Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Thiếu nữ Bahnar... TỤC MỪNG SINH

Thiếu nữ Bahnar...
TỤC MỪNG SINH
Lễ tục mừng sinh thường được chia làm 2 lệ tục nhỏ đó là: Tục lệ “xem por” (nuôi cơm) và Tục lệ “hlôm đon” (thổi tai).
Tục lệ xem por (nuôi cơm): Ngay sau khi đứa bé ra đời, người cha hoặc người mẹ đặt tên con. Việc đặt tên con rất quan trọng và phải khẩn trương chứ không chờ lâu, bởi họ quan niệm nếu để muộn có thể các thần quỷ quái sẽ tranh giành đặt tên con cho đứa trẻ trước thì sẽ nguy hiểm cho tính mạng của bé...
Để mừng sinh, một lễ tiệc nhỏ được tổ chức ngày hôm đó, gồm một ghè rượu cần với một con gà, đầu con gà luộc chín nhưng không bỏ muối. Lễ tục này được gọi là xem por. Bà mụ sẽ lấy vài hột cơm thấm chút rượu, quệt trên làn môi đứa trẻ và nói lời “cầu chúc cho mày chóng lớn và khoẻ mạnh”. Sau đó người cha đứa trẻ sẽ mời bà mụ uống cần rượu đầu tiên và trao cho bà mụ một đùi gà và đầu con gà. Bà mụ dùng tay tách đầu gà, rút riêng cái xương hàm dưới của mỏ gà, sẽ thấy có ba xương, hai xương ở hai mép lớn và dài hơn xương giữa, đoạn nối liền với lưỡi. Người ta thường chú ý đến xương ở giữa nhiều hơn. Nếu xương cong về phía trước, hoặc xiên về bên này hay vểnh về phía kia thì chẳng sao. Tốt nhất xương giữa phải đâm thẳng lên trời hoặc hơi cuối về phía trước. Điều kiêng kỵ là xương giữa đâm ngược về phía sau, (hrăh tơ rong) có nghĩa là điềm xấu.
Tục lệ “hlôm đon” (thổi tai): Thường một tháng sau khi đứa trẻ chào đời, lễ thổi tai “hlôm đon” sẽ được tiến hành. Sở dĩ có sự chậm trễ này là vì phải đợi cho sức khoẻ người mẹ phục hồi, có thể ăn uống được và hoà nhập với cộng đồng. Hơn nữa, để chủ nhà cũng như bà con trong làng có thời gian chuẩn bị nấu rượu cho ngày lễ. Người tham dự càng đông vui càng tốt lành cho tương lai em bé.
...
Tục lệ mừng sinh đối với người Ba Na khá quan trọng. Có mừng sinh thì người ta mới biết được tên của em bé. Vì thế, có thể gọi tiệc mừng sinh được coi như là lễ kết nạp thành viên của cộng đồng “Kon Plei”.
(Trích theo "TỤC MỪNG SINH CỦA NGƯỜI BA NA (BAHNAR) KONTUM" của Duy Thanh đăng trên kontumquetoi.com)

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Chuyện người vợ Bahna của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc...

Chuyện người vợ Bahna của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc...
" Ơ BÀ YĂ ĐỐ ! "
...
Với nhãn quan tốt về quân sự, 3 anh em nhà Tây Sơn đã nhanh chóng nhận ra một vùng đất rộng lớn nằm phía tây đèo An Khê đầy tiềm lực để xây dựng nghĩa quân, tích trữ lương thực, chuẩn bị voi chiến, ngựa chiến cho cuộc khởi nghĩa của mình. Từ vùng "hạ đạo" (thuộc H. Tây Sơn, Bình Định), 3 anh em nhà Tây Sơn đã cùng tướng lĩnh vượt đèo An Khê lên mở căn cứ ở vùng "thượng đạo" này. Tại đây, Nguyễn Nhạc đã gặp và lấy một phụ nữ người Ba Na làm vợ, mà theo truyền khẩu bà mang tên Ya Đố (người Ba Na ở làng Đê H'Mâu - nay thuộc xã Đông, H. Kbang), còn người Kinh gọi bà là cô Hầu hay là cô Hầu đốc tướng. Biết người chồng miền xuôi của mình nuôi chí lớn, bà Ya Đố đã tham gia tích cực vào phong trào Tây Sơn, góp phần xây dựng lực lượng nghĩa quân. Cùng với dân làng, bà đã tìm đất khai hoang trong nhiều tháng trời, tạo thành cánh đồng rộng hơn 20 ha trồng lúa và cánh đồng đó ngày nay vẫn mang tên cánh đồng cô Hầu (nay thuộc xã Nghĩa An, H. Kbang)...
...
Trong thời gian ở với Nguyễn Nhạc, bà Ya Đố đã có mấy lần xuống miền xuôi lấy giống cam, chanh về trồng khắp làng mình. Tương truyền vườn cam ở Kon Hà Nừng (huyện K’Bang) có từ thời bấy giờ. Còn rừng mít ở trong dãy núi Kon Chơ Ví (xã Nghĩa An) cũng do bà Ya Đố trồng và đến nay ở đây vẫn còn nhiều cây mít cổ thụ.
Không biết cánh đồng Cô Hầu đã cung cấp được bao nhiêu lương thực nhưng lúc bấy giờ chính nó đã nuôi sống nghĩa quân Tây Sơn trong buổi đầu dấy nghiệp.
Nhờ sự giúp đỡ của Ya Đố, anh em Tây Sơn đã tìm đến Plei Sýt (xã Nam), Đê Tung (xã Đông, huyện K’Bang) mở rộng căn cứ. Truyền thuyết ở Đê Chơ Gang (nay thuộc xã Phú An, thị xã An Khê) còn kể Bok Nhạc thường xuyên vào đây nhiều lần và dừng chân trên hòn đá lớn bên bờ suối Chơ Ngang (tiếng Ba Na gọi là Thông Chơ Ngao). Sau này, ông Nhạc về xuôi, dân Đê Chơ Gang gọi hòn đá đó là đá ông Nhạc (tiếng Ba Na gọi là Tờ Mo Bok Nhạc).
Ya Đố và người dân Ba Na luôn trung thành với nhà Tây Sơn. Nhiều cụ già trong vùng kể rằng Gia Long sau khi tiêu diệt được nhà Tây Sơn đã đưa quân về đây đàn áp và bị người dân chống trả quyết liệt và họ đã rào làng để tự vệ trong một thời gian dài.
...
Sau khi lên ngôi, Nguyễn Nhạc đã sai quân lên đón bà Ya Đố về Quy Nhơn nhưng bà không thích về sống ở chốn phồn hoa đô hội mà ở lại với người dân Ba Na và sau đó mất tại đây.
Tương truyền ngọn núi Tơ Gu cao nhất trong vùng ở huyện K’Bang là nơi an nghỉ cuối cùng của bà Ya Đố. Đứng trên đỉnh núi này, bà Ya Đố có thể trông xuống Quy Nhơn, nơi Nguyễn Nhạc đóng đô.
Dân gian còn kể trong buổi lễ đưa tang bà, cả vùng núi đông chật người, voi, ngựa và tiếng cồng chiêng vang rền như sấm.
Trong tâm thức của đồng bào Ba Na ở đây, Ya Đố là nữ thần trong các chuyện kể, sử thi Ba Na. Trong buổi lễ hội lớn của một số Plei (làng) ở huyện K’Bang, cùng với tiếng cồng chiêng vang dội thì trong lời khấn của già làng thường có câu:
“Ơ thần núi, thần sông,
Ơ ông Bok Teng,
Ơ bà Ya Đố,
Lũ làng xin mời về...”.
(Trích theo "Ơ bà Ya Đố !” của Lữ Hồ đăng trên http://nld.com.vn/)


Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

MÙA HÁI MĂNG RỪNG

Mùa mưa nơi xứ Thượng...
MÙA HÁI MĂNG RỪNG
Từ tháng 5 Dương lịch cho đến hết tháng 10, khi Tây Nguyên đắm mình trong mùa mưa cao nguyên với những trận mưa triền miên, dai dẳng cũng là lúc thích hợp cho những chồi măng vượt đất vươn lên. Và cứ đến thời điểm ấy, các chị, các cô trong buôn làng lại lũ lượt rủ nhau lên rừng, tìm hái những ngọn măng tươi rói, mập mạp và ngọt đậm vị rừng-món quà bao đời rừng đã hào phóng ban tặng cho con người để chế biến thành vô số món thơm ngon.
...
Hành trình hái măng của già Deo thường bắt đầu từ khoảng 8 giờ sáng. Giờ kết thúc phụ thuộc vào măng trên rừng nhiều ít, nếu nhiều măng, đủ gùi già được về làng sớm hơn. Chỉ với chiếc gùi và cái nèo đào măng, mỗi ngày lên rừng, già Deo hái được trung bình 30-40 kg măng tươi. Măng đầu mùa và cuối mùa còn ít nên khó kiếm, măng mới nhú thậm chí phải đào sâu xuống đất để lấy phần củ ngon nhất. Giữa mùa mưa, măng mọc nhiều, dễ hái nhưng giá măng lại rẻ. Măng sau khi được bẻ từ bụi tre nứa, phải đem ra lột sạch lớp vỏ và đem về luộc với nước muối loãng chừng nửa tiếng mới đem đi bán...
...
“Mấy mươi năm rồi, năm nào già chả đi. Người ta sợ lên rừng phải rủ nhau nhóm họp 5-7 người mới đi và cũng lâu lâu mới lên hái một lần về ăn, mình thì đi miết miết, thành quen, thuộc cả mấy ngả núi bao quanh làng rồi. Người ta bảo, cứ đi lỡ gặp chuyện gì đó trên rừng hay gặp người xấu, Deo biết làm sao? Nhưng mùa măng nào tôi cũng vẫn đi, tôi không thấy sợ”- già Deo, bộc bạch.
...
Khi hỏi, đi lấy măng rừng khổ nhất là điều gì? Già Deo cười, “ồ, khổ nhiều chứ!”... “Hôm đó măng nhiều, mình cứ ham hái miết, đến khi quay trở ra thì trời tối. Đường trơn, gùi nặng lại đi vội vã nên mình trượt ngã, đầu gối đập vào đá. Vết thương ấy bắt mình ở yên một chỗ, không đi lại được liên tục 2 tuần liền. Giờ trở trời nó vẫn đau…”- già Deo, kể lại. “Chuyện con muỗi, con vắt là thường lắm. Có khi về tới nhà rồi, đi tắm mới thấy con vắt no căng máu miệng vẫn còn bám chặt lưng…”- già tiếp lời.
...
Hái măng không là công việc nhẹ nhàng nhưng đa số lại là chị em phụ nữ người Jrai, Bahnar, Xơ-đăng… trong các buôn làng đi hái. Việc đòi hỏi sự cần cù, kiên nhẫn và cả đôi bàn tay có chút khéo léo để bẻ được những ụ măng hay bóc tách các lớp lá áo...
Măng có mặt ở hầu khắp các cánh rừng Tây Nguyên khi mùa mưa đến và kéo dài cho đến hết tháng 10, 11. Ở đâu có bóng họ cây nhà tre, ở đấy có những măng. Từ măng le, măng nứa, lồ ô… Mỗi loại một vị hấp dẫn riêng tùy khẩu vị và thậm chí, những “tín đồ” của món ăn dân dã này còn “phát minh” ra hàng trăm cách chế biến khác nhau làm nên những món ăn khác lạ, độc đáo và không thiếu sự tinh tế. Người ta đồ rằng, măng là loại món ăn không nhiều dinh dưỡng nhưng chẳng mấy người lại không bị thuyết phục bởi sự ngon miệng của món ăn này.
...
(Trích theo "Mùa hái măng rừng" của Lê Hòa đăng trênhttp://baogialai.com.vn/)


Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Xứ Thượng... DÂN TỘC M'NÔNG

Xứ Thượng...
DÂN TỘC M'NÔNG
Cùng với người Ba Na, Ê đê, người M’ Nông là một trong những tộc người cư trú lâu đời nhất trên mảnh đất Tây Nguyên và cũng là tộc người còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Tiếng nói của người M’Nông thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
M’Nông là dân tộc thiểu số ở Việt Nam với dân số khoảng 103 nghìn người, sống phân bố tại nhiều tỉnh ở vùng đất Tây Nguyên thuộc cao nguyên miền Trung Việt Nam như: Ðắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Quảng Nam, Lâm Ðồng. Trong cộng đồng dân tộc M’ Nông lại chia thành nhiều tộc người theo nhóm cư trú tại các địa phương.Tuy nhiên người người M’Nông sống tập trung đông nhất vẫn là ở các huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông.
Người M’Nông ở Đắc Lắc cư trú nhiều ở Buôn Đôn, huyện Lắc, Krông Bông và trong 3 huyện đó ở Buôn Đôn có người M’Nông Bu Đâng, ở huyện Krông Bông có người M’Nông Kuênh, huyện Lắc có người M’Nông Prâng, M’Nông Gar, còn các nhóm M’Nông khác như người M’Nông Preh cư trú ở huyện Đắc Mil hay M’Nông Nor, M’Nông Prâng ở một số huyện xã của tỉnh Đắc Nông.
Trong cộng đồng xã hội, người M’Nông sống tập trung theo các Bon ( còn gọi là Buôn). Mỗi Bon gồm nhiều hộ gia đình có quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống gần gũi, trong đó dấu vết của chế độ mẫu hệ vẫn in đậm trong trong mọi quan hệ ở Bon làng. Mỗi Bon của người M’Nông gồm vài chục nóc nhà và tuỳ theo từng vùng, nhóm tộc người mà người M’Nông xây cất nhà trệt hoặc nhà sàn.
Người M’Nông sống gần gũi với thiên nhiên, nên từ xa xưa đã hình thành mối quan hệ tinh thần với rừng. Người M’Nông thường nói: “ Rừng là mái nhà che chở, bao bọc cho người M’Nông, rừng cũng là nơi ở của các vị thần linh mà người M’Nông có thể khẩn cầu sự giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống”. Đặc biệt từ xa xưa, người M’Nông đã có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, đồng bào huấn luyện voi rừng trở thành voi nhà để làm phương tiện vận chuyển, phục vụ sản xuất...
Người M’nông Rlâm, M’Nông Gar, M’Nông Chil, M’nông Preh... có văn hoá lúa nước. Riêng người M’Nông Rlâm xưa không làm rẫy, mà sống ven hồ, làm lúa nước rồi bắt cá, săn thú..Còn về phong tục tập quán của người M’Nông Rlâm gần giống người Ê đê, làm nhà là nhà sàn, việc cúng bái, đánh cồng chiêng cũng khá giống người Ê đê, chỉ khi nói, có tiếng nói khác người Ê đê thôi.
...
(Trích theo "Vài nét về người M'Nông ở Tây Nguyên" của Tô Tuấn đăng trênhttp://vovworld.vn/)

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Xứ Thượng... DÂN TỘC SÊ ĐĂNG

