Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Trên đường ra tỉnh...


Em tôi giờ ở Sài gòn
Hương đồng gió nội biết còn nhớ không ?
HOA MUỒNG TRÂU
(Ảnh chụp qua đtdđ ở đoạn đường qua Quỳnh Ngọc)
Lá Muồng trâu giã nát với tí muối hoặc giấm để thoa, đắp ngoài da, trị vết thương lở loét, nấm da (lác đồng tiền, lang ben, nước ăn chân…) hoặc trị chứng dời leo (zona), mụn rộp... rất hiệu quả (ngày thoa 2 - 3 lần, trong 3 ngày)

BAN MÊ MÙA GIÓ VỀ

BAN MÊ MÙA GIÓ VỀ
Tôi yêu nơi này, vì đây là nơi tôi sinh ra, lớn lên, là nơi cho tôi những xúc cảm mãnh liệt nhất, nơi này đã tặng cho tôi những cảm xúc, những giác quan, những cảm nhận đặc biệt cho cá nhân tôi, nơi này là nơi ba mẹ tôi đã gặp nhau, là nơi họ bám trụ, đổ mồ hôi, gây dựng nên gia đình, nơi họ nuôi anh chị em tôi lớn, nơi này là nơi tôi có những kỷ niệm đặc biệt, bước đi đầu tiên, lần đầu tiên đi học, lần đầu tiên bị điểm kém, lần đầu tiên biết hái cà, lần đầu tiên biết đi xe đạp,.......Vô số những cảm xúc dâng trào trong tôi lúc này, không biết làm sao có thể diễn tả, có lẽ chỉ những ai như tôi, lớn lên ở đây mới có thể hiểu hết được......
Tôi đang nghĩ, liệu bây giờ có bao nhiêu người như tôi, đang nằm nghe gió thổi và rồi hồi tưởng lại quá khứ đã qua, rồi tự mỉm cười với mình, cảm thấy mệt mỏi tan biến, chỉ lặng im, nằm nghe gió rít qua cây cối, qua khe cửa, có lẽ, còn có người điên giống như tôi đã từng điên đó là ra hẳn ngoài sân, ngồi nghe gió thổi, ngồi ngắm trời đất, ngồi đó cho gió ào ào ôm lấy mình.....
Nơi này lúc nào cũng thế, luôn có 1 cách riêng khiến ta không muốn rời xa....
(Trích trong tản văn "Buôn ma thuột, mùa trở gió" của Đơn Ngư đăng trên GƯU.VN)

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

CON CHỮ NGÀY XƯA

CON CHỮ NGÀY XƯA
...
Chúng tôi học chung với các bạn người Thượng, người họ luôn có mùi "khét nắng và hôi trâu" nhưng hiền lành và hay làm cho tôi những chiếc xe bằng đất sét, bằng những trái sung rừng.
Hằng ngày chúng tôi chào cờ và hát quốc ca: này công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng...đồng lòng cùng đi,hy sinh tiếc gì thân sống...
Tôi chuyển ra trọ nhà dượng Năm sát quốc lộ, cứ cuối tuần dượng chở tôi về thăm nhà bằng chiếc xe đạp hiệu Urago ... cho đến khi làng tôi có người con trai độc nhất của cụ Hương Bộ mở lớp dạy học, thầy tên Sang, một phòng học là cái "nhà làng" thầy dạy luôn 3 lớp nay kêu là"three in one", học trò là con em trong làng, ngày học hai buổi, chủ nhật chúng tôi được "sổng chuồng" đi chăn bò cho ba sau khi mở cày , ý tôi muốn nói hồi đó đi học rất sợ và kính thầy, ra đường gặp người lớn phải chào hỏi, dẫn giúp cụ già qua đường ,có thể nói về học làm người ,học "công dân giáo dục" rất kĩ, đúng là TIÊN HỌC LỄ,HẬU HỌC VĂN.
Thầy xưa đã là người "thiên cổ" , bạn bè tôi vài người vì ác bệnh ,vì chiến tranh cũng đi vào miền miên viễn, nhưng tất cả luôn giữ cái lề: NHÂN, NGHĨA, LỄ.
Thường muốn đánh giá dân trí của một quốc gia người ta xét nhiều yếu tố nhưng tri thức và đạo đức là hai tiêu chuẩn trên hết, nghĩa là câu châm ngôn: "Tiên học lễ, hậu học văn." Sẽ và mãi đúng cho người có học, cho người vì điều kiện nào đó không được ngồi ghế nhà trường nhưng luôn muốn hoàn thiện nhân cách, tri thức mình trong những môi trường thiếu trường, vắng lớp.
Mỗi mùa tựu trường nhìn học trò vui bước tới trường tôi lại nhớ giọng thầy Nguyễn Văn Phan dạy tôi năm lớp Nhì cất lên trong giờ chính tả của buổi học đầu năm :
"Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây trôi bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...”
Dòng văn của nhà văn Thanh Tịnh là nhát rìu sắc ngọt chém sâu vào ký ức những ai từng may mắn được cắp sách tới trường, lòng thương nhớ khôn nguôi thuở làm học trò... bạn ơi có phải những ngày đẹp nhất là thời đi học?
Sài Gòn nắng tháng tư.
N.C.M

