Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

HANG C3 (hang dung nham dạng ống dài thứ 2 Đông Nam Á)

Hệ thống hang động Chư B'Luk ở Đăk Nông
HÀNG C3 (hang dung nham dạng ống dài thứ 2 Đông Nam Á)
Từ thác Đray Sáp (huyện Chư Jút, tỉnh Đắc Nông), phải đi hơn 25 km đường qua rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, dọc theo sông Sê Rê Pôk, mới đến quần thể hang động Chư Bluk (ở xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô). Nhưng với nhiều du khách, đây là điểm đến hấp dẫn, khám phá lý thú từ những ngày đầu năm.
Tour được thiết kế để du khách lần lượt tham quan khám phá hang C3 hình ống có chiều dài 594,4m và hang C6 ở trong rừng có nhiều cây cổ thụ tuyệt đẹp. Đây cũng là hang hiếm hoi có hố khí tựa giếng trời trong quá trình dòng nham thạch tuôn chảy... Tour này kết hợp tham dự chương trình cồng chiêng của người dân tộc M’Nông và các thắng cảnh khác.
Một đoạn hình ống thuộc hang C3.(Ảnh TCĐC)
Các nhà khoa học đo đạc bằng tia Laser trong hang C3 (Ảnh TCĐC)
Đoàn du khách tham quan hang C3 (ảnh Trương Hào)

HANG C7 (hang dung nham dạng ống dài nhất Đông Nam Á)

Hệ thống hang động Chư B'Luk ở Đăk Nông
HANG C7 (hang dung nham dạng ống dài nhất Đông Nam Á)
Hang C7 ám ảnh chúng tôi không phải vì vị trí nằm tận rừng sâu vắng lặng hay bởi bóng tối bao trùm suốt lòng hang có chiều dài hun hút tới 1.066 m đã được công nhận dài, đẹp nhất khu vực Đông Nam Á, mà chính là nền hang âm sâu cách mặt đất chừng 12 mét và hoàn toàn không có lối đi xuống.
Cuối cùng chúng tôi cũng lần lượt đạp lên thang dây và trải qua những giây phút căng thẳng tận cùng lúc đu mình đong đưa trong không trung do vụng về, thao tác sai kỹ thuật trước khi giẫm chân lên nền hang.
...
Nếu lòng hang về phía đông minh chứng hướng đi xuôi dòng của dung nham và thỉnh thoảng gây ấn tượng từ cảnh vật lung linh, huyền ảo được tạo nên bởi tia nắng mặt trời chiếu qua hố khí tựa như giếng trời thì dấu vết trong hang phía đông nam chứng tỏ nó chảy ngược. Đặc biệt, hang nằm phía tây là một động lớn với bề rộng gần 20 mét và chiều cao hơn 15 mét, hội tụ nét đẹp đặc sắc: những thảm rêu xanh rì phủ khắp lòng hang, những hoa văn ngoằn ngoèo trên nền đá bằng phẳng cho thấy dòng dung nham qua đây đã chảy rối. Tiếp đến là vết trượt 2 bên vách hang trơn tru, đều đặn được tạo ra khi nham thạch phía trên đã nguội và trượt trên lớp phía dưới vẫn còn nóng và lỏng. Rồi những tầng địa mạo ống trong ống, những dòng chảy phun ngược, những họa tiết, trống đá, nhũ đá đa sắc màu.
...
(Trích trong "Độn thổ hang núi lửa dài, đẹp nhất Đông Nam Á" của Trần Thế Dũng đăng trên Vietnam net OTT)

HANG C8 (Hang Đền Thờ Lớn)