Xứ Thượng...
DÂN TỘC SÊ ĐĂNG
Người Sê-Đăng còn có tên gọi khác là Hđang, là một trong số những dân tộc thiểu số chủ yếu sống tại huyện Tu-mơ-rông và huyện Đăktô thuộc tỉnh Kontum, Việt Nam. Một số ít sống ở miền núi của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền núi khác.
Theo thống kê năm 2009, người Sê-Đăng ở Kontum có dân số 104.759 người, chiếm 24,4 % dân số toàn tỉnh và 61,8 % tổng số người Xơ Đăng tại Việt Nam.
Người Sê-Đăng sống đa số ở miền núi nên việc làm rẫy là chính trong đời sống kinh tế và văn hóa của họ. Họ trồng mì “pét pôm”, trồng lúa trên các sườn đồi “pét báu kong”. Ngoài ra một số làng còn trồng lúa nước “pét báu klang”, họ dùng sức trâu, sức người để làm tơi đất. Họ chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn, đánh bắt cá, đan lát, dệt, đặc biệt người Sê-Đăng có nghề rèn từ quặng sắt rất phát triển và nổi tiếng từ lâu.
Họ có đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đời sống văn hóa phong phú và đa dạng. Những phong tục của người Sê-Đăng được tồn tại và được phát huy cho đến bây giờ: lễ hội mừng lúa mới “ka báu nếu”, tục đám cưới “ôu drôu óng mé”, ngoài ra còn có các tục uống rượu như uống rượu người chết “ôu drôu tui”, uống rượu trước mùa gặt “ôu drôu íng”, uống rượu làm nhà “ôu drôu mơnhông hngêi”…
Mỗi làng Sê-Đăng đều có nhà rông. Nhà rông được dân làng làm nên hoàn toàn bằng gỗ có mái lợp bằng tranh. Kỹ thuật làm nên chỉ là lắp ghép và chằng buộc, không hề dùng đến đinh sắt, dây thép… Nhà rông thực sự là công trình kiến thiết, một sản phẩm văn hóa trong làng của người Sê-Đăng. Nhà rông được ví như một ngôi nhà đa năng, là nơi diễn ra các lễ hội như lễ mừng lúa mới, lễ mừng cưới hỏi cho đến những vấn đề xung khắc trong làng cũng được phân xử tai đây.
...
(Trích theo "NÉT VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO SÊ-ĐĂNG" của Phạm Đức Hữu đăng trên http://violet.vn/)

Xứ Thượng... DÂN TỘC BA NA

Xứ Thượng...
DÂN TỘC BA NA
Dân tộc Ba Na là tộc người có dân số đông trong cộng đồng các dân tộc sinh sống ở cao nguyên miền Trung Việt nam. Người Ba Na cũng là chủ nhân của những sắc màu văn hoá độc đáo, đặc trưng cho cư dân của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.
Người Ba Na còn có các tên gọi khác như : Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông. Tiếng nói của người Ba Na thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Với dân số hơn 227.000 ( theo tổng điều tra dân số năm 2009) người Ba Na phân chia theo nhóm địa phương như: Rơ Ngao, Rơ Lơng , Tơ Lô, Gơ Lar Krem…
Ðịa bàn cư trú của người Ba Na trải rộng trên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và miền Tây các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hoà. Người Ba Na canh tác lúa trên ruộng khô và rẫy . Từ đầu thế kỷ XX, người Ba Na đã làm ruộng nước và phương thức canh tác này hiện nay phát triển ở nhiều nơi. Người Ba Na có nhiều ngành nghề thủ công như: đan, dệt, gốm, rèn…
Người Ba Na sống gần gũi với thiên nhiên núi rừng do vậy các bản làng của người Ba Na thường quần tự ở những nơi gần nơi sông, suối.
Trong đời sống cộng đồng xã hội của người Ba Na, chế độ mẫu hệ vẫn thể hiện rõ trong quan hệ gia đình, tộc họ và trong hôn nhân.
Ở mỗi làng Ba Na thường có một nhà công cộng là nhà Rông to, đẹp ở giữa làng. Nhà rông là trụ sở của làng, nơi các già làng họp bàn việc công, nơi dân làng hội họp, nơi trai chưa vợ ngủ đêm, nơi tiến hành các nghi lễ phong tục của cộng đồng và cũng là nơi tiếp khách lạ vào làng.
...
(Trích theo "Dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên" của Tô Tuấn-Ngọc Anh đăng trênhttp://vovworld.vn/)

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Xứ Thượng... DÂN TỘC JRAI

Xứ Thượng...
DÂN TỘC JRAI
Jrai là tên tự gọi cũng là tộc danh chính thức của tộc người. Tên đó vừa đồng âm lại vừa đồng nghĩa với từ Jrai hoặc drai có nghĩa là thác nước. Người ta giải thích tộc danh này có thể gắn liền với lịch sử ban đầu của người Jrai thuỷ tổ của họ có lẽ sinh tụ ở vùng có nhiều thác ghềnh ven những con sông nào đó. Ngoài ra đồng bào có tên gọi khác như Gia-rai, Jơ Rai... 
...
Ngày nay tộc người Jrai có dân số đứng hàng thứ mười trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam trong đó có trên 90% cư trú ở tỉnh Gia Lai. Do đó khi đánh giá nghiên cứu về người Jrai ở Gia Lai là đã hiểu được những nét đặc trưng của người Jrai ở Việt Nam nói chung.
...
Người Jrai thuộc ngữ hệ Nam Đảo (hay còn gọi là ngữ hệ Malayo - Polynesien). Ở Gia Lai tộc người Jrai là một trong những tộc người lớn đông nhất và cư trú lâu đời. Tổ tiên của tộc người Jrai di cư từ ven biển miền Trung lên chinh phục và khai phá miền cao nguyên Đắc Lắc và Pleiku. Để rồi cho đến ngày nay đây là địa bàn cư trú của tộc người này. Hiện nay dân số người Jrai sống tập trung ở thành phố Pleiku, huyện Chư Sê, Ayun Pa, Krông Pa, Ia Grai, Chư Prông, Ia Pa, Đức Cơ, Chư Pah, Đăk Đoa,... được chia thành năm nhóm chính:
-Nhóm Jrai Chor (Cheo Reo hay Phun) sinh sống ở khu vực thung lũng lòng chảo Cheo Reo.
-Nhóm Jrai Hdrung (gồm hai nhóm nhỏ Chon và Hà Bầu)cư trú ở khu vực đông bắc thành phố Pleiku.
-Nhóm Jrai Aráp cư trú ở khu vực tây bắc thành phố Pleiku Chư Pah.
-Nhóm Jrai Mthur sống chủ yếu ở huyện Krông Pa.
-Nhóm Jrai Tbuăn (Puôn) cư trú dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.
...
(Trích theo "Người Jrai ở Gia Lai" của Nguyễn Xuân Phước đăng trênhttp://nguyenxuanphuoc.vnweblogs.com/)