CÔ GIÁO Ê ĐÊ

CÔ GIÁO Ê ĐÊ
Hai mươi năm về trước, khi mà Tây Nguyên vẫn còn hoang sơ lắm, cái thời mà những con đường vẫn là đất đỏ và hai bên là rừng rậm. Ở một ngôi trường bé nhỏ nằm trong Buôn có một cô giáo đang tận tụy dạy trẻ con đọc từng chữ Ê - A. Điều đặc biệt là cô sử dụng song ngữ Ê đê –Việt để dạy vì các em đồng bào chưa hiểu gì về tiếng Kinh.
“Chữ M như cái cào mà bố mẹ đi làm ruộng, chữ O tròn như quả trứng gà” , giọng cô sang sảng vang lên. Đôi mắt học trò tròn xoe đầy thích thú . Nói tiếng Việt một lúc bọn trẻ lại lơ ngơ như “vịt nghe sấm” , Cô lại phải giải thích bằng tiếng Ê đê. Cứ như thế buổi học kéo dài cho đến tận trưa khi mà bụng Cô và trò đã đói meo.
Là những người đầu tiên vào Buôn dạy học sinh đồng bào nên Cô gặp không it khó khăn, những ngày đầu học sinh nghỉ học hàng loạt vì bố mẹ bắt đi rẫy. Cô phải dến từng nhà để giải thích, tư vấn cho gia đình và gọi học trò đến lớp với mình. Có khi Cô phải lên tận rẫy để gặp học sinh và khuyến khích các bạn đến trường. Nhiều phụ huynh tỏ ra khó chịu và xúc phạm đến Cô vì họ chưa hiểu hết về tầm quan trọng của “Cái chữ”. Bằng lòng nhiệt huyết và trái tim nhân hậu Cô đã thuyết phục thành công nhiều trường hợp bỏ học quay lại với ghế nhà trường.
...
Lớp một của tôi ngày đó cũng rất đặc biệt với học sinh nhiều lứa tuổi khác nhau. Có người tuổi thanh thiếu niên , có người đang trong độ tuổi lơ lớ đổi giọng. Có người địu em sau lưng để đi học vì ở nhà không có ai trông em, có khi hai ba anh em học cùng một lớp… Nhưng có một điểm chung là một khi đã vào lớp thì ai ai cũng chăm chú nghe cô giảng.
Cô dạy đánh vần, tập đọc rồi làm Toán. Ngày đó mỗi học sinh được phụ huynh làm cho một bó que ( giống như bó đũa) để tập đếm. Mỗi giờ học toán là lại đếm que… Còn cô thì lúc tiếng Ê đê, lúc tiếng Việt giải thích cho chúng tôi hiểu.
...
Biết bao thế hệ đi qua, cứ mỗi năm là cô lại nhận học trò mới…gặp lại trò cũ chắc Cô cũng không nhận ra, có đứa đã bộn bề con cái, có đứa đang làm ăn phương xa, có đứa còn đang ngồi trên giảng đường Đại học… Chỉ còn Cô vẫn ngày đêm làm chiếc cầu đưa học trò đến bến bờ tương lai…
Bây giờ Cô tôi đã về hưu, mắt Cô đã mờ,tóc Cô đã bạc trắng…cũng đã hai mươi năm rồi còn gì? Mỗi khi 20-11 đến là tôi lại nhớ những bài dạy của cô, những động tác nắm tay và chỉ tôi viết từng chữ bẻ đôi, những giọng nói sang sảng khi cô dạy Toán, hay giọng hát thánh thót như chim Kơ tia trong gió khi cô tập hát cho chúng tôi… Giờ không biết phải nói gì để tỏ lòng thành với cô đây? Chỉ biết nói hai từ “Cảm ơn” tự đáy lòng của học trò này! Chúc Cô mạnh khỏe và nhiều niềm vui nhé! Một lần nữa xin cảm ơn cô giáo Ê ĐÊ của tôi!
(Trích đoạn trong CÔ GIÁO Ê ĐÊ của Y NIONG)

