Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Nhớ Banmê... THÀNH PHỐ TUỔI THƠ TÔI ...

Nhớ Banmê...
THÀNH PHỐ TUỔI THƠ TÔI ...
Tôi đã bắt đầu bài tuỳ bút này bằng những lang thang quanh ngôi trường cũ, bắt đầu bằng những kỷ niệm tuổi thơ nơi phố núi Ban Mê mù sương một thuở với những hàng cây vút cao như rừng giữa phố, chứ không phải thành phố Buôn Ma Thuột đèn vàng đèn đỏ ngợp nhà gương nắng và bụi hôm nay.
Phố núi lúc ấy hiền lành và thưa vắng hơn bây giờ nhiều. Cùng với những thằng Tí, thằng Tèo sau giờ tan học, tôi trốn nhà đi hoang xuống suối Đốc Học, móc đất sét để tha hồ nhào nặn những con vật cho tuổi thơ của mình và nhận về rất nhiều lấm lem bùn đất. Hút tầm mắt đứa bé mũi xanh là bạt ngàn những vườn rau cải xanh cải trắng ướt đẫm sương sa qui ra cơm gạo chứ không phải toàn hoa như trong truyện cổ tích tôi vẫn thường nghe kể. ông già hớt tóc quen mặt đã bỏ dở một cái đầu đang nửa trắng nửa xanh trên ghế để dắt tôi về nhà ăn trận đòn nhớ đời cộng với rất nhiều lời than vãn tuyệt vọng dành cho tôi của mẹ.
Nhà tôi ở đường Tôn Thất Thuyết, một con đường nhỏ thời ấy (đường Lê Hồng Phong bây giờ). Ngõ hẻm phía sau nhà vẫn là chỗ mẹ tôi và hàng xóm mắc võng ầu ơ đón gió mỗi trưa hè, trong lúc chúng tôi lăn tăn uốn quẫy trên nền gạch bông mát lịm. Rồi thế nào ngang con hẻm ấy cũng có một người đàn ông Tàu gánh chè mè xay với chiếc mũ nhựa kiểu Pháp trắng nhờ trên đầu, ới những tiếng rao nao nao nhung nhớ, thế nào mẹ cũng mua cho mỗi đứa một chén chè chiều. Ngõ hẻm ấy còn nhiều tiếng rao nữa, những tiếng rao ôi ao lảnh lót không biết người ta rao gì nhưng biết người ta bán cái gì, quen thuộc đến mức lớn lên có thể tả thành văn chương như thể cuộn cả buổi trưa hè với miếng bột bánh bèo, đậu xanh, mỡ hành, nước mắm đường ngọt lịm. Con hẻm ấy bây giờ không còn. Phía đường Quang Trung thì một nhà hàng ăn uống quốc doanh (bây giờ là chi nhánh một ngân hàng lớn) bịt mất. Phía đường Ama Trang Long thì nhà dân phố chợ ọp ẹp ván gỗ và cửa hàng vàng bạc kính gương sang trọng chèn lấp sau bao biến động. Chả còn ai qua lại nữa. Cái sức sống từ chợ luồn vào theo con hẻm vào từ phía Nguyễn Quang Trung thuở nào đã mất. Hẻm vắng không còn nhưng người đàn ông Tàu già ngày ấy như vẫn còn. Đã đàng hoàng mặt tiền nhà cuối Phan Bội Châu, vẫn cha truyền con nối cái nghề ấy. Người con dâu vẫn ngồi lặng lẽ trước nhà mỗi tối, anh con trai lăng xăng bưng bê cho những cặp tình nhân trẻ bây giờ những chén chè đen nhức mắt, vẫn dịu dàng mùi mè ngầy ngậy béo hồi xưa. Tôi đã có lần không chịu nổi cái hồi xưa ấy, tạt vào làm quen và làm giọt rượu tràn đêm cùng người con trai ôi a đến sáng, tìm lại những dấu vết đã trôi đi. Đã trôi đi như tuổi tên người. Có những điều còn lại. Một điều tôi sẽ kể sau khi bạn đọc cùng tôi nhớ lại một thôi dài. Con đường Nguyễn Thái Học (bây giờ là đường Điện Biên Phủ) ngày trước vẫn xuyên suốt, không bị đứt quãng ở chợ bây giờ. Nửa quay lên đường Y Jut là đình Lạc Giao (với cây đa trăm tuổi bao nhiêu rễ phụ tua tủa râu ria bạc trắng và muôn ngàn chú sóc mà mãi gần đây theo gió mưa mới đổ, chắn ngang cả đường Lê Hồng Phong. Ngôi đình huyền thoại của những người Kinh đầu tiên lên xứ Thượng, có mặt trước cả chùa Khải Đoan bằng gỗ quý tuyệt đẹp mà đức Từ Cung làm cho sau này. Những đứa trẻ bị bỏ hoang thời ấy người ta vẫn ẵm xuống chùa dộng một hồi chuông trước khi mang vào Cô nhi viện Bồ đề. Nửa phía dưới quay xuống đường Tôn Thất Thuyết (nay là Lê Hồng Phong) là ngôi trường Nguyễn Công Trứ. Đây là ngôi trường dành cho các cậu học sinh nam tiểu học mặc quần soóc. Học sinh nữ với váy đầm phồng ra như những búp bê cột tóc với một cọng thun học ở trường Bà Triệu (nay là trường Võ Thị Sáu). Cái kiểu phân chia nam nữ ấy ở cấp một không sao, nhưng lên lớp lớn hơn thường còn lại những huyền thoại ngày xưa Hoàng Thị mà các trường nữ sinh Gia Long áo tím vẫn phơ phất bay trong mộng tưởng một lớp người. Chính đoạn đường Nguyễn Thái Học bị lấp thành chợ ấy, mất hút cả ngôi trường tiểu học ngày xưa, cái khúc vòng quanh từ sân đình Lạc Giao vào sân chợ, nhộn nhịp người mua kẻ bán và một dãy dài những chiếc xe lam cũ vẫn đậu, phả khói nồng nặc và nổ như tiểu liên để chở người và hàng hoá từ chợ ra muôn hướng… hình như có ngôi nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sinh ra và sống cùng bố mẹ những năm xưa lăng lắc trước khi về Huế chập chững tiểu học Nam Giao. Sông kia rày đã nên đồng… Những vùng đất sẽ sang trọng biết bao nhờ những tên người. Người nhạc sĩ đã trở thành tài sản của những người yêu âm nhạc Việt Nam đã chôn nhau cắt rốn ở đây. Diễm ngày xưa đã từng đi ngang đấy. Chỉ riêng điều ấy thôi đủ làm những người dân phố núi yêu Trịnh mỗi đêm nến đỏ đèn khuya thêm sương gió vô hồi.
Thành phố tuổi thơ tôi còn lập loè vó ngựa mà biển bây giờ đã mất. Cái khu đất rộng ở ngã ba đường Ama Trang Long nhìn xuống Lê Hồng Phong hôm nay sừng sững một toà cao ốc đang xây, ngày ấy là bãi đất trống cỏ mọc như vườn, lõm bõm những chiếc xe ngựa thồ uể oải nằm chờ khách. Không như những thổ mộ hoa đèn Đà Lạt, xe ngựa phố núi xù xì ẩm mốc như một chiếc xe tải nhỏ bây giờ, với hai sọt cỏ xanh ngút đàng sau, chất đầy những cô những bà hàng xén và treo đầy thúng giỏ, ngược dốc lọc cọc. Người phu già bao giờ cũng nhảy xuống cho xe nhẹ bớt, rồi vừa đẩy vừa chạy theo tắc họ lung tung ra roi vun vút trên nền âm thanh trơn trợt móng sắt của chú ngựa gầy gõ trên đường tráng nhựa. Cái bến xe ngựa hấp dẫn tôi lạ lùng. Tôi không được vào chơi với những chú ngựa đã tháo yên cương đang rủ bờm tung vó thì chúng theo tôi vào ngủ giấc mơ. Những chú ngựa bay trên hai cánh với chàng hoàng tử cứu nàng công chúa, bỏ lại những tuyệt vọng mỏi mòn với xô nước cám và những xâu cỏ buồn thiu. Mà phố núi buồn nhất lúc nào? Lúc mưa. Đẹp nhất lúc nào? Lúc mưa. Mưa buồn vì không có quần áo khô mặc đi học, dép dính bùn lên tới lưng những giọt đất màu nâu lấm tấm rỗ hoa phải giặt mà chả có cơ số để thay. Mưa vui vì ngày xưa mẹ không nấu cơm, đong gạo dắt tôi đi xuống phía cuối đường Hoàng Diệu bây giờ, để xay bột về đúc bánh xèo. Nhà cửa dưới ấy còn thưa vắng, mỗi ngôi nhà như một khu vườn hoang quay mình ra phố, rào qua quít bằng kẽm gai cũ hay thưa thớt những hàng chè tàu. Ngôi nhà mà mẹ tôi vào xay bột cũng thênh thang với cánh cổng được làm bằng khung gỗ rồi đan lưới kẽm gai, cột và mở ra bằng sợi dây được xoắn lại từ da trâu, cũng kẽo kẹt khi người ta ngang khu vườn như ru võng. Cái cối đá xay tay tưới nước ấy chắc còn là niềm vui cho biết bao gia đình. Miếng bánh xèo áp chót khi đã hết tóp mỡ, mẹ thường rắc ít giá và tráng chảo thật mạnh cho giòn, cuốn lại cho tôi ngồi kế bên chờ ăn thêm để tranh phần yêu thương của mẹ. Của không ngon đông con cũng hết, mẹ thường dỗ sau mỗi lần như thế bằng ánh mắt xa xôi… Ăn xong thoắt cái đã tràn ra đường tắm mưa, vò xé đầu tóc, cầm chặt lưng chiếc quần đùi vì sợ tụt xuống do sợi thun quần đã dãn, rồi chạy đuổi nhau ơi ới. Mẹ đi bắt về đứa nào cũng đã tím tái móp meo. Bắt về rồi chúng tôi cũng vùng thoát. Thành phố tuổi thơ tôi còn biết bao bí ẩn cần khai phá. Thời ấy, những quán cà phê phố núi chưa nhiều, với những cái tên Uất kim hương, Bâng khuâng, Đồng xanh… lạ lùng những giàn hoa giấy phủ leo kín cổng nhìn như một hang động, bên trong vài ánh đèn xanh đỏ và những tranh ảnh không biết đâu hút hồn những đứa trẻ khao khát vén sương mù. Chúng tôi đứng trước quán nhìn vào, chờ người chủ quán ra xua tay một cái là ù té chạy dài và cười nắc phố. Hồi ấy người ta không uống cà phê mà uống cả không gian và thời gian của quán. Bao nhiêu là nước chảy qua cầu, những giọt cà phê không đường đã gieo những hạt giống đậu đen đậu trắng tính cách đầu đời cho đứa trẻ phố núi... ( Trích tùy bút "Thành Phố Tuổi Thơ Tôi..." của nhà thơ LÊ VĨNH TÀI )


Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

MƯA RỒI, BAN MÊ ƠI

MƯA RỒI, BAN MÊ ƠI
Dập gót, ta quay đi, không một cái ngoái đầu nhìn lại. Ban Mê xa dần, ngút mắt theo con đường, theo những chuyến xe. Đất Tây Nguyên xanh như màu của rừng núi đại ngàn, có câu hát tình ca của chàng trai Đam San một thời huyền thoại, đòi bắt Nữ Thần Mặt Trời về làm vợ ngày xưa...
Và, Ban Mê xanh những cơn mưa bất chợt vào những ngày tháng Tư, tháng Năm, ta nghe một nỗi nhớ thật êm. Hay nhớ và quên, để đắng đót một đời, khắc khoải cả khoảng trời kí ức, có mẹ ta, có bóng dáng hiền hòa vất vả một đời nuôi ta khôn lớn thành người...
Đi, và ta đã đi xa, thật xa như một cánh chim trời, ta vô tình hòa mình vào miền đất khác.
Mẹ đợi chờ, mỗi chiều ngồi ngóng nơi bậu cửa: ngày ta trở về...
Bỗng dưng, ập òa, giật mình, khi ta thấy Huế ướt đầm cơn mưa quên trời quên đất, quên người... Ta nhận ra đôi chân mình đã từng đi qua những góc đường này mỗi mùa mưa đến.
Ban Mê vẫn xanh, vẫn lành lạnh âm ấm khi li cà phê trong góc nhỏ nào đó chập chờn những khói, những giọt long tong đen nâu sóng sánh. Nhấp li ở đất này, để nhớ Ban Mê hơn...
Mưa đến rồi đi, hay một ta thong dong đổi dời bến cũ, tìm kiếm những chân trời xa lơ xa lắc, để rồi có ngày ùa ào bật khóc: Nhớ Ban Mê mỗi mùa mưa về...
(Nguồn : chaobuoisang.net)


Xứ Thượng... GIỌT NƯỚC BƠ VƠ (2)

Xứ Thượng...
GIỌT NƯỚC BƠ VƠ
Họ đặt tên cho “Giọt nước” là Ea (hoặc Ia, Da, Dak – tuỳ theo nhóm ngữ hệ của mỗi nhóm sắc dân mà từ gọi “nước” khác nhau) K’ha (hoặc G’ha). Ea nghĩa là “nước”. Còn K’ha nghĩa là “rễ cây”.
Y Blai Nie, người đàn ông nhiều tuổi ở buôn Ko Sia nhiều lần khẳng định với tôi rằng Giọt nước là vật cao cả nhất của làng. Thế nên mọi thứ cây mọc ở xung quanh đấy đều là thiêng liêng. Không bao giờ bà con đụng vào nó, cho dù nhu cầu về gỗ có ngặt nghèo thế nào. Người ta hay cúng “Giọt nước”, “Bến nước” là vì vậy. Như cô gái trẻ sâu sắc H’Ben, Y Blai Nie bảo: “Ai đụng vào cây ở Giọt nước tức là đụng vào nguồn nước, Yàng”. Và linh thiêng nhất, có thần, là cây Ana M’Nút (đa), Ana H’ra (sung), Ana K’tưng, Ana Kô… Nguồn nước của trời đất cao cả như nguồn sữa từ người Mẹ. Sức sống dữ dội của cây Ana H’ra, từ rễ, lá, trái quanh năm tuôn trào biểu thị cho tinh thần Mẫu hệ, nguồn cội. Mà không chỉ cây Ana H’ra kia, bao giờ không gian của Giọt nước cũng là cả một vùng sinh thái nguyên sinh, đa dạng sinh học. Nhiều năm la cà qua các Ea K’ha, nhờ đó tôi mới nhận diện được những cây Ana Klếch, Ana Ê nhuôi, Ana Ktrôl, Ana Plei; rồi những loại cây nằm là là mặt đất như Ana Ybua, Ana K’ton… Nhưng với người Tây Nguyên, cái cây kia không chỉ là cây, thực vật vô tri, mà nó có “thần” trong đó. Biết tôn trọng thiên nhiên là khi người ta kiêng nể thiên nhiên, xem “vạn vật hữu linh”. Không chặt cây bừa, không phá rừng vô lối. Cây với nước đi cùng nhau, tuy hai mà một. Thần rừng đã thiêng, mà Thần nước lại càng thiêng. Trong đời sống xã hội Tây Nguyên, người ta nhận thức và coi “Nước”, “Lửa”, “Gió” là ba thứ duy trì sự tồn tại của con người, và của vũ trụ. Thế là sinh ra ba vị Vua cụ thể, hiện hữu trong cộng đồng để cai quản ba thứ vật chất này, là Pơtao Ea (Ia)(Vua nước), Pơtao Puih (Vua lửa), và Pơtao Angin (Vua gió). Như hai Pơtao kia, Pơtao Ea cũng là người đại diện của thần linh có sức mạnh huyền bí trong cai quản nguồn nước nơi thế tục, dù cũng không có cung điện hay ngai vàng, nhưng ngài được cộng đồng kính trọng vô song trong biểu tượng tinh thần ấy.
Nên Giọt nước là một thế giới vừa tồn tại ở dạng “vật chất” vừa ở dạng “tinh thần”, vừa thế tục vừa hiển linh. Nhờ vậy, mà rừng núi còn, được gìn giữ từ bên trong tâm hồn của con người.
Những gì diễn ra ở không gian Giọt nước là sự tích hợp những gì vi tế, sâu sắc, nhưng sống động và thật nhất của hồn cốt văn hoá người sơn nguyên, cùng ý thức sống coi trọng, nương tựa thiên nhiên.
Trên cơ thể Tây Nguyên, mọi thứ xáo động, từ cấu trúc rừng đến cấu trúc gia đình, xã hội, văn hoá, suốt mấy chục năm qua, trước áp lực gia tăng dân số cơ học và nhu cầu đất đai cho sự gia tăng ấy. Nhưng nhìn vào sự tồn tại sừng sững của những Giọt nước, tôi nhận ra nó là thành trì cuối cùng của giá trị Tây Nguyên. Chỉ có điều, Giọt nước cũng gầy gò đi. Nhiều Giọt nước vài mùa sau ghé lại chỉ còn cái “rốn” của nó là sinh thái quanh thung lũng ấy; trong khi bên trên nó, tất cả đã phủ đầy càphê, cao su, cây rừng ra đi hết. Ở Dak Tô, Sa Thầy, ở Chư Pảh, Chư Sê, ở Dak Song, Dak Min, ở Ea H’leo, và cả ở ngay TP Buôn Ma Thuột của tỉnh Dăk Lăk, như buôn K’mơ rông Prông B, Ako Dhong, Păm Lăm, Ko Sia… Giọt nước ở buôn A Lê B thì biến mất luôn. H’Ben buồn tiếc. Tê tái hơn khi người ta xây bể phốt hầm cầu đè lên Ea K’ha, ngay các Ea K’nang hôm nào còn rỉ rả nước kia, sau khi mua được đất của đồng bào ở chỗ này để cất lên một tổ hợp nhà trọ bình dân nơi đầu nguồn nước từng thiêng liêng. H’Ben nói nàng thích uống nước mát lành từ Ea K’nang, chứ không vô hồn vô cảm như nước từ vòi robinet. H’Ben ạ, cô phải chấp nhận thôi, vì Ea K’ha cũng có số phận của nó. Và nhiều Giọt nước nữa, nơi trung tâm tỉnh, huyện đến vùng sâu vùng xa, cũng rơi rụng dần theo cơn mê sảng của địa ốc và thời cuộc.
Nhìn mọi thứ ở bên trên thay đổi như cơn lốc, mới thấy Giọt nước bơ vơ làm sao. Biến mất tất cả rừng rồi, thế mà nước vẫn cứ chảy đều ở những Ea K’ha ấy. Đó không là điều kỳ diệu là gì. Vì vậy, những Giọt nước còn lại kia sẽ có cuộc chống chọi quyết liệt cho sự tồn tại, thích ứng, tiếp biến sang hình thức tồn tại khác, hoặc “đầu hàng”, tiêu biến.
Ước gì tự dưng, Nhà nước có chính sách cho những Giọt nước, sung nó thành đất công, và coi nó là một báu vật của con người, di sản xã hội, là khoa học và văn hoá sống. Để nàng H’Ben không phải cứ mỗi lần nhớ Ea K’ha, lại đi sang các buôn khác để tìm kiếm sự mát lành, gùi nước, và hét lên thật to cho thoả lòng trước thiên nhiên bao dung, nhân từ.
bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Theo TGTT