Hệ thống hang động Chư B'Luk
HANG C8 (Hang Đền Thờ Lớn)
Ngày thám hiểm thứ hai, có thêm vài thành viên mới, chúng tôi chính thức “đổ bộ” vào hang C8. Tiến sĩ Honda Tsutomu - tân Chủ tịch Hội nổi bật trong bộ trang phục chuyên dụng vàng chóe, trông càng cao lênh khênh khi đi gần ông Tachihara - bây giờ là Chủ tịch Danh dự của Hội kiêm đại diện Dự án Hang động Núi lửa tại Việt Nam. TS Honda khẳng định: Dòng chảy dung nham có độ nhớt thấp phun trào từ miệng núi lửa Chư B’luk đã tạo thành rất nhiều hang động quanh khu vực thác Dray Sáp.
...
Miệng hang C8 há hốc đen ngòm hiện ra dưới vạt dây rừng đan xen dày đặc. Đây là động lớn nhất, mặt nền cao nhất trong toàn bộ hệ thống hang động dọc sông Sêrêpôk, nên các chuyên gia tạm đặt tên là Hang Đền Thờ Lớn. Nằm ở lưng chừng núi, từ trên nhìn xuống cửa hang sâu, ngách bên phải như một miệng giếng thăm thẳm tối, ngách bên trái là một vòng cung đá xanh rờn dây leo chằng chịt. Nhờ những khối đá sụp lở ở một góc hang, chúng tôi có thể lần đi xuống mà không cần phải đu dây như lối vào động C7.
Đáy hang có nơi lô nhô thạch nhũ, có nơi lại ẩm ướt trơn trợt, rêu xanh và dương xỉ phủ đầy. Ở góc bằng phẳng nhất, đêm qua đoàn chuyên gia đã trải bạt dày làm nơi nghỉ ngơi và đặt các thiết bị đo đạc hang động như đèn soi chiếu, máy đo vẽ, túi ngủ, lương thực, thuốc men… Theo vệt đèn pin loang loáng, chúng tôi dò dẫm trên nền đá lởm chởm, tiến sâu vào các ngách hang mở theo nhiều hướng.
Nhiều người cho rằng nhũ đá trong hang động núi lửa không dồi dào và đẹp long lanh như nhũ trong hang động đá vôi. Tuy nhiên, sức hấp dẫn, sự đặc sắc về cơ chế hình thành cùng những giá trị khoa học độc đáo của hệ thống hang động núi lửa đồ sộ cỡ này thì không gì so sánh được. Trước hết, là do nó rất hiếm.
Trong những ngách hang sâu thẳm, tối đen, chúng tôi sững sờ chiêm ngưỡng vô số đốm sáng trên mặt đá lóng lánh như kim cương, những vệt dung nham cuộn chảy đã đông cứng muôn màu, những măng đá lô xô như bụt mọc. Thỉnh thoảng một đống vạt đá đổ từ trần hang ngổn ngang chắn lối, như cảnh báo nguy cơ vòm trần hang vẫn đang sụt lở, có thể chôn vùi những kẻ không may bất cứ lúc nào.
(Trích đoạn "Vào động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á" của Hoàng Thiên Nga - Hường Thảo đăng trên báo Tiền Phong)