LÁ THUỘC BÀI

LÁ THUỘC BÀI
...
Mình không muốn nghĩ nhiều đến chuyện này nữa, vì càng nghĩ mình càng thấy thiếu kém, thua sút nhiều đứa bạn khác. Ngày mai có môn Công dân, không đến phiên mình trả bài nhưng mình vẫn phải học chứ! Ba đã dặn là dù không trả bài, không làm bài kiểm, mình vẫn không được bỏ quên, vì mình học cho mình mà. Bé Ba, bé Tư đã ngủ say. Má vẫn chưa về. Nhưng tối nay mình không thấy rã rượi mệt mỏi như bao đêm khác. Tự nhiên mình thấy tỉnh táo, và tìm gặp một sự an ủi lớn – là vì mình thấy cái lá thuộc bài trong sách của mình. Cái lá không có gì đặc biệt, trừ màu xanh rất đậm. Thế mà Thảo nói với mình rằng nếu ép lá vào vở mình học bài sẽ mau thuộc như Thảo vậy. Thảo dễ mến ghê đi. Thảo đến gần mình khi mình còn đang khóc thút thít. Giọng Thảo thật êm, thật ngọt: “ Mai nè, Thảo có cái này tặng ấy, ấy nhận nghen. Cái lá này, Thảo hái ở dọc đường, ép trong sách lâu ghê rồi. Người ta gọi là cái “lá thuộc bài” đấy. Thảo ép nó nên Thảo học bài mau thuộc ghê. Ấy thử ép vào sách xem sao nhé!”. Không biết có một cái gì làm mình thấy mến Thảo quá, giống như hai đứa đã là bạn với nhau từ lâu. Mình mắc cỡ ghê, mình chả biết nói gì với Thảo, vì nước mắt nó cứ chảy ra hoài – chắc là xấu lắm. Mình run run cầm cái lá, ép liền vào sách. Chỉ nói được hai tiếng “cám ơn” rồi mình vụt ôm cặp chạy liền. Ôi chao, mình vừa thẹn, vừa sung sướng.
...(Trích theo "Lá Thuộc Bài" của Nguyễn Thị Mỹ Khanh trên Blog Tuổi Hoa và hơn thế nữa)
...
Giữ lại nhành lá , cô trả vở và đứng dậy tỏ ý kết thúc phần kiểm tra bài. H’Rơm nhẹ nhõm nhưng nỗi xấu hổ khiến em không dám ngẩng nhìn ai nhất là đám mấy đứa con trai hay đùa ác.
“Lá này có tên là thuộc bài. Đẹp quá phải không các em ?” Khác hẳn mấy giây trước đó, cô Mai sôi nỗi hẳn, giọng nói vốn đã trong càng thánh thót hơn .
“Ai biết lá có từ đâu ?” Cô bước khỏi bục, hỏi.
Cả lớp nhìn nhau ngơ ngác. Chả lẽ cô không biết lá có từ cây! Mà cây thì mọc trên đất. Hay cô định đố gì đây. Chỉ vào nhỏ Hương cô hỏi lại câu hỏi kỳ cục một lần nữa.
“Thưa cô, từ cây ạ!”
“Cây có từ đâu?” Chỉ vào thằng Tý đang lén che miệng cười, cô lại hỏi.
“Thưa cô … Từ ….đất ạ” Tý đứng dậy mặt đỏ vì nín cười, lúng búng trả lời. Chợt nhớ ra nó tiếp luôn một hơi như sợ quên.
“Thưa cô. Cây mọc từ đất. Cây sinh ra cành, nhánh. Từ cành nhánh sinh ra lá, hoa. Hoa sinh ra trái. Trái có hạt. Đem hạt gieo xuống đất ta lại có cây ạ! Ngoài ra cây cũng có thể sinh từ một ….”
Tý lúng túng, nó không biết phải gọi là gì khi nhớ ra cây khoai mì mọc từ một khúc cây mì khác, hoặc cây lá bỏng mọc từ một lá bỏng khác và càng hết sức lúng túng khi cả lớp cười rần rần trước kiến thức về môn sinh học mà thường ngày nó rất tệ được trình bày một cách ngon ơ .
“Bạn Tý nói rất đúng”
Cô Mai lên tiếng chặn bốn chục cái miệng đang lợi dụng cơ hội để ngoác hết cỡ mà cười rung lớp học không chừng sẽ bị ban giám hiệu phê bình .
“Vậy muốn cây có nhiều quả thì ta phải làm gì?”
“ Ô hay. Cô Mai của chúng em ơi!” Cả bốn chục cái đầu thầm nghĩ và chúng đồng thanh nói thầm bằng ánh mắt đắc chí. “ Phải chăm bón, tưới nước cho cây chứ còn sao nữa. Quanh đây nhà nào chẳng trồng cà phê. Cô không thấy sao “
“Cô biết các em định nói gì rồi. Vậy cô hỏi cả lớp, điểm học tập là cây hay quả?”
Cô Mai gây bất ngờ thêm . Ừ nhỉ. Bốn chuc bộ óc lại bị khuấy động. Cây hay quả? Quả hay cây? À. Phải rồi. Điểm được ghi vào mục kết quả học tập. Vậy điểm học tập là quả rồi chứ còn gì nữa. Vậy học trò cũng là cây luôn.
Bốn chục cái miệng, không – ba chín thôi vì H’Rơm bận há ra thích thú, đồng thanh reo:
“Quả. Quả.Quả.”
“Thế là các em đã hiểu. Điểm học tập của ai là thứ quả do ngươi đó quyết định. Ai thông minh chăm chỉ thì quả tròn đẹp. Ai chậm trí mà không cần cù hoặc mải chơi thì quả nhỏ, lép. Phải vậy không các em?”
Giơ cao cánh lá mỏng manh cô Mai tủm tỉm:
“Chiếc lá thuộc bài tự kể chuyện mình. Đó là đề bài làm thêm cho tiết tập làm văn tuần đến mà cả lớp cần chuẩn bị. Nghe chưa?”
Hướng về phía H’Rơm cô cười ý nhị. Em ngượng quá, cúi mặt chẳng dám nhìn cô nhưng bụng nói với cô rằng “Còn em. Em sẽ kể chuyện cô giáo dạy văn của em. Thưa cô”
Cô Mai không hề hay biết rằng nhỏ Hải và nhỏ Hạnh đang len lén thả ra khỏi mấy cuốn vở những nhành lá mỏng manh như lá cô đang cầm trên tay với vẻ nâng niu dường kia. Những lá thuộc bài chao nhẹ xuống gầm bàn đậu lại chân H’Rơm.
Em cúi nhặt, tự nhủ “ Mình sẽ giữ mãi, nhưng không phải để dễ thuộc bài./.
(Trích trong truyện ngắn LÁ THUỘC BÀI của Tôn Nữ Ngọc Hoa trên Blog Đọt Chuối Non)