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Xứ Thượng... DÂN TỘC Ê ĐÊ

Xứ Thượng...
DÂN TỘC Ê ĐÊ
Dân tộc Ê Đê bao gồm khoảng gần một nửa triệu (~490.000 người) đang sinh sống ở các nước trên thế giới như Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Phần Lan, Thụy Điển... Trong đó miền trung cao nguyên của Việt Nam là quê hương bản địa lâu đời của người Ê Đê...
Ê đê Kpă (tự nhận là chính dòng Đê). Cư trú quanh thành phố Buôn Ma Thuột, Krong Ana, Krong Păc,Cư mgar. Ngôn Ngữ Ê-đê Kpa rất lịch lãm và có nét dấu vết ngôn ngữ của người Chăm Châu Đốc, Chăm Campuchia và Bắc Malaysia.
Ê đê Adham xuất phát từ chữ Ân-Độ là Adaham có nghĩa là vùng trũng đệm, pha tạp.Êđê Adham cư trú tại huyện Krong Buk, Cu Mgar, Thị xã Buôn Hồ, Krong Năng và một phần Êa Hleo của tỉnh Đak Lak
Ê đê Mdhur xuất phát từ chữ Ân-Đô là Madahura có nghĩa là vùng cằn cỗi, vùng đất thấp. Ê đê Mdhur cư trú tại huyện Mdrak của phía đông tỉnh Đak Lak, Sông Hinh của tỉnh Phú Yên.
Ê đê Bih là nhóm Rang Đê cổ nhất bảo lưu nhiều dấu vết cổ qua ngôn ngữ, Ê Đê Bih có truyền thống làm gốm, dệt chiếu, trồng lúa nước. Họ Cư trú ven sông Krong Ana, sông Krong Kno của tỉnh Đak Nông.
Ê đê Krung xuất phát từ chữ Kurung trong ngôn ngữ Rang Đê cổ, Khi vua Chế Mân, Chế Bồng Nga mộ lính đi đánh giặc họ tự gọi các thủ lĩnh đó là Kurung hay Krung. Cư trú chủ yếu tại huyện Êa Hleo, Krong Buk của tỉnh Đăk Lak.
Ngoài ra còn có các nhóm địa phương nhỏ khác: Blo, Dongmak,Hwing...Nhưng hầu như người Ê đê không có sự khác biết lớn giữa các nhóm địa phương.
Người Ê Đê là nhóm dân tộc có xu hướng thống nhất ý thức tộc người, biểu hiện rõ nét nhất là ranh giới khác biệt giữa các nhóm địa phương tồn tại trước kia thì ngày nay đã hoàn toàn bị xóa bỏ bằng việc thống nhất tôn giáo, ngôn ngữ và chữ viết và người Ê Đê tự gọi họ là Anak Đê đọc tránh từ Anak Aê-Diê, nghĩa là những đứa con của Yàng (Thần Linh).
...
(Trích theo "Người Ê Đê" trên http://www.wikiwand.com/)

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

TÙ TRƯỞNG AMA THUỘT CÓ TÊN LÀ Y MUN H'DƠK

Chuyện xứ Thượng...
TÙ TRƯỞNG AMA THUỘT CÓ TÊN LÀ Y MUN H'DƠK
Đến nay vùng đất Ban Mê Thuột đã trải qua hơn 110 năm hình thành và phát triển, nhưng vẫn chưa tìm thấy tài liệu ghi rõ về tiểu sử của nhân vật Ama Thuột. Đi khắp các buôn làng, những chuyện kể về ông trở nên hư hư thực thực, gần như huyền thoại.
...
Theo TS Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Ama Thuột có tên khai sinh là Y Mun H’Dơk. Ông sinh ra và lớn lên ở buôn Ky, nhưng lại được sắp đặt trong cương vị là khoa pin ea (người đứng đầu buôn) của buôn Ako Siêr, bởi Y Mun H’Dơk được con gái của tù trưởng Ama Blơi (Y Ngut H’Dơk) thanh thế khắp vùng, thời đó đến cưới về làm chồng. Dòng họ H’Dơk ở buôn Ky cũng một chủ bến nước, nhưng luật tục không cho con trai quyền thừa kế, nên Y Mun H’Dơk phải tuân theo và thế là chỉ có những người chị, em gái của ông được thừa kế quyền đó. Y Mun H’Dơk vẫn là người mang trong mình dòng máu của dòng họ H’Dơk giống như bố vợ, khi trở thành người đứng đầu buôn Ako Siêr, thanh thế của những người đàn ông dòng họ H’Dơk càng trở nên lẫy lừng.
Theo một số tài liệu, địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Ê đê Kpă. Vùng đất này vào cuối thể kỷ XIX chỉ có một buôn, với khoảng năm chục nhà dài, mỗi nhà có từ 30-40 người, do tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam. Đến đầu thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa mà đã quy tụ phát triển thêm hàng chục buôn. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột-làng của cha Y Thuột (tiếng Ê đê: Ama có nghĩa là cha, Y Thuột là chỉ người con trai tên Thuột- Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: làng của cha Y Thuột).
...
Tài liệu của TS Lương Thanh Sơn cho biết: “Một du khách nước ngoài lần đầu tiên đến Đắk Lắk, đã may mắn được dự đám tang của người tù trưởng Ama Thuột. Ama Thuột đã bị chết trong vụ cháy nhà vào mùa nóng nực, oi bức... đám tang được đưa đi bằng voi, bằng ngựa và đi xa vài km...”.Cho đến nay nhân vật Ama Thuột có rất ít tư liệu lịch sử ghi chép về nhân vật này và cũng chưa có tư liệu về năm sinh, năm mất của ông. Tuy nhiên, dù ít, dù nhiều nhưng mỗi người, mỗi buôn của đồng bào Ê đê vẫn đều lưu giữ lại hình ảnh về Ama Thuột theo cách của riêng mình.
(Trích theo "Huyền bí tù trưởng A Ma Thuột" của Bá Thăng đăng trênhttp://baodansinh.vn/)


Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

CON SUỐI Ở MIỀN ĐÔNG-LUẬT HÈ PHỐ 2

Nhớ về Con Suối ở Miền Đông
Bỗng dưng nghe Nước Mắt Lưng Tròng
Ôi, tháng năm xưa sao đẹp quá!
Bây giờ chỉ là những vách không…(Minh Sơn Lê)
Nhà văn Duyên Anh viết cuốn Luật Hè Phố năm 1965, khi tái bản năm 1969 chia thành phần với 2 tựa mới: 1, Giấc Mơ Một Loài Cỏ, 2, Con Suối Ở Miền Đông.
CON SUỐI Ở MIỀN ĐÔNG
...
Xe đã tới tỉnh. Người tài xế nhả ga. Xe chạy từ từ và dừng lại bên đường. Danh nép người cho hai cha con Thảo xuống. Người bố chìa tay bắt tay Danh:
Chúc chú em tìm được bạn nhé!
Cám ơn ông!
Danh đờ đẫn. Tim nó đập mạnh. Xe chuyển bánh bỏ hai cha con Thảo đằng sau cát bụi. Danh ngoái lại. Nó chỉ trông thấy hai bàn tay ai đang vẫy. Mắt nó còn đọng lại hình ảnh con bé ngộ nghĩnh hay làm nũng bố. Con bé tên là Thảo. Danh lẩm nhẩm: “Tên là Thảo. Tên nó là Thảo”.
...
Đám khán giả lục tục kéo nhau ra về. Danh nán lại. Nó đâm ra “cảm” cái tài phóng dao của người sơn đông. Quyền dục Danh:
“Doọc” đi mày, bộ muốn theo ông ta sao?
Danh lắc đầu. Nó bảo Quyền:
Mày về trước đi.
Quyền hỏi:
Mày ở lại làm gì?
Danh liếc nhìn đứa nhỏ. Và nó dán mắt vào khuôn mặt vẻ hề. Sao ông ta lại gọi nó bằng cháu nhỉ? Mà giọng của ông ta sao giống giọng của người đồng hành lớn tuổi của nó trên chuyến xe SaiGon - Mỹ Tho thế! Danh không thể lầm được. Đúng rồi đứa nhỏ có chiếc răng khểnh và nụ cười hóm hỉnh đang thu dọn đồ nghề kia là con bé Thảo, con bé hay hỏi cha những chuyện vớ vẩn và làm nũng cha tới độ hỗn láo.
...
Danh theo bố con ông Nghị được hai tuần. Nó đã biết Vĩnh Long, Sa Đéc và hôm nay nó biết thêm Long Xuyên. Danh thế chân con Thảo, đánh thanh la và làm công việc phụ giúp tay ông Nghị. Nó đã thương con Thảo từ hôm nghe ông Nghị kể chuyện gã chài lưới Nguyễn Trung Trực. Nên Danh không muốn con Thảo mặc áo cao bồi, đeo mặt nạ ông Địa, đánh thanh la nữa.
Ông Nghị bắt Thảo gọi Danh bằng anh xưng em và bắt Danh gọi Thảo bằng em xưng anh. Xa vắng vỉa hè, xa vắng cái xã hội đánh giày luộm thuộm ăn tục chửi bậy, sống cạnh ông Nghị, người bán thuốc quảng cáo có tâm hồn bao dung, và con bé Thảo ngây thơ, nhí nhảnh. Danh thấy nó hiểu ra. Nó không được chửi thề, văng tục nữa. Nhưng nó vẫn nhớ thằng Lựa. Nhớ ghê gớm.
...
Một chuổi cười ròn tan, khiến Danh giật mình. Nó chưa kịp ngoái đầu lên bờ thì tiếng nói đã tiếp chuỗi cười:
- Ê, kể chuyện thằng Lựa, hở?
Danh xấu hổ. Nó đã nhận ra tiếng nói của con Thảo. Danh xoay người, nằm sấp. Thảo hỏi:
- Tắm mát không?
- Mát lắm.
Cho em tắm với nhé!
- Ừ, xuống đây tắm đi.
Con Thảo chạy phăng từ trên bờ xuống giòng suối. Nó để nguyên quần áo, dầm mình. Danh ngạc nhiên:
Không cởi áo à?
- Không.
- Không cởi áo ướt thì sao?
- Ướt thì thôi. Cởi áo kỳ chết!
- Kỳ cái gì?
Không biết.
Thảo chụm hai bàn tay, múc nước tạt vào mặt Danh. Thằng bé hét lên:
- Thôi, cay mắt người ta...
Thảo cười thích chí:
- Cay mắt người ta chứ đâu có cay mắt em.
...
Im lặng. Chỉ còn tiếng chim líu lo tiếng suối chảy róc rách, tiếng loài mối di chuyển trên lá khô và tiếng trưa rừng thủ thỉ với thời gian rằng sắp nhường chổ cho chiều tối. Danh bảo Thảo:
- Về đi Thảo ơi, trể rồi.
Nhưng Thảo không trả lời, Danh giục:
- Về đi kẻo bố mong.
Thảo đãtoan ngồi dậy. Nghĩ sao nó nói:
- Lại đây anh.
- Lại làm gì?
- Thì anh cứ lại đây em bảo cái này.
- Bảo cái gì?
- Anh lại gần em đã nào.
- Thôi về đi.
- Về làm chi?
- Anh về học đây.
- Ở đây em dạy anh.
Danh ngoan ngoãn xích gần đến chỗ Thảo. Con bé lấy tay ra hiệu.
- Anh nằm xuống bên em đi.
Danh ngần ngừ:
- Thôi về đi.
Tuy thế nó vẫn nghe lời con Thảo. Hai đứa nằm sát bên nhau. Danh duỗi cánh tay ngang ra cho Thảo gối lên. Con bé mặc kệ Danh nâng đầu nó. Nó cảm thấy cánh tay nhỏ của thằng Danh êm hơn gối bông. Thằng Danh thì cảm thấy đầu con Thảo nhẹ như bông. Nó, có thể, dùng cánh tay làm gối cho con Thảo suốt đời cũng không mỏi.
Thảo đặt bàn tay lên ngực Danh.
- Lớn lên anh làm nghề gì?
Danh nghẹn thở. Đầu con Thảo nhẹ thế sao bàn tay nó nặng thế? Dần dần sức nặng bớt đi. Danh thấy tâm hồn nó lâng lâng... Thảo hỏi lại, tiếng nói của nó thoang thoảng tựa tiếng nhạc cổ điển.
...
Tâm hồn Danh chơi vơi. Tim nó ngừng đập. Mắt nó chỉ nhìn thấy chiếc răng khểnh duyên dáng của con Thảo.
- Anh bằng lòng không?
- Bằng lòng gì?
- Bằng lòng lớn lên lấy em không?
Danh đưa cả hai tay nắm chặt lấy bàn tay thon mềm của Thảo. Nó ấp tay Thảo vào giữa ngực nó:
- Anh thương em như thương thằng Lựa.
Thảo ngúng nguấy:
- Thương hơn cơ.
- Ừ, thương hơn.
- Ngày xưa, anh với thằng Lựa mơ ước nhiều lắm, em ạ!
- Anh mơ ước gì?
- Anh mơ có cái nhà lá.
- Có thế thôi à?
Danh để hồn nó về dỉ vãng:
- Anh trồng cây vú sữa, nuôi hai con gà mái và một con trống. Rồi anh có một đàn gà con. Còn thằng Lựa nuôi chó "xi". Anh ghét nó lắm, sợ nó đuổi gà của anh. Nhưng thằng Lựa bảo rằng nó sẽ dạy con chó của nó không đuổi gà của anh. Em biết không, sáng sớm nghe con gà trống của mình nó vỗ cánh gáy thì tuyệt cú mèo!
- Có thế thôi à?
...
Như hai cây đu đủ, hai đứa trẻ mồ côi, lưu lạc cũng vươn mình cao lên. Con Thảo đã biết ngượng ngùng mỗi lần đi bên Danh ở chỗ đông người. Còn thằng Danh đã biết dấu cái lược trong túi quần. Đôi lúc Danh lén lút sấp nước ướt tóc rồi hí hoáy rẽ ngôi. Nó ngắm mái tóc chải kỹ lưỡng, ngắm khuôn mặt của nó một cách say mê. Nhưng chỉ một lát, Danh lại cất gương lược, xoa bù đầu tóc. Nó sợ con Thảo chế nhạo nó.
Danh đâu có biết, con Thảo cũng sắm cái gương cái lược. Và hơn cả Danh, nó còn để dành tiền mua ve nước hoa hai chục đồng. Sự hồn nhiên biến dần đi. Danh và Thảo cũng không thích làm trẻ con nữa.
...
Ông Nghị rút điếu thuốc nữa đặt lên môi. Danh vội chợp lấy bao diêm quẹt lửa cho ông mồi thuốc. Thả một vòng khói bay vào ly nước chanh của Danh, ông Nghị nói:
- Con bằng lòng về Sàigòn chứ?
- Vâng.
- Bằng lòng học nghề sửa máy xe hơi chứ?
- Vâng.
- Bác muốn cho con học ngành máy móc sau này có tương lai hơn. Đất nước ta đang chuyển mình sang kỹ nghệ. Ngành nào cũng được cơ giới hóa hết. Ngành sữa máy móc hợp thời nhất.
Ông Nghị đã cho Danh niềm vui để sống. Bây giờ, ông còn chọn nghề cho Danh nữa. Tuy biết nghề sửa máy là nghề tay chân lem luốt nhưng Danh cứ vui vẻ bằng lòng. Nó nghĩ nhiều về con Thảo. Và nó bất cần tay chân lem luốc. Miển là con Thảo vẫn thích gối đầu trên cánh tay nó và đan bàn tay thợ máy của nó.
...
Ông Nghị quyết định về Sài Gòn làm gì, ông đã nói cho Danh hay. Nó sung sướng trong chuyến về này. Nó đã thấy cánh cửa tương lai hé mở, xe từ Ban Mê Thuột rời bến từ lúc bảy giờ sáng. Quá trưa, xe tới Phước Long. Xe đang chạy ngon trớn thì một tiếng nổ long trời làm tung xe lên. Và rồi Danh chẳng biết gì nữa. Mãi chiều hôm sau nó mới tỉnh, thì quang cảnh chung quanh nó làm nó phát sốt. Nó được uống thuốc an thần, ngủ đi cho tới bây giờ.
Có lẽ lúc này mới năm giờ. Danh gọi Thảo, Thảo đi đâu không trả lời nó. Tiếng nổ! Nó sực nhớ tiếng nổ làm tung chiếc xe. Danh hét ầm:
- Thảo ơi, bác ơi!
...
(Trích đoạn Con Suối Ở Miền Đông của nhà văn Duyên Anh đăng trênhttp://vnthuquan.org/)