Xứ Thượng... GIỌT NƯỚC BƠ VƠ (1)

Xứ Thượng...
GIỌT NƯỚC BƠ VƠ
Lúc ở bên “Giọt nước” ta hét lên một tiếng, là nghe vọng những thanh âm núi rừng. Thứ thanh âm lạ lắm, của trời xanh đất thẳm, thuần khiết tuyệt đối; không thể làm “giả” được, và hình như phải nghe bằng sự rì rào của trái tim chân thành.
Tôi yêu Bến nước miền thượng bằng nỗi thèm khát “ánh sáng” của rừng của kẻ mà nòi giống đã xa rừng quá lâu. Nên tôi lang thang theo nó như kẻ “ăn mày” hoang dã, đổ gục vào nó để cầu vọng nghe được đâu là tiếng thì thào của cây lá và tình yêu cuộc sống chốn phàm trần này…
Đầu làng Kon Tum K’năm vào những buổi trưa. Là hình ảnh đời thường, với mọi người kéo xuống sinh hoạt cùng một nguồn nước. Tên của làng được lấy làm tên cho thành phố và tỉnh Kon Tum, nghĩa là “Làng đầu nguồn nước”, “Làng hồ”.
Làng cổ xưa thuộc phường Thống Nhất, nếu muốn sẽ được thụ hưởng ngay hệ thống cấp nước đô thị như bao thị dân, như bao thành phố. Nhưng người Bahnar bản địa vẫn cứ thích ra “Bến nước”, là “Giọt nước” để lấy nước ở đây mà sinh hoạt. Như một số “Giọt nước” thi thoảng ngày nay ở Tây Nguyên, Giọt nước Kon Tum K’năm cũng được lên đời: xây bể to ngay đầu giọt để số người sử dụng cùng một lượt được nhiều hơn; vòi bằng nhựa; đường lên xuống Bến nước được xây tam cấp. Cho dù có chút bêtông vào thì Bến nước vẫn sống cuộc đời vốn có, tiếp nhận sinh hoạt cùng tâm hồn đồng bào như xưa nay, truyền thống.
Làng nào ở Tây Nguyên cũng có một “Giọt nước” như thế. Ngày trước, cha ông họ khi lập làng, điều căn cốt đầu tiên là xác định cho được chỗ ấy phải có Giọt nước, thực thể cơ bản, thiết thực, và thiêng liêng. Sau khi tìm ra, những người đi tìm đất lập làng cắm một chiếc rìu xuống đất. Rút phần cán gỗ ra, để lại phần lưỡi sắt. Ba ngày sau quay lại, nếu chiếc rìu còn nguyên, không ngã đổ, nghĩa là Yàng “đồng ý”. Thế là làng hình thành.
H’Ben, cô gái ở buôn A Lê B, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, nói: “Nó tự nhiên có. Nước chảy từ trong lòng đất ra, chảy mãi mà không bao giờ cạn, cho dù mùa khô. Dù ở mùa mưa nó cũng chảy bình tâm, rỉ rả đều như thế thôi. Nguồn nước từ nó bao giờ cũng lành. Ai uống cũng khoẻ mạnh; cả cộng đồng khoẻ mạnh”, H’Ben kể. Nhìn sức khoẻ của một cộng đồng biết Giọt nước ở đó là vậy. Trong H’Ben, cây Ana H’ra (sung), Ana Mo (xoài rừng), Ana K’Mhia (khế) bên Giọt nước là cái gì đó rất thân thương, sâu nặng. Chính vì là chỗ an lành nhất mà mọi Giọt nước bao giờ cũng là nơi nhiều chim chóc, và đặc biệt là ong – nó tập trung về làm tổ. Có những cây M’nút bám đếm vài trăm tổ ong. Và cũng chẳng bao giờ người ta bắt những tổ ong ở Giọt nước ấy, nơi chốn vạn vật sum vầy, cõi để sống và ngưỡng vọng, thành kính thiên nhiên.
Đồng bào lên xuống Giọt nước an nhiên trong từng bước chân, nhu cầu. Họ cứ tắm gội êm ái. Cứ giặt quần áo. Cứ rửa rau. Cứ lấy nước. Cứ gùi về. Không còn dùng trái bầu như xưa nữa, họ lấy những chai nhựa Coca-Cola, La Vie, Vĩnh Hảo, hay bất cứ chai nhựa gì có trong nhà mà mang xuống “Giọt nước” lấy nước… Điều tuyệt vời là ai xuống trước thì được sử dụng nước trước, nếu như lúc ấy đông đúc. Phía nào vòi nước dành cho nam thì sang phía đó, kể cả cậu bé tí hon. Phía nào dành cho nữ thì nữ tụ lại, kể cả cô bé vừa biết đi.
Tại sao người bản địa Tây Nguyên vẫn gắn thích sinh hoạt bên “Giọt nước” giữa thời buổi nước đưa vô tới bồn tắm, bếp? H’Da, cô gái Ê Đê có sắc vóc như người mẫu ở buôn Ko Sia, ăn mặc quần jeans, áo pull, tóc nhuộm vàng, xài iPhone nói với tôi là chỉ nước ở dưới đó mát nhất. Hơn thế nữa, cô chỉ thấy “Ở nhà”, là chính mình, khi tung tăng ở “Giọt nước” này.
( Trích Giọt Nước Bơ Vơ của Nguyễn Hàng Tình)


Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

TRANG CHẠP PHÔ TRÊN TUẦN BÁO TUỔI NGỌC

Nhớ thuở nào...
TRANG CHẠP PHÔ TRÊN TUẦN BÁO TUỔI NGỌC
Chạp Phô với khẩu hiệu cửa tiệm bán từ cây kim đến chiếc phi thuyền có chủ tiệm là Kiến Vàng, món hàng là các chuyện cười, danh ngôn, sưu tầm nho nhỏ, giai thoại làng văn, có cả mục “Kiến Vàng ơi” dành cho các thắc mắc của tuổi mới lớn. ( Theo Phay Van )
Một buổi trưa nào đó rất xa...ngàn xa...Tôi không nhớ rõ đó là buổi trưa nào, ngày tháng nào...Chỉ biết những ngạt ngào tuổi nhỏ, niềm êm đềm xa xôi ấy...đến giờ vẫn chưa thể nào nhạt tan...Như một vết sâu ngọt ngào mà dư hương còn vương vấn mãi không rời...
Một chú bé, đã lén bỏ ngủ trưa, say sưa khám phá ra một kho tàng quý giá trong những góc tủ phủ đầy dấu vết thời gian,,,Những TUỔI NGỌC, TUỔI HOA, những tập sách hoa niên....như một đám mây hoang đường, tuôn những giọt mưa mát trong hiền hòa đủ làm một "trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh"....thêm huyền ảo, thêm dịu dàng...Những giấc mơ dịu dàng, mà sau này, tôi cứ nghĩ về nó mãi, trong đời sống...và trong cả...những giấc mơ.
Ngày ấy, những tập san hiền hòa cuốn hút tôi...vì những hình ảnh nhiều sắc màu...những sắc màu mà bất kì tụi con nít nào, trong thời kì ti vi còn là những chiếc hộp trắng đen...cũng dễ dàng mê mẩn..
( Trích đoạn Chưa Đi Vội Về Sau trên trang huyvespa blogspot )


