Sơn, hiền lành như con gái, cũng rời trường vào đầu năm sau. Tất cả vẫn đi học bình thường, hy vọng có điều kỳ diệu nào đó xảy ra, xóa đi cái Lệnh Tổng Động Viên để mình được tiếp tục ôm sách vở tới trường. Thời Khóa Biểu của lớp 11B1 học buổi sáng nhưng vẫn có giờ học buổi chiều. Trong đó có giờ của thầy Phú Thành Sang dạy Pháp Văn và của thầy Phạm Văn Phước dạy Vạn Vật.
Một buổi chiều đầu giờ, Ngọc Sơn mang ổ khóa mới lên khóa lớp lại. Cả lớp phải chịu theo trò nghịch của nó, cũng xếp hàng khi thầy Sang đến, và... không biết gì đâu thầy ơi. Thầy Giám Học Bùi Thế Vĩnh xuống quyết định cho bác Cai phá khoá... Do thấy vui nên học mau thông... cuối giờ thầy còn hát cho lớp nghe bài Tiếng Sáo Thiên Thai...
Một buổi sáng, đến giờ học môn Anh Văn của thầy Trần Đại Hiền, thầy cầm phấn viết lên bảng... hình như phấn bị ướt... thầy bỏ đi, lấy viên khác... vẫn không ăn bảng. Thầy quay xuống lớp cười cười... dạy không cần bảng. Cả lớp cũng nhìn thầy với đôi mắt mở to như nói... không biết gì đâu thầy ơi. Cái bảng ấy đã được Ngọc Sơn và bạn Long bôi lên một lớp dầu (dùng để pha sơn), và tụi nó đã viết thử... không phấn nào cho ra chữ. Không khí vui vui lan tận cuối giờ. Thầy thích nghe học trò hát, thầy nhịp chân theo tiếng hát của bạn Nguyễn Thị Thúy. Bạn ấy hát bài Xuân Thì rất truyền cảm, nhưng cảm đến mức nghe ngơ ngẩn như Từ Đức Long thì... chịu bạn đấy!
Đỉnh điểm những trò nghịch ngợm rơi vào chiều hôm đó. Vẫn là Ngọc Sơn và bạn Long vận động cả lớp trốn hết ở bên ngoài chỉ để hai con tin là Nguyễn Thị Lương và Nguyễn Thị Minh ở lại. Nếu thầy Phước ở lại dạy thì tụi mình xin vào báo đi trễ, còn thầy cho nghỉ thì đi chơi thác Nhà Đèn luôn. Lớp 11B1 nằm cuối bìa dãy lớp song song với đường Hùng Vương, nối với lớp là sân đánh bóng chuyền, bước qua con đường nhỏ là quán ông Tựu. Các đầu têu đang ở trong quán nhìn sang lớp... chờ đợi. Một số bạn bắt đầu sợ phạt cấm túc định ra đầu thú, nhưng lại được Nguyễn Phước Cơ cháu thầy Hiệu Trưởng và Phan Văn Quế em thầy Nhạc trấn an... có gì tụi này nhận tội cho. Cả bọn đi chơi vẫn thấy lo lo thế nào... Thầy Phước không báo lại cho Nhà Trường biết, có lẽ thầy tha cho tội lần đầu, và tụi em biết chắc chắn... không có lần thứ hai đâu thầy ơi.
Không có điều kỳ diệu nào đến với Ngọc Sơn và các bạn. Thời gian cứ rút ngắn lại chờ ngày đi... Cuộc sống có những dấu hiệu bất an của thời chiến. Dấu hiệu đó đã len vào một buổi sáng trong trường. Cả lớp vừa ngồi xuống chưa kịp học bài mới... Phía trước bàn Trần Văn Bình và Võ Thành ngồi, một bạn nữ ú ớ ngã ra sùi bọt mép,chân tay co giật... Bạn Thành giành lấy quyền săn sóc cho bạn ấy. Mọi người hốt hoảng theo tiếng còi hụ của nhiều xe cứu thương, đang rú lên vội vã chạy về hướng Quân Y Viện. Lại thêm tiếng la thét của mấy bạn nữ... Bích Thủy bị... Bích Thuỷ cũng bị nữa rồi... Hơn một tiếng đồng hồ kinh hoàng, cuộc sống trả lại sự bình an. Chỉ là ngộ độc nhẹ từ bánh mì của lò bánh Âu Hóa, trong chợ trên đường Nguyễn Thái Học.