GIẤC MƠ MỘT LOÀI CỎ - LUẬT HÈ PHỐ 1

Không phải đọc để bi quan mà đọc để thấy sâu thẳm trong tâm hồn những người bé nhỏ nhất luôn có ánh sáng, dù yếu ớt đến đâu. Để hạnh phúc vì mình may mắn. Để còn thấy mình còn rung động được. Để luôn biết rằng cái con người khao khát nhất và mãi tìm kiếm không phải là tiền bạc mà là tình yêu thương...! (Leo)
Nhà văn Duyên Anh viết cuốn Luật Hè Phố năm 1965, khi tái bản năm 1969 chia thành phần với 2 tựa mới: 1, Giấc Mơ Một Loài Cỏ, 2, Con Suối Ở Miền Đông.
GIẤC MƠ MỘT LOÀI CỎ - LUẬT HÈ PHỐ 1
...
Hai tiếng "lên lầu" đủ nói rõ sự tàn bạo của Quý đen. Nghe bạn run rẩy nhào tới, thằng Danh mím môi suy nghĩ. Nó hỏi:
- Còn thiếu bao nhiêu ?
- Thiếu nhiềụ
- Thế tiền của mày đi đâu hết ?
- Hồi trưa tao đánh bài cào đặng gỡ tiền nộp Quý đen nhưng cháy túị
Danh vò đầu, nghiến răng:
- Có thân không lo, mẹ kiếp Quý đen nó sẽ tẩn mày nát thịt con ạ !
Miệng thằng con nhà Lựa méo xệch, trông rất thảm não:
- Chết tao rồị..Mày tính sao ?
- Tính gì ?
- Cho tao vay năm chục.
- Tao mới đánh ba chục thôị Mày quá hẹn của Quý đen rồi, ráng chịu đòn đị
- Nó sẽ uýnh tao chết mất xác.
- Mặc kệ màỵ
- Mày hết thương tao rồi hả Danh ?
Danh móc túi lôi ra sáu tấm giấy năm đồng đưa cho Lựa:
- Cầm lấy, tao chỉ có thế.
Lựa chộp luôn không ngần ngừ. Nó móc thêm tiền của nó ra đếm, thiếu mất năm đồng mới đầy sáu chục. Nó xách hòm, đứng lên đi vay những thằng khác. Nhưng không đứa nào cho nó vay, kể cả thằng nhãi tay chân thân tín của Quý đen...
...
Bọn đánh giầy tứ cổ vô thân. Chúng nó sinh sống tại hè phố, chịu đựng mọi kỹ cương của hè phố và hè phố có bổn phận sắp đặt cho chúng nó. Cũng ngủ vỉa hè, nhưng nếu mối tối không đóng năm đồng, những thằng đánh giầy không được yên ổn ngủ ở chỗ chúng nó lựa...
...
Rồi Tư bỏ đi luôn. Lựa dựa Lựa vào tường. Nước mắt nó ứa ra chảy xuống miệng. Nó hối hận đã theo thằng Lương trèo tường viện mồ côi trốn ra. Con nhà Lương đi móc túi bị vào Tế Bần, bỏ rơi nó sống cô độc. Giá nó cứ ở viện mồ côi, chắc chắn, nó khỏi cần biết Quý đen là thằng nào. Lựa buồn nản quá độ, nó hết dám nghĩ Danh có thể che chở cho nó suốt đời. Nó gục đầu xuống gối, khóc tấm tức.
Danh trở về, đám bạc đã tan. Lựa ngồi một mình khóc. Nó đặt hòm đồ nghề ở vỉa hè, xà tới chỗ Lựa :
- Đứa nào vừa bắt nạt mày, hả ?
Lựa tủi thân khóc rống lên. Danh lay người Lựa :
- Phải không ?
- Không.
- Thế sao mày khóc ?
- Tao buồn, tao khóc !
...
Bọn nhãi thấy Danh nín thinh, lặng dần. Quyền kéo Danh ra góc phòng:
- Nó là em mày, hả?
- Không.
- Sao mày thương nó thế?
- Thương gì đâu, nó nhỏ hơn tao, lại yếu hơn nữa.
- Mày chơi với nó lâu chưa?
- Độ một năm.
- Tao không hề thấy đứa nào xin chịu đòn thay bạn như mày. Chắc ở ngoài nó cung phụng mày dữ, hả?
- Đâu có, nó chỉ làm phiền tao.
- Lạ nhỉ, tao thấy mày thương nó hơn em mày.
Danh nhếch mép cười ruồi:
- Tao làm gì có em. Ở ngoài bọn chó đẻ ăn hiếp nó, nó cầu cứu tao và tao đã che chở cho nó. Thằng nhóc con ngu xuẩn lắm, nhiều khi tao khổ sở vì nó. Bị thằng khác bắt nạt, nó không dám mở mồm mách, còn đòi tao tha tội cho thằng đánh nó sưng vù mồm lên nữa. Mày xem nó đoảng vị chưa?
- Nó tốt chứ đâu có ngu.
...
Cả đêm Lựa không ngủ. Nó trằn trọc trong nỗi sung sướng. Tin nó được đi học như một ly cà phê đặc thấm vào máu nó, làm nó thao thức tơ tưởng. Ngôi trường lý tưởng bên Khánh Hội hiện ra trong mắt Lựa đẹp hơn cả bao giờ. Hình ảnh cô giáo rỗ huê, mập ú, giảng chuyện ông Thừa Cung, ông Châu Trí, ông Tử Lộ. Hình ảnh bọn nhãi vừa viết bài vừa gặm ngô luộc, mút đá nhận. Hình ảnh những thằng học trò bằng tuổi nó ngồi trên ghế dài chân chôn xuống đất vừa nghe cô giáo doạ nạt, vừa nắm trái đấm gân mặt lên, thách thức đấm đá nhau… Những hình ảnh đó vừa với tầm tay của Lựa. Nó đưa tay với. Gắn tóm được đuôi con chuồn chuồn rồi. Sáng mai là nó có quyền bắt con chuồn chuồn nhốt vào cái hộp đựng thuốc lá ba con số năm, chiếc hộp đựng mộng ước của nó.
...
Lựa thôi cọ giày. Nó đút cái bàn chải vào hòm của Danh. Nó đứng lên vươn vai rồi quay mặt về phía nhà hàng Thanh Thế. Giữa cơn sướng rên của Lựa, Quý đen từ trên thềm lồi lên lầu Bồng Lai bước xuống vỉa hè. Lựa đang mãi mê kể giấc mơ của nó cho Danh nghe. Và Danh thì mãi mê nghe Lựa kể. Hai đứa quên mất Quý đen. Trong giấc mơ đẹp không bao giờ có Quý đen cả. Nhưng giấc mơ đâu phải là cuộc đời. Quý đen đảo mắt nhìn đàn em sinh hoạt. Nó đã nhìn thấy thằng Lựa. Nó bước tói gần chỗ hai đứa đang «sưóng rên mé đìu hiu». Quý đen dạng chân, búng tay tách một cái:
Ê, nhãi con!
Lựa, ngước mắt nhìn. Tiếng nói quá quen đối với nó. Tiếng nói đó rót vào tai nó câu dọa nạt «Ông gặp mày ở Kim Sơn, ông giết mày …»Lựa hoa mắt. Chiếc bàn chải rơi xuống vỉa hè. Nó kêu kinh sợ:
Quý đen!
Rồi vùng chạy băng ngang đường Nguyễn Trung Trực thoát thân. Tiếng bánh xe hơi rít trên đường nhựa nghe nát cả tim. Danh đứng bật lên cơ hồ trái bóng nẩy. Nó la lớn:
Chết tôi rồi!
...
Danh không trả lời. Nó hất tay người tài xế khỏi vai nó. Đôi mắt nó ngầu đỏ. Nó nhìn quanh một lượt. Không có Quý đen. Danh chớp mắt thật mau. Nó nói đủ nó nghe:
Thế là mày hết đọc nổi truyện Tam Quốc, hé Lựa. Từ nay ông sống một mình… không có nhà, không có cây vú sữa, không có hai con gà mái, không có con gà trống, không có con chó «xi» đựa của mày, không có gì sốt cả, Lựa ơi!
Danh lách đám đông bước lên hè phố. Nó trở về chỗ cũ xách chiếc hòm đựng đầy nhóc bàn chải, «xia ra» bảy chục bạc của thằng Lựa và mớ tiền nó vớ bở hôm nay.
Danh thất thểu đi trên hè phố. Tiếng còi xe cấp cứu hú liên hồi. Tai nó đã điếc. Và bây giờ, nước mắt nó mới ứa ra …
(Trích đoạn " Giấc mơ một loài cỏ" của Duyên Anh đăng trênhttp://vietmessenger.com/books/?title=giacmomotloaico)