NGÔI NHÀ MA TRÊN ĐÈO PRENN

Chuyện xứ Thượng...
NGÔI NHÀ MA TRÊN ĐÈO PRENN
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1912 tọa lạc đầu dốc Prenn. Ngôi biệt thự nguyên là của một viên chức Pháp. Một đêm nọ, hắn mời một cô gái rất đẹp đến nhà chơi rồi hãm hiếp và giết chết. Xác cô gái bị ném xuống giếng nước bên trong khuôn viên khu nhà. Một thời gian sau, chủ nhà người Pháp này cũng bị giết chết rất dã man. Từ đó, căn nhà trở nên hoang vắng, điêu tàn và đầy những chuyện truyền tụng về hồn ma cô gái.
Thỉnh thoảng vào ban đêm, các tài xế chạy qua đây vẫn thường bắt gặp một cô gái mặc đồ trắng toát từ phía dưới đi lên vẫy xe xin đi nhờ lên Đà Lạt. Đã có tài xế dừng lại đón. Họ thấy rõ ràng người con gái ấy đã bước lên xe, nói cười huyên thuyên. Thế nhưng vút một cái, chỗ ghế nơi cô gái ngồi bỗng nhiên trống không.
Người ta lại kể với nhau rằng, có một cô gái sinh sống ở Vũng Tàu đang thất tình lên Đà Lạt để nghỉ ngơi. Sau khi nghe người dân bàn tán về ngôi nhà ma cô gái mới lên xem thử. Không hiểu sao cô gái rất thích ngôi nhà này và quyết kêu gia đình của mình mua cho bằng đươc. Sau 1 tháng ở ngôi nhà, cô gái đã treo cổ tự tử chết trong căn phòng của mình cũng ở cái tuổi trăng tròn.
Lại theo lời kể của một người đàn ông sinh sống lâu năm ở Đà Lạt, thì đêm nọ, có một người chở rau để đi bán. Con đường ra chợ phải bắt buộc đi qua con đèo này. Lúc đó cũng khoảng 2-3 giờ sáng. Khi đi đến giữa đèo, một người con gái xin quá giang. Tóc cô gái dài, mặc đồ ngủ mỏng manh. Trông cô gái rất lạnh. Vì nghĩ là đường đèo quá vắng vẻ nên ông đã cho cô gái quá giang một đoạn. Đi được một quãng thì ông sợ cô gái lạnh nên đã đưa áo khoác của mình cho cô gái mặc. Khi ông ngừng xe thì quay lại đã thấy cô gái biến mất từ lúc nào.
Những đồn đại về hiện tượng thường xảy ra với những người ở trong căn nhà này là khi đang ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy thì thấy đang nằm lơ lửng trên không trung, hoặc đang nằm ngoài hành lang. Còn các bác tài trên đường lên đèo Prenn thỉnh thoảng thấy một cái bóng trắng ngồi đung đưa ngoài ban công tầng trên...


Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

MÙA HOA KHẾ

MÙA HOA KHẾ
"Chanh chua thì khế cũng chua
Chanh bán có mùa, khế bán quanh năm" ( Ca Dao )
Mình thích lắm một loài hoa, nhỏ li ti và ngan ngát tím. Hoa không có gì đặc biệt, cũng không thể chưng trong bình, không thể mang đi tặng, tên thì lại chẳng hay ho gì. Ấy vậy mà cứ nôn nao, cứ bồi hồi mỗi khi nhìn ngắm nó, nghĩ về nó...
Hoa khế đấy!...
...
Nội đã giữ cây khế lại; cũng là giữ cái tình yêu hoa thầm lặng ấy lại cho mình. Vào TPHCM học, thời sinh viên mình rất mê một quán cà phê ở đường Hoàng Hoa Thám vì nó có một cây khế rất... ngọt ngào. Nhiều buổi trưa, mình cùng bạn chui lên đấy, ngồi ở chiếc bàn trên gác, rất gần những chùm hoa khế tím ngát, để có thể nâng từng bông hoa nhỏ li ti vung vãi trên bàn lên ngắm say mê. Ngắm cả tuổi thơ mình, những ngày mới lớn của mình, nơi góc vườn bình yên ở quê nhà, nơi đã từng có một con bé con theo nội gom lá khế rụng trong vườn, nhen thành từng đụn khói. Bây giờ, chẳng tìm đâu ra khói, ngồi gõ những dòng này trong tiếng máy lạnh chạy êm ru, cách xa hẳn tất cả âm thanh bên ngoài, mà mắt vẫn cứ cay. Hơn mười năm rồi, tính từ ngày rời quê lên phố, nội cũng không còn, cây khế cũng không còn nên hoa khế cũng tan theo...
(Trích trong Ầu Ơ Hoa Khế của Đoàn Tú Anh đăng trên báo Người lao động )
Hoa khế rụng đầy sân, ngày trở lại vườn xưa im ắng quá. Em còn nhớ hay không những buổi hoa tím rụng thì thầm đầy trong ánh mắt. Hái quả khế vàng ươm, ta một miếng, em một miếng, cùng nhìn nhau, nụ cười lung linh đến lạ.
Hoa giấu chuyện thầm thương quanh ngõ, để tiếng gọi ôn bài tím thẫm niềm thương. Một ước muốn phàm tình từ vô thức loé lên: “Mẹ ơi, lớn lên con sẽ lấy người ta làm vợ!”. Quả khế hình ngôi sao, chứa đầy ước mơ tuổi trẻ. Cứ ngây ngô, cứ dại khờ, cứ khát khao và cứ đẹp như thơ...
Cho đến tận bây giờ, gói lời kinh nhớ về ước mơ ngày cũ, chợt thấy sắc - không hiện ra loang tím cả trưa hè. Hoa cứ níu chân người trong ngõ nhỏ vắng hiu. Vắng thêm, rồi vắng nữa… Cây khế già không còn đám trẻ trâu trèo hái, quả chín chim tha, quả rụng đầy vườn… Mùa cũ đã đi qua không ngoái lại, những cô em gái má hồng nhìn hoa khế dửng dưng không. Em - người con gái hiện đại kia ơi, sao em không dừng lại bầy đồ chơi, để cho ta cúi xuống chắp tay,
niệm nam mô như người đi lễ Phật.
Câu hỏi cô đơn trước dòng sống đẩy ta đi biền biệt. Chỉ còn lại cõi riêng đơn độc một cánh diều. Tiếng mẹ gọi, bỏ lại chùm hoa khế tím thương ta cài cho em ngày ấy. Em đang có một cuộc hành trình riêng. Ánh mắt mẹ còn đọng thương cho thân phận em chìm nổi. Nắng hanh vàng hoà lẫn khói màu lam, nhìn hoa khế nhẹ rơi, vẫn nghe ra cuộc đời đầy độ lượng.
Biết tìm đâu tiếng cười trong vắt bên hiên. Ta chẳng có lời nào để nói cùng em. Thôi cứ mặc cơn gió lùa qua làn tóc thơm, cho ta được trở về vườn xưa như một người khách lạ.
Làn hương còn thơ thẩn dưới trăng, ta đón nhận ánh hoa, thấy mình nhỏ nhoi quá giữa khơi vơi hư thực. Nhìn ngõ đầy cánh tím rơi nghiêng, ta ngại ngần không dám bước chân. Bởi hoa khế rụng còn mang theo lời thì thầm rất khẽ. Ta đang nắm tay em khúc khích chạy quanh vườn? Bầy kiến vàng vểnh râu ngơ ngác nhìn ta. Một lối nhỏ đầy ý tứ về hoa, nhưng ta biết làm gì khác hơn là im lặng.
Tiếng kinh chiều trầm tịnh ánh vàng nghiêng. Hoa khế cựa mình, lạ như một khúc tình thiêng, mà tạo hoá sẵn lòng từ bi vừa gửi tặng…
(Viết tặng những người yêu hoa)
Tác giả bài viết: Thích Thanh Thắng


Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Hương rừng cao nguyên...LUẬT TỤC Ê ĐÊ