BÓNG DÁNG NGƯỜI THƯỢNG

Bóng dáng người Thượng...
Nối dây là một phong tục của người Tây Nguyên và các dân tộc ít người sống dọc dãy Trường Sơn, bảo nó lạc hậu cũng được mà bảo nó... nhân văn cũng xong. Nó là sản phẩm đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Nếu chẳng may mà vợ chết đi (mà điều này rất hay xảy ra ở thời Tây Nguyên còn lạc hậu, và phụ nữ khi sinh nở bắt buộc phải vào rừng tự làm chòi để sinh một mình, nhiều khi cả tuần chưa thấy về, vào tìm thì cả mẹ và con đã chết tự hồi nào), thì một người trong nhà vợ, chủ yếu là em vợ, nhưng nếu không có em thì đành phải một người khác, có khi là chị, dì, cháu..., may mắn thì ít tuổi hơn, còn không thì nhiều tuổi hơn, bao nhiêu mặc kệ, được cử ra để nối dây.
Chế độ mẫu hệ đề cao vai trò và quyền lực của người phụ nữ, và như thế, người chồng trở thành vật sở hữu của người vợ và dòng họ bên vợ. Tất nhiên là một "vật sở hữu" sang trọng chứ không phải như đầy tớ trong nhà. Ngoài việc hầu như anh ta "không được" quyết định điều gì, thì đồng thời anh ta cũng "được quyền" không phải lo lắng điều gì trong nhà. Đi rẫy (Công việc chính của người dân tộc ở Trường Sơn - Tây nguyên) thì người vợ phải địu con (trước ngực) và gùi đồ sau lưng, người chồng đi không, thậm chí vừa đi vừa véo von ca hát. Về nhà: Giã gạo, vợ, xuống suối lấy nước, vợ, nấu cơm, vợ, đến đẻ cũng một mình người vợ tự hành bằng cách lặng lẽ vào rừng sâu, làm một cái chòi, tự đẻ, bao giờ con cứng, mẹ khỏe thì về. Mười ca như thế thì đến sáu bảy ca mẹ không tròn, con không vuông. Người chồng đi rẫy cùng vợ về là xếp bằng uống rượu và... say. Chao ôi, kể ra thì cũng "mất quyền tự chủ" một tí nhưng... sướng. Nhìn các ông chồng bây giờ mà... thương. Vừa "mất quyền tự chủ", vừa phải hùng hục kiếm tiền, làm tất cả mọi việc thượng vàng hạ cám trong nhà, thế mà hễ cứ đàn đúm với bạn bè một tí là mắt phải mắt trái đảo như rang lạc liếc vợ xem "nó" cười hay "nó" nhăn. "Nó" trở thành hàn thử biểu cho mọi quan hệ ứng xử của chồng. Khổ không dám kêu khổ đã đành mà sướng cũng không dám kêu sướng thì mới đau thương (như khi xem bóng đá lúc hai giờ sáng chẳng hạn. Muốn reo lắm nhưng liếc thấy "sư tử" đang say giấc đành nuốt cục sướng vào bụng, tự lấy tay thụi vào đùi cho... đã thèm).
(Theo Nguyên Ngọc trong CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐÃ ĐI QUA CUỘC ĐỜI ANH HÙNG NÚP)