Ngọc Sơn dừng các trò nghịch trong lớp chuyển sang cùng lớp đi picnic. Đi thác Nhà Đèn nấu cơm lam... đi rừng trúc ở Cầu 14. Nó muốn đi nhiều hơn nữa như níu giữ tháng ngày còn lại làm học sinh. Một kế hoạch đi chơi ngoài trời bằng xe đạp được đưa ra. Mỗi người một chiếc xe, tự mang nước uống, đóng góp một ít cho Từ Đức Long mua bánh mì với muối tiêu đồ hộp là xong. Đi khắp nơi... thăm trường Sư Phạm Cao Nguyên có thầy Sang ở đấy, ngắm những hàng cây hoa Anh Đào, rồi đến Cốc Lâm Tuyền lội suối mát trong... Những ngày khác, các bạn có mặt thường xuyên bên Ngọc Sơn, Trần Văn Chấn, Ngô Văn Dũng, Nguyễn Ngọc Lễ, Phan Văn Đệ... là Đức Long, Nguyễn Việt Trung, Nguyễn Quang Ninh, Phạm Văn Chinh... Chúng tôi rong ruỗi trên quốc lộ 14, thích chỗ nào thì dừng lại chỗ đấy, xuống tận bến cát phía dưới cầu tắm sông, xem người ta lặn múc cát bằng thúng đổ lên thuyền. Ngô Văn Dũng giỏi bơi lặn mượn kính bảo hộ, cầm thúng, chân đạp vào thành cọc chữ A lấy đà lặn cắm xuống... trồi lên được nửa thúng. Mới hay họ quen việc làm rất nhanh, thoáng cái là đầy thuyền con ngay... Tiếp tục lại đi rong, khởi hành từ bùng binh Ngã Sáu, theo con đường Tự Do lên cây số 3, đi cây số 5 chuyển hướng qua sân bay Hòa Bình, quay lại nghỉ trưa ngắm cây khô trong hồ Trung Tâm, rồi tắt theo mấy vườn cây ăn trái, vác xe băng rào ra ngõ Tình Thương ở Hòa Đông gặp quốc lộ đi Nha Trang, vòng về lại cây số 3... chưa muốn về nhà... lại ngoặt lên quốc lộ 14 thăm đồn điền CHPI... Đạp xe thong dong dưới những hàng cây cao su thẳng tắp, tận hưởng những cơn gió thoáng mát trong lành... rồi gặp một vạt cỏ xanh êm... quăng xe, ngả lưng xuống nhìn mây trời qua kẽ lá... nghêu ngao hát... "đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây..." ...Tất cả đều được Ngọc Sơn lưu giữ vào máy chụp hình của nó. Nó chụp nhiều lắm, rất nhiều hình cho bạn bè, nhưng rất ít thấy nó trong đó...
Học xong giờ Sử Địa của cô Võ Thị Hảo cũng vừa tan trường. Mọi người trong lớp đã ra về, còn lại tôi và Ngọc Sơn. Nó lấy ra con dao nhíp nhỏ khắc dấu lên bàn... Cái thằng làm lại trò vặt thời nhỏ... biết sao được nó níu kéo điều gì khi ngày đi của nó đã cận kề... chắc nó hẹn một ngày về thăm lại chỗ học cuối cùng là đây. Tôi đi ra ngoài đợi nó, lòng thấy buồn lây... Từ khi Huỳnh Văn May rủ hai thằng xuống lớp 9, có bạn gái của May, tán gái thì lộ ra cả hai đều nhát như cáy... Không được như anh chàng May, ăn nói rất ngọt, nói như xin phép... để May nói... để May nói... cái này May nói cho nghe... Thế là Ngọc Sơn cứ đưa sách của chị gái nó cho mình mượn như bắt mình đọc khoán thay nó vậy. Nào là quyển Thi Nhân Tiền Chiến... đến tập thơ Lời Dâng của R.Tagore... và đang chờ nó để lấy quyển Ý Thức gì đó của Phạm Công Thiện. Chẳng biết đọc có vào không nhưng phải nhận cho nó vui... Lâu quá không thấy nó ra, tôi quay lại nhìn qua ô cửa kính cũng kịp dừng tiếng kêu... nó đang ngồi lặng yên nhìn lên bảng, hai tay xoa vết dao trên bàn. Nó muốn ghi sâu vào miền ký ức và mong ước sẽ quay trở lại...
Nhưng chiến tranh đã ngăn ước mơ của Ngọc Sơn lại, mãi mãi không cho nó quay về sờ lại vết dao kỷ niệm đó nữa... Chiến tranh đã gọi nó ra đi... vĩnh biệt dương trần... tuổi chưa đến hai mươi.