Hương rừng cao nguyên...
(Trích hết phần cuối truyện Hương Rừng Cao Nguyên của Nguyễn Đức Diêu)
LUẬT TỤC Ê ĐÊ
...
Estelle mời tôi uống cà-phê và cho tôi biết vừa mãn khóa học nên về nhà. Vừa uống ly cà-phê tôi vừa thầm quan sát Estelle. Estelle quả thật là đẹp, da nàng trắng, khuôn mặt thanh tú, mắt cũng xanh biếc như mắt của Nathalie. Nhìn nàng có vẻ đẹp sắc xảo hơn cả Nathalie, nhưng sao tôi có cảm giác không được thoải mái lắm khi nói chuyện với nàng, có một điều gì đó làm cho tôi hơi e ngại.
Estelle nói chuyện với tôi cũng rất tự nhiên và tôi thấy sự hiểu biết của nàng cũng không thua Nathalie, nàng còn có vẻ khôn ngoan, lém lỉnh hơn cả Nathalie nữa. Tuy là nàng có vẻ giống Tây như vậy, nhưng nàng lại thích nói chuyện về người Êđê, về văn hóa Êđê và những quá khứ vinh quang của dân tộc Êđê. Những điều nầy, Nathalie lại ít nói với tôi, mặc dù tôi nghĩ là nàng cũng hiểu biết không kém cô em. Dù sao thì nói chuyện với Estelle cũng rất thú vị vì nhờ nàng tôi biết thêm được nhiều điều hay của người Êđê nữa. Tôi nghĩ hai chị em như hai đóa hồng lọt vào giữa một rừng mắc cỡ, hoa lớn hơn, đẹp hơn và chắc là gai cũng nhọn hơn.
Chiều hôm đó, tôi nêu thắc mắc với Nathalie. Nàng dẫn tôi vào phòng của nàng, đây là lần đầu tiên tôi vào phòng nàng. Có một cửa sổ nhìn ra bên trái nhà, không có giường, một cái kệ với khá nhiều sách vở và một cái bàn thấp, cũng không có ghế.
Trên bàn, hình một người đàn ông Tây đang nhìn tôi chằm chằm.
– Đây là Cha của em.
Dù là tôi cũng đã nghĩ tới nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên:
– Vậy à?
– Cha em là người Pháp, là một nhà nhân chủng học. Ông đi nhiều nơi để nghiên cứu về các dân tộc, nơi cuối cùng là ở đây.
– Rồi ông gặp Mẹ em?
– Không anh à!
Rồi trước sự ngạc nhiên của tôi, nàng kể tiếp:
– Cha em đến đây và gặp Dì của em, tức là chị của Mẹ em và yêu Dì. Dì em là Trưởng Buôn lúc đó, Dì em rất đẹp.
Rồi nàng lại mở một cuốn tập và chỉ cho tôi hình một cô gái trẻ. Cô gái trắng trẻo, gương mặt thật thanh tú. Anh biết bức tượng phụ nữ thờ ngay gian nhà khách là ai không?
– Dì em à?
– Không, đó là tượng của H’Drah Jan Kpă , tức là Công Chúa Hạt Mưa, người đã về làm Hoàng Hậu của vua Chế Mân, là Hoàng Hậu cuối cùng của nước Chiêm Thành. Khi vua Chế Mân chết và được hỏa táng thì Hoàng hậu đã nhảy vào lửa chết theo chồng. Gia đình em là dòng dõi của Bà, cũng xem như là Hoàng Tộc của người Êđê, dù là không có nước Êđê. Như bây giờ, Mẹ em là trưởng buôn nầy nhưng cũng là Trưởng của tất cả các buôn khác trong tỉnh Darlac, tuy là chỉ mang ý nghĩa tinh thần.
– Ồ, vậy à. Rồi Dì em đâu?
– Dì em đã mất và theo tục nối dây của người Êđê, cha em lấy em gái của vợ, tức là mẹ em bây giờ.
– Dì em không có con à? Tôi thắc mắc.
– Dì em cũng có một người con gái.
– Vậy à, rồi giờ người đó ở đâu?
– Lúc trước chị vẫn ở đây, nhưng từ khi Cha em mất, chị cũng bỏ đi luôn. Rồi đột ngột cách đây vài tuần, chị trở về và chỉ ở lại một ngày. Ngày hôm sau chị đi cũng là lúc Mẹ em bắt đầu bị bệnh.
– Nghĩa là sao? Chị có liên quan đến việc Mẹ em bị bệnh à?
– Rất có thể, vì chị đã nghĩ rằng Mẹ em đã hại Mẹ chị ấy. Nhưng Mẹ em đã nói với em rằng Mẹ không có làm chuyện đó, chỉ là tin đồn của kẻ xấu thôi.
Tôi đã hiểu ra mọi chuyện, câu chuyện của gia đình nàng cũng khá đặc biệt.
– Vậy là em sẽ kế tục mẹ em để làm Trưởng Buôn?
– Đúng vậy anh à. Thật ra em cũng không thích làm lắm đâu, nhưng đây là tục lệ.
– Còn cha em, mất khi nào vậy, ông bị bệnh à?
– Cha em…phải, bị bệnh mất…
Nàng trả lời không được suông sẻ lắm trong câu nầy, không biết có phải vì xúc động khi nhớ đến cha hay không.
– Cha em đã dạy em và Estelle tiếng Pháp cũng như những hiểu biết về văn hóa tây phương. Em thì muốn học về y tế để giúp dân trong buôn, nhưng Estelle thì lại thích và giỏi về chính trị, tổ chức hơn em, có lẽ nó giống cha em hơn.
Thảo nào mà nàng giỏi tiếng Pháp, giờ tôi mới hiểu ra.
Đúng như tôi nghĩ, Estelle sắc xảo, khôn ngoan hơn cả Nathalie nhưng tôi vẫn cảm thấy điều gì đó không ổn ở cô em này.
– Sắp tới, sẽ có Lễ hội cầu mùa và tháng sau nữa, sẽ là Lễ Chây Prun.
– Chây Prun, là lễ gì vậy em.
Nathalie nhìn tôi rồi nàng từ từ nói:
– Đó là một Lễ rất quan trọng, giống như lễ phong Thái Tử của các vua Việt nam xưa vậy.
– Ồ, vậy là em sẽ được phong vào tháng tới?
– Phải anh à, và chức nầy chỉ phong cho người con gái khi chưa có chồng mà thôi. Sau lễ nầy thì người đó có thể có chồng. Lúc nầy mẹ em bị bệnh nên Hội đồng già làng quyết định phong chức sớm cho em là vậy.
– Em à, nhưng mẹ em bệnh gì vậy, sao em không đưa mẹ đi chữa bệnh.
Khuôn mặt Nathalie bỗng trầm xuống:
– Bệnh nầy không chữa được anh à.
– Sao vậy?
– Anh có nghe về bùa ngải, thư ếm không?
– Anh cũng có nghe, mà sao hả em?
– Mẹ em đã bị ếm và không giải được, người ếm đã quá cao tay. Lúc đầu em cũng đưa mẹ đi khám tìm bệnh nhưng không tìm thấy gì khác lạ.
– Ồ, có thật vậy sao?
Tôi nghe mà nửa tin nửa ngờ. Trước giờ tôi cũng nghe chuyện thư ếm nhưng mà không tin lắm. Bây giờ mới chính thức nghe một người là y sĩ như Nathalie nói và xác nhận. Hay là do nàng cũng đã bị nhiễm vào tư tưởng từ lúc còn nhỏ? Tôi vẫn thấy nghi nghi làm sao ấy!
Sau bữa đó, tôi mới hiểu rõ hơn về gia đình của Nathalie, thảo nào tôi thấy cứ vài hôm là có người của các buôn khác đến viếng với nhiều lễ vật.