MÙA HOA DÃ QUỲ



Mùa hoa dã quỳ
Tranh vẽ HOA DÃ QUỲ của Trần Thị Thôn (thbmt 67-74) .
Ban mê rực rỡ dã quỳ
Hóa thành bức họa tình si riêng người
Vàng hoa để lại cho đời
Nửa nghiêng bóng núi, nửa vời đam mê
Kim Hương (thbmt 67-74)

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

HOA MUA RỪNG

HOA MUA RỪNG
"Bông mua ai bán mà mua, mẹ không gả giá cho vừa lòng quan…"
Hoa mua nhìn bề ngoài trông giống hoa sim lắm nhưng nếu bạn là người sinh ra từ những vùng quê thì khó mà có thể lẫn được. Mua mang vẻ đẹp thuần khiết và đơn giản của một loài hoa dại.
Cây mua có tên khoa học là Melastoma candidum. Người Trung Quốc, người Nhật Bản gọi hoa mua là mẫu đơn dại (dã mẫu đơn). Hoa mẫu đơn là loại hoa quý phái cung đình, còn hoa mua là loại hoa dân dã núi rừng.
Thân cây thấp, cành cây chỉ như những chiếc bút chì dài. Lá cây màu xanh nâu, nhỏ bằng nửa bàn tay. Vậy mà cây lại nở những bông hoa thật nhã nhặn: cánh hoa màu tím biếc, chen vào giữa là màu vàng tươi của nhị. Trong những loài hoa ở đây, hoa mua là loài hoa đẹp nhất! (Theo Hoa Sài Gòn online)
Hoa Mua
Tác giả: Thanh Trắc Nguyễn Văn
Ngày xưa hai đứa chiều chiều
Rủ nhau chơi hái thật nhiều hoa mua
Hoa mua em bán tôi mua
Tiền là lá rụng cuối mùa vàng bay
Rồi tôi kết lá thành dây
Kết hoa vào lá,kết ngày vào đêm
Kết thành hoa cưới trao em
Vòng hoa tím mái tóc mềm bến sông
Cô dâu cười ửng má hồng
Dắt tay chú rể chạy rong khắp làng…
Sao giờ mây trắng sang ngang
Hoa mua nở tím rụng sang tay người
Thuyền còn một bóng trôi xuôi
Tình còn một đám lá rơi giữa dòng
Mẹ buồn đám cưới em đông
Xe hơi chín chiếc, qua sông chín đò…
Ngược thuyền về với tuổi thơ
Bến sông vẫn tím đôi bờ hoa mua
"Hoa mua ai bán mà mua"
Để tôi vớt lá tìm mùa thu xa?
(Tập thơ Hoa Sứ Trắng - NXB Đà Nẵng 1997)

HOA SIM TÍM

HOA SIM TÍM
"Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ..."
Ai đã một lần nhìn thấy hoa sim, không quên hoa. Nó xinh và nở dễ dàng. Hàng giậu, triền đá, nương rẫy, bờ sông, nhà ga, bến đò… Tím từ Lai Châu tím qua, tím từ Kontum tím lại. Cánh hoa đơn, rất mỏng. Gió tạt ngang, hoa lung lay. Nhụy vàng nhụy tím vươn lên như tóc cô tiên. Dưới nắng màu hoa long lanh. Hoa trong “Màu tím hoa sim” là hoa mua hay hoa sim, màu tím đỏ hay tím Huế, tím cà hay tím hồng? Màu nào cũng biêng biếc đẹp. Với Hữu Loan, màu hoa trong thơ là màu của “ngày xưa, nàng thích màu hoa sim tím”.
Từ 1957, chương trình thi văn của ban Tao Đàn trình bày bài thơ nhiều lần trên đài phát thanh Saigon. Giọng Huế Tô Kiều Ngân u hoài, bi nhưng không thảm, sầu nhưng không luỵ. Thật tiếc, sau ông, không có giọng nào gần bằng.
Có thể ở một dân tộc khác, một hoàn cảnh khác, một thế hệ khác, người ta không yêu bài thơ ấy đến thế. Năm 1954, đất nước vừa chia đôi. Người Bắc di cư tưởng chỉ mang theo vài tay nải may quàng. Có ngờ đâu, trong ấy cả thơ nhạc ca dao, cả văn hoá sông Hồng. Dù ông lão nhà quê hay thiếu nữ thành thị, cái nết của người Bắc là quyến luyến với tất cả những gì mang hơi hướng quê hương ấy...(Trích đoạn trong "TẢN MẠN VỀ MÀU TÍM HOA SIM" của Trần Thị Vĩnh Tường)
Vâng. Ngày xưa, nàng thích màu hoa sim tím. Màu đó, khi người con gái hậu phương đã chết, trở thành màu của nhớ thương, đau đớn. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt. Đúng, chuyện tình trong Màu Tím Hoa Sim là có thật. Một phần cũng nhờ đó mà bài thơ làm người đọc xúc động và nhiều người đã mê Màu Tím Hoa Sim. Nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, khi chia ly ướt đẫm những trang thơ, bao người đi không về. Thêm vào đó là tình yêu nước tạo thành một thời của văn chương gọi là “lãng mạn cách mạng”. Có thể nói cả một thế hệ học sinh những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước, và cả sau này rất lâu, đều thuộc lòng bài thơ và yêu màu tím đến da diết. Từ đó, màu tím trở thành màu của thơ và nhạc suốt cả một thời kỳ dài. Này, em thương yêu, nhớ không màu tím lãng mạn quý phái của Đinh Hùng và Đan Thọ – “Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài sầu trên phím đàn, mưa rơi quan san…” – trong Chiều Tím; rồi màu tím mang chút hồn bụi bặm của thời đại – “Gió heo may đã về / Chiều tím loang vỉa hè / Và gió vương tóc thề...”- trong Nhìn Những Mùa Thu Đi của Trịnh Công Sơn; và cuối cùng là màu tím của đổ vỡ đau đớn – “Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt”- trong Nửa Hồn Thương Đau của Phạm Đình Chương... ( Trích theo "Tím hoa sim, tím hoa mua và tím hoa sage" của Tâm Hư)