RỒNG RẮN LÊN MÂY

Tìm về tuổi thơ ...
RỒNG RẮN LÊN MÂY
...
Một em làm thầy thuốc, số còn lại bám nhau sắp hàng một, tay người sau nắm vạt áo người trước hoặc đặt trên vai của người phía trước. Sau đó, tất cả đi lượn qua lượn lại. Em đi đầu dẫn cả đoàn, vừa đi vừa hát:
"Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có nhà hiển vinh. Có ông thầy thuốc ở nhà hay không?"
Người đóng vai thầy thuốc trả lời: "Thầy thuốc đi chơi!“ (hay đi chợ, đi câu cá… tùy ý mà chế ra). Thường thầy thuốc không có nhà để rồng rắn đi lượn quanh sân hai ba lượt. Cuối cùng thầy thuốc có nhà.
-Thầy thuốc: Thầy thuốc có nhà, rồng rắn đi đâu?
-Rồng rắn: Rồng rắn đi lấy thuốc cho con.
-Con lên mấy?
-Con lên một.
-Thuốc chẳng ngon
-Con lên hai
-Thuốc chẳng ngon
....
Cứ cò cưa như thế cho đến
-Rồng rắn thưa: Con lên mười.
-Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu.
-Cùng xương cùng xẩu.
-Xin khúc giữa.
-Cùng máu cùng me.
-Xin khúc đuôi.
-Tha hồ mà đuổi.
Lúc đó thầy thuốc phải tìm cách nào mà bắt cho được người cuối cùng trong hàng. Ngược lại, thì em cầm đầu rồng rắn phải giang thẳng hai tay để chắn không cho thầy thuốc bắt được cái đuôì (người cuối cùng) của mình. Thầy thuốc cố gắng chạy qua để tóm được em đứng sau rốt. Ðoàn rồng rắn càng dài thì cuộc đuổi bắt càng náo nhiệt. Khi bắt được, em đó phải thay thầy thuốc và cuộc chơi lặp lại từ đầu.
...
Cái trò chơi “Rồng rắn lên mây” ấy của trẻ con đem lại cái sảng khoái nhất là sau lúc ra câu “Tha hồ thầy đuổi”, đó là lúc sôi động nhất, hồi hộp nhất, hò reo sảng khoái nhất, cười như nắc nẻ của sự tự do hoàn toàn, nhưng lại là rất tự do trong sự cố kết chặt cộng đồng để bảo vệ nhau, che chở cho nhau, (con rồng cộng đồng người ấy tha hồ mà uốn éo linh hoạt như là một sự năng động khôn khéo có tính sách lược), mà kẻ to xác nhất đứng đầu (như là cường quốc) lại là kẻ có trách nhiệm cố gắng nhất để che chở cho kẻ nhỏ nhất dính ở cái đuôi (kẻ yếu nhất) khỏi bị tóm và giật ra khỏi cộng đồng xã hội. Tôi còn nhớ, vì đã chơi trò đó nhiều, lúc nhỏ tuổi. Xếp hàng để dính nhau thành con rồng dài là đứa cao nhất (lớn tuổi nhất) đứng đầu, và thứ tự đến đứa lùn nhất (nhỏ tuổi nhất) là cái đuôi... Thầy Thuốc còn là Thầy Trị Nước tức Thượng Đế, không bao giờ Thượng Đế nỡ để cho Nước suy thoái đến mức “hết thuốc chữa”, nên sau trò diễn ra sau câu “Tha hồ Thầy đuổi” là Thượng Đế đã ngầm khuyên cho là “chúng mày hãy cố gắng đoàn kết mà bảo vệ lấy nhau, nếu để một đứa yếu nhất bị xé ra khỏi cộng đồng thì cộng đồng ấy cũng rã luôn” tức là thua Thầy. (Bởi vậy bây giờ UNESCO mới đang cố gắng bảo vệ các giá trị văn hóa phi vật thể cổ truyền, nhất là của các sắc tộc thiểu số bản địa). Có lẽ cái vui vẻ sảng khoái ấy của trò chơi trẻ con đã giúp chúng tôi lớn lên đến tuổi trưởng thành mà chẳng đứa nào bệnh tật gì, dù thời đó, còn đang có chiến tranh, chúng tôi ăn khoai lang, củ mì và rau nhiều hơn là cơm gạo.
...
(Theo http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/ - Lời tiên tri trong văn hóa dân gian QUA HÌNH ẢNH CON RỒNG)
Và kí ức ùa về trong tôi mỗi khi trời chuyển tiết, nhất là thời buổi giao mùa. Se se lạnh cuối thu đầu đông man mát những cảm xúc sao quên được tuổi thơ. Nửa thế kỉ rồi như còn rộn rã ngày hôm qua vừa chơi trò Rồng Rắn.
...
Còn cặp đôi Thìn- Tị thì sao? Gọi Rồng – Rắn cho quen miệng. Rồng ăn gì chưa biết, quý nhất là mênh mông tình, phun ngọc thả châu cho ai nhanh tay nắm giữ, ngày hè tháng hạ siêng năng phun nước tưới tắm cho mát đất mát trời, đâu phải ngang nhiên ngồi bệ vàng trên áo mão vua chúa, đền đài,… mà được trân trọng nghi lễ rước về, Thìn sáng giá nhất bao nhiêu thì Tị luôn bị loài người mưu toan giết hại, không kể rắn hiền chỉ ăn ếch nhái như lũ rắn nước, còn hầu hết chúng chỉ mổ một phát vào da thịt người phải nhanh chân vào bệnh viện cấp cứu. Và cũng có thể từ đấy trò chơi Rồng – Rắn xuất hiện. Rồng – Rắn tìm thầy thuốc trêu ghẹo. Lúc bấy giờ chúng tôi cá cược đánh tù tì có cái gì giơ ra những biểu tượng hai ngón tay là cái kéo, nắm tay là cái búa, xòe cả bàn tay là tờ giấy. Cái kéo cắt tờ giấy, nhưng tờ giấy bọc cái búa, cái búa đập gãy cái kéo. Chỉ bao nhiêu đó mà cãi vỡ cả ánh trăng vàng. Cuối cùng chưa phân thắng bại, tôi đành nhận làm thầy thuốc vì lúc bấy giờ cha tôi là thầy bắt mạch bốc thuốc bắc, cái nghề của dòng họ Lê được ông ngoại không chỉ thương gả con gái cho cha tôi còn tận tâm truyền nghề bao đời “lương y như từ mẫu” tiếp nối. Trò chơi bắt đầu khi tôi núp sau cái cột, đứa khỏe mạnh lớn nhất trong nhóm đi đầu, đứa sau đưa hai tay ôm vòng bụng đứa trước, cứ thế tiếp nối thành con rồng con rắn dài ra. Vừa đi vừa hát: “Rồng rắn lên mây đến đây lúc lắc, có ông thầy thuốc ở nhà không?"...
(Trích đoạn "CHUYỆN RỒNG RẮN LÊN MÂY…" của Nguyễn Thị Phụng đăng trên trangvhntnguoncoi.wordpress.com/)