Vậy là chỉ còn vài tuần lễ nữa là Nathalie sẽ được phong là người kế nhiệm Trưởng Buôn Klây, đồng nghĩa như Nữ hoàng của dân tộc Êđê. Tôi cảm thấy phân vân, khi lên đây thì tôi chỉ muốn gặp Nathalie theo tiếng gọi con tim, tôi đâu ngờ nàng lại có một vị trí như vậy, tôi cũng không biết mình phải làm gì! Về hay ở lại dự Lễ tấn phong của nàng, rồi sau đó thì sao? Thật tôi không tìm được câu trả lời, nếu đi thì sợ nàng buồn, mà ở lại và biết nàng sẽ là Trưởng buôn thì tôi cũng đâu còn hy vọng gì nữa, một người Trưởng Buôn Klây, Nữ hoàng của dân tộc đâu thể bỏ buôn để đi theo chồng! Nghĩ tới đó tôi thấy thật thất vọng.
Đêm hôm sau là đêm trăng rằm. Sau buổi tối cùng đi dạo với Nathalie dưới ánh trăng, tôi trở về trằn trọc với bao ý nghĩ. Ngày tôi thấy lòng mình càng yêu Nathlie vì nét trong sáng, vui vẻ nhưng dịu hiền của nàng, nhưng rồi cuộc tình của tôi sẽ đi đến đâu. Có lẽ Nathalie cũng thấu hiểu điều đó nên nàng hay nhắc đến cha nàng, đã vì tình yêu mà chấp nhận ở lại sinh sống nơi đây. Phải chăng nàng muốn tôi cũng như vậy ? Điều nầy thật sự tôi chưa bao giờ nghĩ tới!
Tôi trằn trọc không ngủ được, trời cũng đã khá khuya. Bỗng tôi thấy có bóng người đi ra cửa. Tôi giả vờ nằm im như ngủ rồi, tôi thấy người đó đầu quấn khăn, khẽ nhìn tôi rồi chậm rãi đi ra cửa, dáng vóc rất giống Nathalie, thật ra tôi cũng không phân biệt được đó là Nathalie hay là Estelle, vì cả hai rất giống nhau, nhưng Nathalie mới đội khăn, tôi chưa thấy Estelle đội khăn bao giờ. Nếu là Nathalie, nàng đi đâu giờ nầy?
Tôi thực sự tò mò, chờ cho tiếng bước chân đã xuống cầu thang, tôi chồm dậy đi theo. Nhờ ánh trăng, tôi thấy người đó đi về phía trái buôn, tôi cũng âm thầm theo xa xa phía sau. Rồi cuối cùng, người đó dừng lại ở ngay cái “chỗ cấm”, nơi mà Nathalie đã bắt tôi hứa là không được vào. Tôi há hốc miệng, suýt kêu lên một tiếng khi thấy người đó bước vào cổng đã mở trống và bắt đầu …cởi trang phục và vắt lên một cây sào ngang, rồi biến mất vào bên trong.
Trời ơi, thật là tôi không hiểu nổi, Nathalie, nàng làm gì trong đó? Tôi quá sức là tò mò và cũng có xen lẫn chút tức tối, nghi ngờ… Tại sao nàng cởi bỏ y phục trần truồng như nhộng để làm gì trong đó, thật là muốn điên lên được! Đầu tôi như có dòng điện nóng chạy rần rần, tôi nghĩ ra đủ chuyện… hèn gì mà nàng bắt tôi hứa không được vào nơi này. Tôi tiến sát ngay bờ rào, cố nhìn vào bên trong nhưng hàng rào quá dày, tôi không thấy gì hết. Tôi lại ngay chỗ cổng nhìn vào trong, nhưng cũng chẳng thấy được vì đã bị một hàng giậu thẳng làm lối đi, che khuất mất tầm mắt. Rồi bỗng có tiếng xầm xì của một người con gái vọng ra… Không thể kiềm nổi óc tò mò nữa, tôi vượt qua cổng để vào bên trong.
Núp ở cuối lối đi vào, một cảnh tượng lạ lùng hiện ra trước mắt tôi. Giữa khu đất là một cái sàn vuông vức mỗi bề khoảng 10 m, cao khoảng 1,5 m. Trên sàn, có cả chục cô gái trần truồng đang quỳ thành hai hàng, ở giữa cũng là một người con gái đã thoát y, đó chính là …Nathalie. Qua ánh trăng lờ mờ, tôi thấy Nathalie ngước mặt lên trời, thần Vệ nữ đang phô bày những đường con tuyệt mỹ dưới ánh trăng lung linh huyền ảo. Tôi như ngây ngấy trước khung cảnh huyễn hoặc, Nathalie hai tay xòe ra như cầu nguyện rồi nàng đi tới mỗi cô gái và vỗ vào trán từng người. Bỗng nhiên nàng ngừng lại, rồi tôi thấy nàng đi đến một góc cột đài và cầm một cái chiêng đã được treo sẵn ở đó. Tiếng chiêng bỗng vang rền… Những cô gái giật mình quay nhìn tứ phía…
Tôi hết hồn, không biết chuyện gì, tôi có bị phát giác không? Bỗng tôi nghe tiếng chiêng từ buôn vọng ra vang rền và tiếng chân người chạy rầm rập. Tôi lật đật thối lui, nhưng… không còn kịp nữa rồi, bên ngoài cổng, hàng chục thanh niên với giáo nhọn lăm lăm đang chỉa vào tôi.
Tôi bị bắt trói lại và dẫn đi giữa một đám đông dân làng. Những người mới sáng nay đã vui vẻ mời tôi cà-phê thì giờ ai cũng như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Tôi bị dẫn tới cái sân đất trống giữa buôn, nơi để tổ chức lễ hội, và bị trói vào một cây cột. Rồi Nathalie rẽ đám đông đi tới bên tôi, nàng nhìn tôi thầm như trách móc, khuôn mặt nàng có vẻ lo âu cực độ. Nàng nói bằng tiếng Êđê và sau đó tôi thấy mọi người bỏ đi hết, chỉ còn tôi với nàng. Tôi thực sự xấu hổ vì đã không giữ lời hứa với nàng. Lúc nầy, nàng mới hỏi tôi:
– Sao anh lại vào đó?
– Anh thấy em vào đó, lại cởi bỏ y phục nên anh không thể kiềm chế tò mò…
Nàng tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Không, em đâu có vào đó!
– Anh thấy em từ nhà đi ra, nên anh đi theo.
– À, sao anh nghĩ là em?
– Anh thấy em có đội khăn mà.
Nathalie tỏ vẻ suy nghĩ rồi lắc đầu.
– Đó là Estelle, không phải em đâu. Estelle đêm nay đã dạy các cô gái khác về “thần giao cách cảm”, đây là một bí mật được truyền từ nhiều đời của dân tộc em, và chỉ có gia đình tộc trưởng là nắm bí quyết. Nhờ vào đó, những người thân của nhau có thể liên lạc, truyền thông cho nhau khi có chuyện quan trọng, như hôm em biết được mẹ bị bệnh. Nơi đó, nam giới cấm không được vào.
Tôi thực sự hối hận vì đã nghi ngờ nàng và dẫn tới tình trạng dở khóc dở cười ngày hôm nay. Tôi hỏi nàng:
– Vậy bây giờ sao, anh sẽ bị phạt gì?
Nathalie chỉ lắc đầu, nàng có vẻ buồn, chưa bao giờ tôi thấy nét mặt nàng buồn như vậy.
– Bây giờ phải chờ quyết định của Hội đồng già làng. Theo luật tục thì nếu là người dân buôn vi phạm điều cấm nầy thì sẽ bị phạt một con trâu để khao cỗ cho cả làng. Còn như anh là người ngoài buôn thì…
– Thì sao em?
– Thì phải …tử hình.
– Trời ơi!
Tôi thật không tin vào tai mình nữa. Không lẽ tôi phải chết ở đây, một cách lãng nhách như vậy sao trời!