PHỤ NỮ Ê ĐÊ

PHỤ NỮ Ê ĐÊ
(Ảnh "Thiếu nữ Ê Đê" - Trịnh Việt Hùng.)
Xã hội truyền thống của người Ê Đê là xã hội mẫu hệ với quan niệm thể hiện trong tổ chức xã hội dòng họ, chế độ thừa kế tài sản cũng như trong hôn nhân, gia đình thuộc về dòng họ nữ (hay còn gọi là dòng mẹ). Trong xã hội người Ê Đê truyền thống, phụ nữ chủ động cưới chồng, đàn ông cư trú phía nhà vợ, con cái thuộc dòng mẹ, mang họ mẹ,...
...
Người Ê Đê quan niệm chị cả như là mẹ và chồng của chị cả như là cha. Và vì vậy, nếu cô gái nào không hoàn thành vai trò của mình trong gia đình thì sẽ bị gia đình từ bỏ, cộng đồng cười chê. Và vì vậy, cuộc sống của người phụ nữ muốn được ổn định, sung sướng thì cần có hai người đàn ông bên cạnh: một là người chồng để nuôi sống gia đình và hai là anh, em trai (dam dei) là người cố vấn trong cuộc sống. Do vậy, dam dei chính là những người đại diện cho dòng họ mẹ để đi hỏi chồng cho các cháu gái, thương lượng hòa giải nếu xảy ra tranh chấp, kiện tụng dính líu đến mẹ hoặc các chị em gái của mình.
Tuy vậy, theo quan niệm của người Ê Đê, những hành vi sai trái do người đàn ông thực hiện là do anh ta không được giáo dục chu đáo bởi dòng họ anh ta. Vì thế, người phụ nữ Ê Đê lại phải có trách nhiệm khá lớn về hành vi, thái độ của các dam dei, khi họ còn độc thân cũng như có gia đình. Luật tục quy định rõ gia đình vợ hoàn toàn không chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái của con rể, ngoại trừ trường hợp chàng rể đi ăn cắp để nuôi vợ con. ( Trích theo Thiết chế gia đình mẫu hệ Ê Đê trong bối cảnh kinh tế, văn hóa - xã hội của người Ê Đê hiện nay đăng trên Tạp chí Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên số 3/2012 )

Phận Người Buôn Trấp...