KHÁM PHÁ HANG ĐỘNG

Núi lửa Chư B'Luk, Buôn Choah ...
KHÁM PHÁ HANG ĐỘNG
Lần theo những vách đá lòng chảo, chúng tôi từng bước xuống đáy miệng núi lửa với tâm trạng hồi hộp, lo lắng những tai ương khôn lường bất chợt xảy ra. Không gian càng lúc càng tối dần, âm u, tĩnh mịch. Lúc này chỉ cần một cánh chim tình cờ vụt bay cũng khiến khách phải giật mình, hoảng hốt.
Tuy nhiên, những gì chúng tôi nhìn thấy khi dừng chân dưới đáy lòng chảo thật thú vị. Đó là bãi đá bazan bọt nằm chồng chất trong khu vực chừng 100m2, xung quanh là những hang hốc tối om. Nhìn lên miệng núi lửa toàn là tán lá, cây rừng tranh tối tranh sáng che khuất tầm nhìn.
Từ đỉnh núi Chư B’luk, bấm máy định vị cầm tay GPS có thể thấy hệ thống hang động hình thành bởi dòng nham thạch phun, trong đó hang A1 được xem là gần núi lửa nhất. Riêng dòng chảy về hướng tây nam (thác Đraysap) khá mạnh nên hình thành vô số hang động lớn nhỏ khác nhau dài 25km. Và hang gần núi lửa nhất được đánh số là C9.
Phần lớn các hang dung nham có hình dạng ống nhưng mỗi nơi mang một nét độc đáo khác nhau. Nếu hang A1 nổi tiếng vì nhiều ngóc ngách, ngã rẽ trổ ra các hướng, thì cửa hang C9 xuất lộ trên ngọn đồi có độ cao 530m so mới mặt biển, hang cao nhất quần thể.
Điều thú vị là hang này dài vỏn vẹn 200m thông nhau từ hai cửa luôn được ánh sáng trời rọi vào nên dễ tạo ảo giác là lòng hang rất ngắn. Ngoài ra nó còn sở hữu những vách đá đầy vết đá trượt trông khá ấn tượng.
Với hang C6, mới được đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát vào dịp đầu năm 2015, lại mang vẻ đẹp rất riêng. Đây là một trong những hang hiếm hoi có hố khí tựa như giếng trời do khối khí thoát ra trong quá trình dòng nham thạch tuôn chảy. Nhờ thế, trong động được ánh nắng chiếu vào nên cảnh quan luôn lung linh, huyền ảo.
Trong ba ngày lặn lội vùng Krông Nô, tâm điểm mà chúng tôi muốn khám phá là hang C7 (dài 1.066,5m), được công nhận dài và đẹp nhất khu vực Đông Nam Á, rất hiếm người đặt chân tới vì xa xôi hiểm trở.
(Trích đoạn "Khám phá miệng núi lửa Chư B’luk" của TRẦN THẾ DŨNG (Hiệp hội Lữ hành VN)

NÚI LỬA CỔ CHƯ B'LUK

Buôn Choăh, Krông Knô...
NÚI LỬA CỔ CHƯ B'LUK
Ngọn núi nổi bật giữa triền đồi cằn cỗi, hoang vắng thuộc địa phận xã Buôn Choah.
Từ đây vào chân núi chủ yếu là lối nhỏ trên nền đá gập ghềnh dài khoảng 2km và không ít lần phải băng qua những ngọn đồi thấp toàn đá bazan bọt (bọt khí nằm trong đá) được hình thành từ dòng nham thạch trong núi lửa tuôn trào xưa kia.
Ánh nắng chói chang, gió núi thỉnh thoảng thổi qua nhưng không đủ xua đi bức bối của cái nóng từ bãi đá bốc lên. Không gian yên vắng, hoang hóa như buổi chiều tà.
Thật may, trên đường đi rất dễ bắt gặp những bụi cà chua chi chít trái chín đỏ, kích thước chỉ lớn hơn ngón tay cái nhưng hương vị chẳng khác cà chua vườn đã giúp chúng tôi vượt qua cơn khát và tạm quên bao nỗi mệt nhọc.
Rời khỏi bãi đá là nối tiếp con dốc thẳng đứng đến tận miệng núi lửa. Chúng tôi tiếp tục đi, một vài đoạn phải leo trèo đồng thời vừa nhoài người nắm bắt rễ cây hoặc mỏm đá hầu làm điểm tựa tiến lên đỉnh núi.
Chúng tôi đặt chân tới đỉnh núi cao 593m so với mặt biển khi trời đứng bóng cũng là lúc sức đã cạn, mồ hôi chảy đầm đìa trên mặt. Biết bao cảm xúc lạ lùng liên tiếp dâng trào khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng miệng núi lửa hình nón, đang hiện hữu trước mặt chúng tôi...
(Theo TRẦN THẾ DŨNG -Hiệp hội Lữ hành VN)