– Em à, vậy rồi sao, em không có cách nào cứu anh nữa sao?
– Phải chờ quyết định của Hội đồng, sau đó …nếu Hội đồng không thể bỏ qua được thì chỉ còn một hy vọng cuối cùng.
– Là sao em? Tôi thật nóng lòng muốn biết xem hy vọng đó là gì.
– Đó là, trong vòng ba ngày phải có một người con gái trong buôn nhận kết hôn với anh, lúc đó anh kể như là người dân buôn và sẽ chỉ bị phạt vạ một con trâu.
Sao oái ăm vậy nè trời, sao tôi lại rơi vào cái cảnh của anh chàng thi sĩ Gringoire… gì đó trong “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” vậy , không biết có ai chịu làm Esméralda để cứu tôi không nữa đây?
Nghĩ tới đó, tôi nhìn sang Nathalie, tôi chỉ còn hy vọng nơi nàng. Nhưng tôi thấy Nathalie vẫn có vẻ rất lo âu, tôi chợt hiểu ra lý do. Vì nàng là người sắp được phong kế thừa ngôi vị Trưởng Buôn và Nữ hoàng của dân tộc Êđê, và nàng chỉ có thể được phong khi nàng chưa có chồng. Tôi thật là thất vọng, tôi tự trách mình sao lại gây ra chuyện nầy, khổ cho mình mà cũng khó cả cho nàng.
Ngay đêm đó, Hội đồng già làng nhóm họp và họ đã quyết định không thể làm sai luật tục của làng, nghĩa là tôi sẽ bị tử hình, trừ phi trong vòng ba ngày có một người con gái trong buôn nhận tôi làm chồng.
Với sự bảo lãnh của Nathalie, tôi được mở trói và được vào ngủ trong gian nhà khách của nàng, bên ngoài có hai thanh niên canh gác. Tôi như một tử tội chờ ra pháp trường, làm sao ngủ nghê gì được. Tôi nằm đó mà suy nghĩ miên mang, nhớ cha, nhớ mẹ, anh em, nhớ cả cái cô bán hột vịt lộn đầu hẻm mà mỗi khi tôi mua đều được tặng thêm một trứng. Trời ui, giờ ước gì tôi được trở về nhà, dù có yêu Nathalie biết mấy, cho vàng tôi cũng không dám lên đây nữa.
Đã hai ngày trôi qua, vẫn không có cô gái nào lên tiếng. Cũng có thể là có người thích tôi, nhưng ai cũng đã biết tôi là bạn của Nathalie, có ai mà dám nhảy vào nữa. Trong hai ngày nầy, không chỉ Nathalie, mà Estelle cũng rất là chăm sóc cho tôi, nàng không hề tỏ vẻ giận tôi mà trái lại, chăm sóc tôi rất tận tình. Đêm khuya, khi Nathalie đã ngủ, và tôi không ngủ được, Estelle đã ra pha cà-phê và chúng tôi ngồi nói chuyện tới sáng, lạ một điều là nàng có vẻ như rất thích tôi vậy, tôi có chủ quan không?
Đêm nay là đêm cuối cùng, ngày mai tôi sẽ bị mang ra giàn hỏa. Tôi rùng mình, nghĩ tới lúc tôi sẽ bị ném vào lửa như con heo quay. Tôi đã thoáng nghĩ tới chuyện trốn, nhưng Estelle đã cảnh cáo tôi liền:
– Anh không trốn được đâu, người ta đang canh gác kỹ và nếu có trốn được thì anh cũng không biết đâu mà đi, anh sẽ lạc vào rừng và chết trong đó. Từ giờ đến khi mặt trời mọc, nếu không có tiếng cồng của cô gái muốn nhận anh làm chồng thì…
Estelle ngưng ngang ở đó. Thì, tôi cũng hiểu là gì rồi. Nếu có một cô gái cứu vớt tôi, thì cô sẽ vào nhà và đánh chiếc cồng Mẹ lên cho mọi ngưới biết. Tôi thật hết hy vọng, tôi cũng không dám trông mong ở Nathalie vì tôi biết nàng ở vào một tình thế rất là khó xử. Chỉ còn Estelle, may ra, nhưng tôi là bạn của chị nàng, Estelle cũng không hề hé một hy vọng gì cho tôi cả. Đã mấy đêm thức trắng, gần sáng tôi mệt mỏi thiếp vào giấc ngủ nhọc nhằn.
Tôi bỗng giật mình thức giấc vì tiếng cãi nhau lớn tiếng của ai đó, mở mắt ra tôi thấy Nathalie và Estelle đang giành nhau chiếc cồng. Estelle xách chiếc cồng, nhưng Nathalie lại cầm dùi và hai người đang cãi nhau kịch liệt bằng tiếng Êđê. Rồi một tiếng cồng vang lên, âm thanh trầm rền rền ngân xa…, hai chị em cũng đã im bặt, chỉ còn từng tiếng chiêng ngân dài… Trời đã ửng hồng một góc xa.
Tôi tuôn dậy. Nathalie đang đánh từng tiếng cồng ngọt ngào, những tiếng cồng đáng yêu làm sao. Tôi muốn hét to lên, tôi đã sống rồi và người cứu tôi không ai khác hơn là người tôi yêu dấu. Tôi bồi hồi xúc động, những giọt nước mắt yêu thương lăn dài trên má…
* * *
Mười năm sau.
– Estelle, con đứng yên đi, ba chụp hình con với mẹ.
Hai mẹ con cười duyên dáng thật đẹp trước tháp Eiffel, Paris.
– Anh à, mấy tấm nầy gởi cho Estelle nhé, dì nó sẽ thích lắm đấy.
Tôi nhìn Nathalie âu yếm :
– Để anh về thăm Estelle rồi mang hình luôn nhé.
– Anh thật là …ngày đó mà em không giành đánh chiêng thì giờ nầy Estelle đang đứng chỗ nầy nè, anh thích lắm phải không ? Nàng hờn mát.
Nhớ đến Estelle, tôi bỗng nảy ra một thắc mắc:
– Em à, không biết sao đêm đó Estelle lại đội khăn em nhỉ?
– Anh thật không hiểu sao Ngốc của em, vì Estelle muốn anh tưởng lầm là em và đi theo. Nó muốn dụ cho anh sập bẫy.
– Estelle muốn anh chết à? Tôi trợn mắt.
– Anh ơi là anh, nó muốn anh chết làm gì. Nó chỉ muốn, nếu em không động tịnh gì thì đến giờ phút chót nó sẽ cứu anh, và anh sẽ là chồng của nó. Còn nếu em chịu cứu anh thì, em sẽ mất chức vị Trưởng buôn và nó sẽ là người thừa kế. “Một mũi tên trúng hai con chim”, đằng nào nó cũng được lợi cả.
Thì ra là vậy. Cái cảm giác ban đầu gặp Estelle đã không đánh lừa tôi. Estelle quả là người tính toán khôn ngoan.
– Nhưng sao anh cứ nhất định đặt tên con là Estelle vậy? Chắc anh cũng thích nó lắm chứ gì?
Chời ui, giờ nầy còn nổi máu Hoạn nữa sao Nathalie, tôi bèn giở tuyệt kỷ:
– Nếu không nhờ Estelle thì giờ nầy anh và em có ở đây không, có con mèo con Estelle nầy không em?
– À há, lúc nào anh cũng lách được nhỉ, em biết anh giỏi mà.
Tôi khẽ gỡ chiếc lá vàng từ tay bé Estelle thả bay vương lên tóc mẹ, ánh mắt Nathalie ngước lên như muốn nói muôn ngàn lời…
Nắng dần nhạt.
Gió chiều lồng lộng, giòng sông Seine xanh biếc lững lờ trôi.
Sept. 05 2012
Nguyễn Đức Diêu