HOA PHÙ DUNG

"Ru em câu hát ngày xưa
Đóa phù dung hỡi bây giờ nơi đâu ?
Mười năm câu hát còn đau
Vườn xưa hoang vắng lá nhàu bước chân" (ĐTTH)
HOA PHÙ DUNG
Loài hoa này sớm nở tối tàn nên bị mang bao nhiêu tiếng không hay: Nào là bị gán cho các cô gái xinh đẹp nhưng đỏng đảnh, dễ thay lòng đổi dạ; nào là bị coi như biểu tượng của sự thay đổi khó lường "Sáng nắng chiều mưa buổi trưa gió bão"...
Thật tội cho một loà hoa đẹp!
Đó là ý nghĩa con người gán cho nó thôi, chứ thực ra Phù Dung đẹp lắm. Buổi sáng, hoa trắng muốt một màu thanh khiết...Đến trưa thì dần dần đổi sang màu hồng đậm
Cái màu hồng cứ rõ dần, sẫm dần, xâm lấn dần các cánh hoa
Đến chiều tối thì cả bông hoa là một màu hồng, nhưng nhạt dần vì đã hết nắng...
Rồi hoa rũ xuống, tàn lụi...
Kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của một loài hoa đẹp!
...
Mong manh là dáng muôn đời,
Phù dung thoáng một bóng người xa xăm...
Danh pháp của phù dung là Hibiscus mutabilis, gần với loài thuộc họ Hibiscus là hoa mộc cận (Hibiscus syriacus - râm bụt), nên một số người đã nhầm hoa mộc cận với phù dung. Rõ ràng, tuy có cùng họ Hibiscus nhưng hoa mộc cận không đổi màu, còn hoa phù dung thì đổi màu ba lần trong ngày.
Buổi sáng hoa phù dung trắng băng trong làn hơi sương, buổi trưa hoa như say nắng phớt hồng đôi má, buổi chiều hoa đượm hồng tỏa hết tinh anh và lặng lẽ rũ cánh khi hoàng hôn vừa tắt.
Do đặc tính ấy, mà người ta ví phù dung với dòng chảy vô thường, chóng tàn phai của kiếp người. Phù dung thường được trồng ở chùa, và các nhà sư vẫn luôn ngắm hoa này để quán chiếu vô thường.
Cũng có người không thích sự đổi màu của phù dung mà bảo đó là vẻ đẹp dễ nhạt phai của người con gái. Các nhà nho xưa quan niệm “tạo vật đố toàn”, “hồng nhan đa truân”, nên thường khi khát vọng hoá thân của đời hoa, dù đã dài hơn một giấc chiêm bao nhưng vẫn bị cho là bạc bẽo, ngắn ngủi. Lòng trời còn đổi thay như mây cuộn, mưa mù, huống hồ trách chi hoa trắng hồng cho hết nhẽ.
Ai đã ví kiếp phù dung cho bóng hồng vất vả, mà vẫn đứng giữa vườn nhắc nhớ những cảm thương. Hoa hữu sắc cũng là hoa vô sắc, dẫu đổi màu - không sắc khác gì nhau, bởi bao hỷ, nộ, ái, ố, thương đau, nào ai biết cuộc đời mình phía trước…
(Trích theo Hoa Phù Dung của Thích Thanh Thắng đăng trênhttp://phatgiaoaluoi.com/)

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

NHÀ THỜ C.H.P.I XƯA, GIÁO XỨ DŨNG LẠC NAY

Ban mê xưa và nay ...
NHÀ THỜ C.H.P.I XƯA, GIÁO XỨ DŨNG LẠC NAY
Khoảng đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, nhằm phát triển và mở rộng các đồn điền Cà phê và Cao su, người Pháp đã chiêu mộ nhân công từ khắp các miền đất nước lên Tây Nguyên, nhất là vùng Buôn Ma Thuột, một khu vực có đất đai màu mỡ, rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng Cà phê và Cao su trong các đồn điền của họ. Ngoài việc lo cho có việc làm ổn định các chủ đồn điền còn quan tâm đến tinh thần, đời sống tôn giáo của công nhân. Vì vậy, họ đã xây dựng nhà thờ Công giáo và Tin lành cho các Kitô hữu, chùa chiền cho các Phật tử, trong đó có nhà thờ của Giáo xứ Dũng Lạc ngày nay.
Ban đầu nhà thờ có tên là CHPI (Compagnie des Hauts-Plateaux Indochinois). Sau đó Đức Cố Giám Mục tiên khởi Giáo phận Banmêthuột - Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai đổi tên thành nhà thờ “Ban Mê Thuột Ngoại Thành”.
Sau biến cố 1975, việc sinh hoạt tôn giáo bình thường của giáo dân bị gián đoạn, ngăn cản… nhưng giáo dân vẫn một lòng trung thành với Chúa và Giáo hội, cố gắng giữ lấy ngôi nhà thờ bé nhỏ nhưng rất đỗi thân thương của họ.
Thường vào chiều Chúa nhật có Cha Anrê Lê Trần Bảo ở Toà Giám Mục đến dâng thánh lễ cho giáo dân, nhưng sau đó bị gián đoạn. Một thời gian sau, thỉnh thoảng Nhà nước cho phép Cha quản xứ Giáo xứ Phú Long là Cha An tôn Đỗ Văn Tài đến dâng thánh lễ vào chiều thứ Năm và Chúa nhật nhưng rồi lại bị gián đoạn.
Khoảng năm 1976 - 1977, Nhà nước mượn khu tĩnh tâm của các linh mục Giáo phận Ban Mê Thuột, thuộc khu vực nhà thờ Ban Mê Thuột Ngoại Thành làm cơ quan “Sở Địa Chính”, có thời hạn trao trả lại. Trong khi chờ đợi Sở Địa Chính hoàn trả, khuôn viên nhà thờ bị bó hẹp, chỉ còn lại ngôi nhà thờ; thêm vào đó, dân lấn chiếm đất càng gần vào khu vực chung quanh Thánh Đường, khiến cho việc đi lại khó khăn, mất vệ sinh và mỹ quan.
...
Giáo xứ đã kiên trì đề nghị Nhà nước trao trả lại toàn bộ khu Tĩnh Tâm và phần đất chung quanh nhà thờ. Tuy nhiên, phải đợi hơn 10 năm sau, nguyện vọng chính đáng đó mới được đáp ứng. Trong khi chờ đợi trao trả lại đất, Cha quản xứ đã tu sửa, cơi nới dần dần nhà thờ trên phần đất nhỏ bé còn lại, làm đường khoanh vùng để quản lý… lúc đó đầy những khó khăn và phức tạp...
Sau khi Nhà nước trả lại phần đất đã mượn, một lần nữa Giáo xứ bắt tay vào việc tiếp nhận phần đất và khắc phục hậu quả của gần 20 năm Nhà nước mượn ...
Sau 20 năm làm quản xứ Giáo xứ Dũng Lạc, ngày 13 tháng 12 năm 2011, Cha Gioan Bùi Quang Đạo được cử đi nhận nhiệm sở mới là Giáo xứ Châu Sơn, và ngày 12 tháng 12 năm 2011, Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, nguyên quản xứ Giáo xứ Châu Sơn, được Bề Trên đổi về làm quản xứ Giáo xứ Dũng Lạc.
Sau khi ổn định nơi Giáo xứ mới nhận, Cha Antôn đã bắt tay ngay vào việc làm thủ tục xin phép xây nhà thờ mới...
...
(Trích : "Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Dũng Lạc"
Nguồn : Website GP Ban Mê Thuột)