QUÊ HƯƠNG N'TRANG GƯH

Buôn Choăh, Krông Knô, Đăk Nông
QUÊ HƯƠNG N'TRANG GƯH
N‘Trang Gưh, tên thật là Y Gưh H‘Đớk, là người dân tộc Ê đê, sinh khoảng năm 1845, tại buôn Choáh Kplang, một buôn của nhóm Êđê Bih khu vực bờ sông Krông Nô...
Địa điểm lưu dấu phần mộ của N’Trang Gưh, buôn làng, cánh đồng và căn cứ địa của nghĩa quân do thủ lĩnh N’Trang Gưh lãnh đạo chống quân Xiêm năm 1884 - 1887 và thực dân Pháp năm 1900 – 1914 nay thuộc địa bàn xã Buôn Choáh (Krông Nô).
Tại đây, N’Trang Gưh đã kêu gọi tập hợp hơn 600 thanh niên thuộc 20 buôn trên lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana đứng lên khởi nghĩa tiêu diệt toàn bộ quân Xiêm tại cánh đồng buôn Tur và buôn Phok vào cuối thế kỷ 19.
Năm 1900, một lần nữa N’Trang Gưh đã đứng lên tập hợp dân làng khởi nghĩa chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo của N’Trang Gưh, cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn một thập kỷ, giành được nhiều chiến công vẻ vang, gây chấn động toàn Đông Dương và giới cầm quyền Pháp.
Ngày 2/8/2011, được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử Quốc gia theo quyết định số 2366/QĐ-BVHTTDL, của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch.
(Theo Du lịch, GO! : Di Tích Quốc Gia ở Đăk Nông)

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

NHỘNG SÂU MUỒNG

Hương vị núi rừng...
NHỘNG SÂU MUỒNG
Người Tây Nguyên quen gọi là bướm sâu muồng vì nó đẻ trứng ở cây Muồng Đen (Muồng Xiêm) được trồng để che bóng mát cho cây cà phê. Khi những đồn điền cà phê được du nhập tới Buôn Ma Thuột người ta mang theo những cây Muồng Đen đến với vùng đất Bazan. Sâu Muồng chỉ đẻ trứng trên cây muồng không đẻ trên lá cà phê, sâu cũng chỉ ăn duy nhất lá muồng chứ không ăn lá các loại cây khác. Và tên sâu được gọi là sâu Muồng, sau khi sâu nở ra ăn vỏ trứng rồi gặm nhấm hết lá cây muồng trong những ngày đầu mùa mưa và hóa thành loài Bướm vàng bay khắp trời Tây Nguyên.
Sâu muồng không gây ngứa, nó thân thiện với da tay của con người, nhộng sâu muồng và sâu muồng xào sả ớt là một món ăn giúp cho anh em dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tăng sức đề kháng sốt sét trong mùa mưa. Đây là văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã gắn bó với người dân ở đây từ lâu.
(Truy cập web: http://www.coffeetour.com.vn/)
Đây cũng là thời điểm người dân đi tìm bắt những kén sâu này về chế biến thành món ăn dân dã mà béo ngậy. Dân địa phương còn bắt kén sâu bán cho các quán nhậu. Lúc khi mới ăn sâu không quen lắm thì sợ nhưng càng ăn, càng thấy ghiền. Có khi một thời gian không được ăn sâu lại thèm vì không phải mùa nào cũng có sâu nhiều như cuối xuân, đầu hạ”. Có nhiều cách chế biến món sâu. Ai thích cảm giác mạnh thì ăn sống, ai thích cảm nhận hương vị bùi, béo ngậy của nó thì chiên lên rồi dùng mắm xào, ai thích ăn theo kiểu luộc thì sẽ cảm nhận hương vị béo núc của nó.
(Theo VNexpress/Baotintuc.vn)