Những khoảng trống bỏ lại trong lớp sau khi những con ngựa chứng rời sân trường, chất chứa bao điều không nói. Chúng tôi vẫn viết tiếp trang vở học sinh của mình... Những kỷ niệm xin gởi vào thời gian... Tiếng cười nói đùa vui lại theo vào lớp học, nhanh chóng khỏa lấp dần những khoảng trống trong tâm tư mỗi người. Các bạn nữ bàn tán về bộ phim mới chiếu, Mùa Thu Lá Bay do Chân Trân và Đặng Quang Vinh đóng... nhắc cho nhau những bộ phim sắp chiếu ở rạp Thăng Long, Romeo và Juliet, Bác Sĩ Zhivago, Chuyện Tình... Trần Văn Bình đem lên lớp những tấm thiệp in nhạc nhỏ nhắn trong lòng bàn tay, những nhạc phẩm phổ thơ Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên... nói về tác phẩm Áo Tiểu Thư của Duyên Anh... Tôi rất ưa hóng chuyện anh chàng Bình nói về con gái... rồi ngu dại hỏi những câu hỏi vô duyên. Thường bị nó đánh mắng cho là "ngây thơ cụ"... con gái có mốt lên gấu, hở gấu là sao? Thôi thì mình tự đi tìm... cho bỏ tức!
Tôi bước theo chân của bạn Nguyễn Thị Lương trên đường đi học về. Con đường Thống Nhất rợp bóng mát dưới hàng cây phượng. Bạn ấy chẳng khác gì Ngọ trong bài hát... tóc dài... bờ vai nhỏ... đi dịu dàng... tà áo vờn bay. Tôi đi sau chẳng ngại ngùng, nhìn thử xem bạn có "mốt" gì không. Chẳng thấy có gì khác, kín đáo như nữ sinh trường Dòng. Đi đến công viên vòng qua Biệt Điện, xuôi theo Dân Y Viện về hướng Trại Mai Hắc Đế... Không một lần ngoái lại phía sau, đúng là dân giỏi toán!
Một buổi chiều không chủ định, tôi chợt thấy bóng dáng cô bạn xóm trên, kịp đuổi theo ngay tại ngã tư đường Thống Nhất với đường Lê Lợi. Một khoảng cách an toàn đủ len lén nhìn phía sau. Không có "mốt" gì hết, mà lạc"mốt" nữa đằng khác. Mái tóc đen dầy biếng chải với chiếc áo len màu xám thùng thình, làm mất đi vẻ tươi trẻ của nữ sinh. Chỉ có những bước chân nhanh... là học giỏi. Hóa ra cái vòng cấm địa mình vẽ là thừa vì cô nàng cũng tự khoanh cho mình một vòng đáng ghét... Đến ngã ba nhìn sang đường là Tiểu Khu Darlac, có con đường "không tên" đi về phía sau lưng sân bóng. Bỗng dưng ngập ngừng không theo nữa... cứ sợ ai đó bắt gặp... lo sợ không không... Tôi rẽ phải đi dưới đường vắng người, dẵm lên những ánh nắng chiều lay động, được vòm lá phượng ngăn lại làm mềm đi dưới chân. Hát nho nhỏ cho mình nghe... nắng đợi chiều nắng say... nắng nhuộm chiều hây hây...
Gần cuối niên học 72-73, Nhà Trường cho phép chuyển ban để sắp xếp lại lớp học. Lớp 11B1 đều chuyển sang ban A, chỉ có bốn người ở lại ban B, là Trần Văn Bình, Phạm Văn Chinh, Nguyễn Quang Ninh và Từ Đức Long. Lần này tôi chọn theo sở thích của mình chứ không phải do kém toán. Tôi đã lọt vào tốp sáu trong lớp và được thầy giáo Chủ Nhiệm Nguyễn Giõng trao cho ba lần phiếu màu đỏ. Thật ra cái vị thứ ở lớp trên này ít ai quan tâm chú ý, không như thời Đệ Nhất Cấp, rất hãnh diện và được khẳng định rất lâu trong lòng bạn bè. Nhưng dù sao nó cũng đánh dấu cho những cố gắng riêng mình, thoát ra khỏi cái môn Toán, kém kém bao năm rồi. Mỗi lần ngắm nghía tờ phiếu màu đỏ đó, y như rằng thấp thoáng phía sau là bóng con nhỏ xóm trên, đang xòe một quạt những bảng danh dự trắng trắng vàng vàng, vẫy vẫy chọc quê... Ký ức lui về thời cùng học ở trường Tiểu học gần nhà, bọn con nít chơi đùa với nhau chẳng phân biệt trai hay gái... Những trò chơi dân gian ngày ấy... khi bị thua con gái thì tức... càng tức hơn nữa... bị lêu lêu... con trai mà thua con gái... lêu lêu... Đã vậy rồi, cái bài hát hay nhất trong năm cũng không chịu bênh mình, cứ nheo nhéo bên tai... người từ trăm năm... về như dao nhọn... Đến là khó chịu!
Người từ trăm năm
Về như dao nhọn
Dao vết ngọt đâm...
Phạm Đình Đạt