Phận Người Buôn Trấp...
...
Nhưng trong bài hát này có một câu làm tôi phải suy nghĩ, đó là “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Không biết rõ tác giả định nói gì ? Chắc chắn phải có một ý nghĩa thâm sâu . Tuy không hiểu hết ý nghĩa của nó, nhưng nó giúp tôi nảy ra một ý nghĩ : người chết nối linh thiêng vào đời vì thực tại cái chết là một thực tế đặt con người đứng trước một cái gì huyền bí, đáng sợ, và khi đứng trước thi hài người chết, ai ai cũng phải đối diện với cái ý nghĩ này : nay người, mai ta. Và tôi muốn nói với bạn :”Hodie mihi, cras tibi” : nay tôi, mai anh. Tôi chết, anh còn sống, nhưng còn sống đối với anh chỉ là “chưa chết”. Anh chỉ được “triển hạn”, chứ không bao giờ được “miễn trừ”.
Với những ý nghĩ như vậy mà chúng ta thường im lặng , trầm mặc đứng trước người chết, nhất là đứng trước thi hài một người thân yêu của mình. Chúng ta im lặng, trầm mặc và buồn sầu, không chỉ vì người thân yêu không còn nữa, mà còn vì nghĩ đến cái chết sẽ xảy ra cho mình. Người chết như mang theo phần nào chính chúng ta. Trong người chết, nhất là những người ruột thịt máu mủ của chúng ta, một phần ruột thịt máu mủ của chúng ta đã ra đi.
...
Theo tâm lý chung, người đời ai cũng “tham sinh úy tử” (ham sống sợ chết). Người ta cũng nhận xét rằng : các cụ già thường sợ chết hơn các thanh thiếu niên. Nhưng có một điều thực tế : không bao giờ người ta thấy mình sống lâu cả. Dẫu đã tóc bạc da đồi mồi, đi không vững, đứng không ngay, cũng còn thấy như mới bước chân vào đời ngày hôm qua vậy :
Nhớ từ năm trước vẫn thơ ngây,
Thoát chốc mà già đã tới ngay
(Nguyễn Khuyến)
...
Phải tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Có người không biết tại sao mình sống, rồi sẽ ra sao ! Cho nên họ có cái nhìn bi quan về cuộc sống bởi vì họ không tìm ra được lẽ sống.
Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá thất tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nào. Bộ sách mà ông thèm khát được đọc là bộ “Lịch sử loài người”. Nhưng vì bận rộn không có thì giờ đọc nên đã nhờ các nhà thông thái nghiên cứu và rút gọn lại trong một câu cho vua dễ nhớ và để làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Sau một thời gian, ban tu thư đã trình lên vua một câu vắn tắt :”Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ : loài người sinh ra để khổ rồi chết”. Nhà vua gật đầu. Đôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở một nụ cười mãn nguyện… rồi tắt thở.
...
Lm Đinh lập Liễm (gx Kim Phát, Đà Lạt)


Ngược dòng Krông Knô... NUÔI CÁ TẦM

Ngược dòng Krông Knô...
NUÔI CÁ TẦM
Cách thành phố Buôn Ma Thuột một trăm cây số về phía nam, gần quốc lộ 27 có mặt hồ xanh biếc. Hồ thủy điện buôn Tuôr Srah, hình thành từ con đập chặn dòng sông nhánh Krông Nô. Nơi đây đang có giàn bè 50 lồng cá tầm của Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam được chăm sóc bảo vệ ngày đêm.
Vượt qua chuỗi cầu phao bập bềnh, chúng tôi chứng kiến cảnh công nhân vợt cá từng lồng lên cân để kiểm tra sức khỏe cá theo định kỳ. Mỗi lồng nuôi hơn 300 con cá cùng lứa, từ đôi ba cân đến hàng chục cân mỗi con. Ông Nguyễn Văn Dương Trưởng trại cá tầm Tuôr Srah cho biết: 16.000 con cá tuổi từ năm tháng đến ba năm đưa từ Đà Lạt về đây nuôi, chuyên gia siêu âm từng con để biết đực, cái, xong rồi phân loại dành cung cấp cho nhà hàng, siêu thị hoặc quay lại Đà Lạt để ươm trứng, thụ tinh và nhân giống.
Người lao động trên giàn bè phần lớn là người Êđê, M’Nông, Thái đến từ các buôn làng tái định cư đã nhường nương rẫy cho dự án thủy điện. Với mức lương ba đến năm triệu đồng mỗi tháng, nhiều ca trực trong ngày được phân lịch cụ thể để cho cá ăn, theo dõi chất lượng nước, lặn kiểm tra lồng, vệ sinh thay lưới.
...
Cho đến nay, Tổng công ty CP Cá Tầm Việt Nam đã có sáu công ty thành viên chuyên nuôi cá tầm trên các mặt hồ thủy điện. Tổng Giám đốc Lê Anh Đức cho rằng, các hồ thủy điện với diện tích khổng lồ, dòng chảy lưu lượng hàng trăm m3/s cùng nhiệt độ nước mát mẻ trên các vùng cao nguyên Việt Nam là môi trường tuyệt diệu cho hàng triệu con cá tầm đến từ miền băng tuyết thỏa sức sinh trưởng. Trên thị trường thế giới hiện nay, giá bán buôn cá tầm từ 8.000-12.000 USD/tấn. Trứng cá tầm tùy loại, dao động từ 1.000- 10.000 USD/ kg mà cung vẫn không đáp ứng đủ cầu. Đó chính là cơ hội để nghề nuôi cá tầm Việt Nam phát triển, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.
...
Nữ chuyên gia cá tầm người Nga Petrushina Tatiana khẳng định: Việt Nam có điều kiện tuyệt hảo để đầu tư mạnh mẽ cho nghề nuôi cá tầm. Mùi vị cá tầm Việt Nam thơm ngon không kém cá tầm Nga. Cùng kỹ thuật nuôi, mà tốc độ tăng trưởng của cá tầm ở VN lại nhanh gấp ba lần, còn thời gian nuôi cá cho trứng thương phẩm lại chỉ ngắn bằng một nửa so với ở Nga nên sản phẩm cá tầm Việt Nam chắc chắn giảm giá thành, lợi nhuận lớn...
(Trích đoạn "Trên nhà giàn nuôi cá tầm xứ tuyết" của Hoàng Thiên Nga )