Hương rừng cao nguyên... CHIÊNG NỮ Ê ĐÊ BIL, TRÁI GÙI, UỐNG RƯỢU CẦN & CÀ ĐẮNG

Hương rừng cao nguyên...
CHIÊNG NỮ Ê ĐÊ BIL, TRÁI GÙI, UỐNG RƯỢU CẦN & CÀ ĐẮNG
Rồi nàng đưa tôi lại ngồi ngay chiếc bàn giữa nhà. Trên bàn có một cái giỏ mây xinh xắn đựng trái cây. Tôi ngắm chiếc giỏ hai đầu cong lên như chiếc thuyền, nó được đan thật đẹp.
– Em làm đó, đẹp không anh?
– Ồ, vậy à! Đẹp lắm, em hay thật!
Nathalie sung sướng, nàng ngước cặp mắt xanh biếc lên nhìn tôi:
– Anh ăn trái cây nhé. Rồi nàng đưa cho tôi một trái cây màu vàng, lớn cỡ trái chanh. Tôi cầm lên, thấy nó mềm mềm.
Nàng cũng lấy một trái rồi lột vỏ, tôi cũng làm theo, bên trong là những múi thịt trắng muốt, trông giống như múi măng cụt, nhưng nhỏ hơn. Tôi ăn thử, khá chua, nhưng có vị thơm. Nathalie nhìn tôi nhăn mặt, nàng lại cười:
– Chua phải không anh, nhưng mà rất tốt cho sức khỏe. Anh thấy người Êđê khỏe mạnh không, là vì họ ăn trái cây có vị chua nhiều.
Là dân học y tế thì dĩ nhiên tôi cũng biết điều nàng nói là đúng, nhưng không lẽ chỉ ăn toàn đồ chua?
– Trái nầy gọi là trái Gùi, nó là một loại trái thiên nhiên từ một loại dây rừng.
Anh à, tối nay, anh sẽ ăn cơm với gia đình em và những Trưởng lão ở đây nhé, rồi anh sẽ ngủ ở ngay góc kia, kế phòng của em đó. Nàng nói và chỉ tay vào góc trái của nhà khách. Như vậy là Nathalie và tôi sẽ chỉ nằm cách nhau một bức vách mỏng mà thôi.
Buổi tối đó, tôi đã gặp mẹ của Nathalie , ăn cơm tối cùng bà và những trưởng lão trong làng, là những phụ nữ lớn tuổi. Mẹ của Nathalie khoảng 50 tuổi, bà có vẻ đang bị bệnh, đi đứng đều được Nathalie dìu đỡ. Những người phụ nữ nầy hỏi thăm về gia đình tôi và lạ một điều là họ dường như có vẻ rất kính cẩn đối với tôi, không biết tôi có chủ quan không?
Nathalie cùng tôi nói chuyện khá khuya trước khi đi ngủ…
……
Nathalie cùng tôi nói chuyện khá khuya trước khi đi ngủ. Nàng giải thích cho tôi nhiều điều. Như nhà luôn theo hướng Bắc – Nam, phòng khách gọi là Gah, thường khá dài, bên phải là hành lang và bên trái là những căn phòng. Nếu nhà thêm người thì sẽ được nối dài thêm nên căn nhà dài là vậy. Hai cái cầu thang, bên phải là cầu thang “đực”, dành cho nam giới và bên trái là cầu thang “cái” dành cho nữ giới. Cầu thang “cái”, phía trên có hai nhũ hoa phụ nữ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ của người Êđê, cũng là tượng trưng cho người Mẹ. Đi đâu rồi khi bước chân vô nhà cũng nhớ đến Mẹ trước tiên, Mẹ là nguồn gốc của sự sống, sinh tôn của gia đình và dân tộc…
Đêm đó, tôi nằm buâng khuâng, rồi chợt nghĩ đến câu hát “Ước gì nhà nàng chung vách. Hai đứa mình thức trắng đêm nay”. Không biết Nathalie có thức hay không, phần tôi thì trằn trọc khá lâu trước khi chìm vào giấc ngủ say.
Những hôm sau, Nathalie dẫn tôi đi thăm Buôn, gồm khu nhà ở cũng như nương rẫy và ruộng lúa. Người Êđê vừa làm ruộng nước vừa làm rẫy trên đất khô. Cánh đồng ruộng khá lớn nằm phía cuối buôn. Lúa thật tốt, cả cánh đồng xanh mướt. Tuy là ở trên cao nguyên nhưng cảnh đồng lúa cũng không khác gì dưới đồng bằng, chỉ có khác chút là ở đây người ta dẫn nước vào ruộng bằng một hệ thống ống máng tre, nước chảy róc rách liên tục nghe rất vui tai.
Nathalie giải thích cho tôi biết nguồn gốc của ngôi nhà sàn dài, nghe cũng thú vị lắm. Dân tộc Êđê có nguồn gốc từ những đảo Mã lai, Polynesie… và đã đổ bộ nhập cư lên đất liền từ cả ngàn năm trước. Lúc đầu người Êđê còn ở dưới đồng bằng, sau vì bị sức ép của người Chiêm thành nên phải di cư lên cao nguyên. Tuy vậy, trong sâu thẳm tâm hồn người Êđê, vẫn tồn tại nét văn hóa của người dân biển đảo, nên những căn nhà sàn thấp và dài, có hình dáng giống như những chiếc thuyền. Tiếng nói, ngôn ngữ Êđê bây giờ vẫn còn nhiều tiếng giống y hệt hoặc chỉ biến đổi đôi chút tiếng Mã lai hay Indo.
Người Êđê cũng có nét văn minh trong vấn đề vệ sinh. Trong khi nhiều dân tộc khác sống trên nhà sàn và nuôi trâu bò bên dưới, thì người Êđê lại làm chuồng trâu, bò, gà, lợn riêng biệt. Người Êđê còn trồng cây bông vải và tự dệt vải mặc, loại vải mà ta hay gọi là thổ cẩm, đẹp và chắc.
Tôi thật là vui và thích thú trong những ngày ở đây, vì biết thêm được nhiều điều mới lạ mà nhất là được kề cận Nathalie mỗi ngày. Nathalie cũng vui lắm, hầu như nàng luôn quanh quẩn bên tôi, chắc là nàng sợ tôi buồn và có lẽ nàng cũng thích vậy.
Nathalie bảo tôi muốn dạo chơi chỗ nào cũng được, chỉ trừ một nơi, nàng nói tôi đừng bao giờ vượt qua giới hạn đó và nàng còn bắt tôi phải hứa nữa. Nơi đó nằm về phía trái của buôn, có một cánh cổng và được rào kín bằng những khóm tre già dày đặc. Tôi hỏi nơi đó là gì thì nàng nói nơi đó chỉ dành cho một số người của buôn mà thôi.
Tôi và Nathalie thích dạo ra cánh đồng phía cuối buôn vào buổi chiều tà, ngồi tựa vai nhau để nghe hương lúa thơm ngào ngạt. Tiếng nước chảy róc rách từ những máng tre dẫn nước từ nguồn suối, từng đàn cò trắng nhởn nhơ khắp cánh đồng…
Một hôm, tôi được Nathalie dẫn đi ăn cưới một gia đình trong buôn. Người phụ nữ Êđê cưới chồng, lễ cưới được tổ chức bên nhà vợ và người chồng phải ở rể, con sinh ra sẽ mang họ mẹ.
Tôi thấy rất thích thú được xem nghi lễ cưới của đôi vợ chồng trẻ. Hai người ngồi trên chiếu trải giữa nhà khách. Những đôi khoen bạc và đồng được hai người mang cho nhau trước sự chứng kiến của dòng họ. Rồi một người phụ nữ lớn tuổi, Nathalie cho tôi biết đó là thầy cúng, hòa rượu với tiết heo và đọc thần chú, vảy vào các xó xỉnh trong nhà để trừ tà và xin ông bà chấp nhận cho con rể mới.
Người Êđê quan niệm tự do trong hôn nhân “Trâu bò không ai ép thừng, trai gái không ai ép duyên”. Những người thanh niên nam nữ tự do tìm hiểu và đến với nhau, cha mẹ không can dự vào. Đây thật sự là một nét tiến bộ trong văn hóa dân tộc Êđê.
Sáu người phụ nữ đánh chiêng và cũng sáu cô gái khác múa nhịp nhàng theo tiếng chiêng. Tiếng chiêng nhanh, mạnh và vui tươi tạo nên cho người tham dự thêm phấn khởi.
– Đây là bài chiêng đám cưới, có nhiều bài chiêng khác nữa.
Nathalie giải thích cho tôi biết như vậy.
Sau đó là nhập tiệc. Thịt heo, gà ê hề, ché rượu cần cả dãy, và đặc biệt là món cà đắng truyền thống không thể thiếu của người Êđê. Cà đắng là một đặc sản của Tây nguyên. Trái cà lớn hơn trái cà pháo một chút nhưng dài ra chứ không tròn. Cà đắng được nấu với cá tươi hoặc khô, hoặc thịt. Vị ngọt của cá thịt sẽ thấm vào vị đắng của cà tạo nên một hương vị thật đôc đáo mà không một món ăn nào khác có thể so sánh được.
Người Trưởng buôn được mời uống rượu đầu tiên, mẹ Nathalie bệnh nên nàng là người đại diện, sau đó đến các già làng rồi mới đến nữ chủ nhân của gia đình, lại đến người trong dòng họ. Rồi tất cả mọi người nhập tiệc, chủ khách cùng uống rượu vui vẻ. Những ché rượu cần được cắm những ống hút bằng nứa cong cong thật đẹp mắt. Khi rượu đã vơi thì nước suối lại được châm vô, phải nói cái hay của rượu cần là ở chỗ rượu không bao giờ hết, uống hoài có hoài. Tôi cũng được mời tham gia, tôi thấy rượu cần nước đầu rất ngon, thơm và không mạnh nên người ta có thể uống cả đêm là vậy. Qua những lần châm nước sau thì rượu nhạt dần đi và những ché rượu mới lại được mang ra.
Về đêm, khi âm thanh đã lắng dịu, các cô gái, các chàng trai bắt đầu ca Adray, là loại dân ca trữ tình được đệm bằng khèn và sáo. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy Nathalie thổi sáo rất hay. Tiếng ca của thanh niên nam nữ hoà quyện cùng âm thanh trầm bổng khèn sáo giữa núi rừng thanh vắng thật mê hồn người.
Rồi khi trời về khuya, là giờ kể Khan, tức là Trường Ca Sử Thi của người Êđê, như Khan Dam San, Khan Dam Thi… Thường chỉ có những già làng mới thuộc những Khan nầy, nhưng hôm đó, Nathalie đã được yêu cầu kể Khan cho mọi người và nàng đã kể rất hay, dựa vào sự say mê, cuốn hút mọi người mà tôi biết dù là tôi không hiểu. Đặc biệt là tiếng chiêng được đệm vào trong lúc nàng kể chuyện. Tiếng chiêng lúc trầm, lúc bổng lúc nhanh lúc chậm tùy theo từng đoạn Khan: “đánh cho khỉ trên cây cũng phải rơi xuống đất, cho quân thù phải sợ hãi chạy mất, cho voi kia cũng phủ phục quanh mình…”, tiếng chiêng quả đã ăn nhập thâm sâu vào văn hóa, tâm trí, tư tưởng người Êđê.
Mà quả thật, giữa chốn núi rừng cô quạnh, chỉ có âm thanh của cồng chiêng mới vang vọng, ngân rền mãi xa để thông linh, giao hòa cùng trời đất, giúp con người không cảm thấy đơn độc, nhỏ nhoi giữa thiên nhiên kỳ vĩ.
Mỗi tiếng cồng vang lên, tôi lại thấy tâm hồn mình như bay bổng hòa nhập cùng trời đất…
Ở nơi đây, tôi hầu như quên hết thời gian, cái đồng hồ cũng trở nên vô tích sự và tôi đã bỏ vào túi xách. Mới đó mà đã gần hai tuần lễ, ngày vui thật qua nhanh!
Nathalie cho tôi biết là sắp tới ngày hội Krôn Phia, là ngày hội cầu được mùa, được tổ chức vào đầu tháng sáu âm lịch. Người Êđê không ăn Tết năm mới như người Việt mà lại tổ chức những lễ hội theo thời vụ mùa màng, Lễ hội cúng nước, Lễ hội cầu mùa, Lễ ăn cơm mới…
Những người trong buôn dần cũng đã biết tôi, hầu hết mọi người đều rất vui vẻ và thân thiện với tôi. Cũng có khi Nathalie bận việc gì đó, tôi đi lang thang một mình, ai gặp tôi cũng đều niềm nở mời tôi vào nhà uống cà-phê. Tôi thường thích nhất là đi xem họ dệt thổ cẩm và làm đồ gốm. Tôi thấy người Êđê rất khéo tay và có nghệ thuật thẩm mỹ khá cao. Chỉ vài nét khắc vẽ đơn giản là những bình, hũ… của họ đã nổi bật lên đẹp mắt.
Hôm đó, Nathalie đi công việc đâu đó, tôi ra đồng tham gia bắt cá và cũng tóm được ít con hí hửng xách về. Bước vào nhà, chút nữa tôi té ngửa – Một cô đầm tóc nâu vàng đang ngồi uống cà-phê nơi phòng khách! Cô nhoẻn miệng cười và xổ ra một câu …tiếng Việt:
– Chào anh!
– Chào…, tôi lúng túng không biết phải gọi là gì.
– Em là Estelle, em của chị Nathalie.
Thì ra là nàng, Nathalie có cho tôi biết nàng còn một người em gái học ở tỉnh. Nhưng tôi không ngờ Estelle lại giống như một cô đầm thứ thiệt như vậy, điều này làm tôi thật là thắc mắc.
( Trích tiếp phần cuối HƯƠNG RỪNG CAO NGUYÊN của Nguyễn Đức Diêu)