Ngược dòng Krông Knô... Hồ Nam Kar trong sương sớm

Ngược dòng Krông Knô...
Hồ Nam Kar trong sương sớm
Hồ Nam Kar nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar thuộc tỉnh Đắk Lắk, cũng như một số hồ thủy điện khác, khi nước dâng sẽ có những cây lớn nhỏ "chạy không kịp" và sẽ bị chết tạo thành những cảnh quan đẹp rất phù hợp cho sáng tác ảnh. Khá nhiều chuyến đi phượt săn ảnh của những người ưa phiêu lưu và yêu cái đẹp đã mang lại những hình ảnh tuyệt vời từ khu vực này.
Được thành lập từ năm 1986, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar là một trong năm khu rừng đặc dụng của tỉnh Đắk Lắk, phần chính của khu bảo tồn nằm gọn trong toàn xã Nam Kar huyện Lăk.
Đây là khu bảo tồn có hệ động, thực vật, đất đai và cảnh quan vô cùng phong phú của các hệ sinh thái rừng nhiệt đới từ núi cao, gò đồi, thung lũng và đầm lầy, là vùng rừng đầu nguồn hợp lưu của hai con sông Krông Knô và Krông Ana (sông Đực và sông Cái) để tạo nên Sêrêpôk, con sông dài và đặc trưng nhất của Đắk Lắk.
...
Có lẽ, nhờ những nét hoang sơ, huyền bí như vậy nên Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar đã trở thành nơi rất hấp dẫn cho du khách khám phá, nghiên cứu, đặc biệt là những du khách nước ngoài yêu thích những tour du lịch sinh thái - văn hoá - dã ngoại. Đáp ứng nhu cầu đó của du khách, trong vài năm trở lại đây, Công ty Lữ Hành Cao nguyên Việt Nam đã tổ chức khai thác tour du lịch này dưới dạng trekking và homestay để giúp du khách thoả mãn trí tò mò và nhu cầu nghiên cứu khoa học.
(Nguồn: Daktra.com.vn)

Hồ Ea R' bin

Hồ Ea R' bin
Nằm ở tiểu khu 1072, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, cách trung tâm xã Ea Rbin khoảng 10 km. Để vào đến hồ, từ đường liên xã Nam Ka – Ea Rbin, chạy xe máy qua những cánh đồng lúa, ngô xanh ngát rồi đi bộ theo con đường mòn nhỏ chạy dọc bìa rừng đặc dụng. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là tiếng chim rừng ríu rít và bầu không khí mát rượi đặc trưng của những cánh rừng nhiệt đới.
Hồ rộng hơn 200 ha, nước trong xanh, xung quanh được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh tạo nên vẻ đẹp độc đáo sơn thủy hữu tình.
Để cảm nhận hết vẻ đẹp của hồ, phải khám phá bằng cách đi thuyền qua những vạt hoa súng, hoa sen trên mặt hồ và dừng chân trên các hòn đảo nhỏ nếm thử món cá nướng do những người làm nghề chài lưới vừa bắt được và ngắm toàn cảnh hồ. Đến giữa hồ, thả thuyền trôi nhè nhẹ, có cảm giác như lạc vào miền đất lạ còn nguyên sơ, yên bình, khách xa như cảm thấy mình quá bé nhỏ giữa thiên nhiên đất trời.
...( Trích đoạn "Thơ mộng hồ Ea R'bin"Theo báo Đắk Lắk
Du lịch, GO! )



Tác phẩm " Đôi Mắt " của Hương Vượng & Ca khúc " Sợ " của Minh Thụy.

Tác phẩm " Đôi Mắt " của Hương Vượng & Ca khúc " Sợ " của Minh Thụy.
Vì cuộc đời còn lắm khi mệt nhoài
Vây quanh ta năm tháng ôi còn dài
Bao năm qua tìm kiếm để làm gì
Và rồi mộng mơ như cuốn ta trôi xa
Làm sao quên ký ức từng ngày, còn đâu những ấu thơ vuột bay
Chỉ mong một khao khát cho ta qua từng ngày bình yên
Phải làm qua hết từng giờ, giờ có những đổi thay từng giây
Sợ nốt những ánh mắt khi đi qua từng người cứ dõi theo
Qua đêm nay chẳng còn buồn và còn như trong mơ
Chẳng còn sợ một mình ta bơ vơ,
Chạm mặt nhìn để đừng thêm ngu ngơ
Hơn phút giây ngồi thẫn thờ...