Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Tôi yêu tiếng nước tôi

Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi.
    
    Trong kho tàng văn chương bình dân của nước ta, ngoài những bài ca dao thắm đượm tình quê, những câu tục ngữ lý giải đời thường, những câu hò, điệu lý trữ tình, xao xuyến, chúng ta còn có những bài vè và đồng dao.  Trong bài viết này tôi chỉ muốn giới thiệu với các bạn những bài vè, đồng dao quê hương đã lớn lên cùng tuổi thơ của tôi.
    Vè là những bài có vần có điệu, mỗi câu thường có ba hay bốn chữ.  Có bài chỉ dăm ba câu như bài Lạy trời mưa xuống
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp,
Lấy nếp nấu xôi,
Lấy nồi nấu bánh.
Những con người lam lũ quanh năm chân lấm tay bùn chỉ ước muốn những điều thiết thực mà thôi.  Hãy lắng nghe mơ ước của một ông già:
Ông già quét nhà
lượm được đồng điếu
giắt ở lỗ tai
để mai đi chợ
đi mua dây nhợ
về buộc lồng chim
đi mua cây kim
đem về vá áo
đi mua con sáo
hót cho vui nhà
đi mua trái cà
để dành làm dưa
đi mua con cua
đem về làm chả
đi mua con cá
kho tiêu chặt đầu
đi mua miếng trầu
về nhai nhóp nhép
đi mua con tép
đem về nấu canh
đi mua trái chanh
đem về vắt nước
đi mua cây lược
đem về chải đầu.
    tưởng tượng một ông già đang thiếu thốn lượm được một đồng tiền nên mơ ước mua bao nhiêu là thứ.
     Có bài nguyên cả mấy chục câu, như bài Tập tầm vông dưới đây cho ta thấy hai cảnh đời trái ngược nhau.
Tập tầm vông
chị lấy chồng
em ở góa
chị ăn cá
em mút xương
chị nằm giường
em nằm đất
chị hút mật
em liếm ve
chị ăn chè
em liếm bát
chị coi hát
em vỗ tay
chị ăn mày
em xách bị
chị xe chỉ
em xỏ tiền
chị đi thuyền
em đi bộ
chị kéo gỗ
em lợp nhà
chị trồng cà
em trồng bí
chị tuổi Tý
em tuổi Thân
chị tuổi Dần
em tuổi Mẹo
chị kéo kẹo
em đòi ăn
chị lăng xăng
em ních hết
chị đánh chết
em la làng
chị đào hang
em chui trốn.
    Có tội nghiệp cho những người làm em không, khi mà tất cả những thứ ngon, đẹp tốt đều dành cho chị.
     Có những bài mang tính cách dí dỏm như bài Vè trái cây:
Ðậu ở trên mây
là trái đậu rồng
đủ vợ đủ chồng
là trái đu đủ
cắt ra nhiều mủ
là trái chuối chát
mình tựa gà ác
trái khóm, trái thơm
cái đầu chôm bôm
là trái bắp nấu
hình thù xâu xấu
trái cà dái dê
ngứa giãy tê tê
là trái mắt mèo
khoanh tay lo nghèo
là trái bần ổi
sông sâu chẳng lội
là trái mãng cầu
bù cổ, bù đầu
trái dâu, trái cách
cái bụng óc ách
là trái dừa tươi
gai góc đầy người
là trái mít ướt
sanh ở dưới nước
trứng cá ngon ngon
ăn thấy giòn giòn
là ổi xá-lị
u buồn, bi lụy
là trái sầu riêng
sánh với tay tiên
là trái phật thủ
tiền bạc đầy đủ
chính là trái sung
tóc mọc lung tung
là chôm chôm trốc
xù xì da cóc
là mãng cầu xiêm
nghe tên phát thèm
me chua, xoài tượng
ăn nhiều thì ớn
là lê-ki-ma (trái trứng gà)
có sọc, có hoa
đúng là trái vải
đẹp như con gái
trái hồng, trái đào
mắt sáng như sao
khác nào trái nhãn
hay ngồi hàng quán
trái cà (rà), trái lê (la)
làm dưa khỏi chê
cà non, cà pháo
chẳng biết gì ráo
trái bí không sai
gốc ở nước ngoài
trái nho, trái táo
nhai nghe rào rạo
đậu phộng, hột điều
đựng được thiệt nhiều
là trái bình bát
muốn ăn đập nát
trái lựu chớ chi
cho bú trẻ thơ
là trái vú sữa
còn nhiều nhiều nữa
ai biết xin mời
kể tiếp nghe chơi
cái vè cây trái.
    nghe mà thèm trái cây ở quê nhà quá phải không các bạn.
     Có những bài lạ lùng như bài Nam mô bồ tát:
Nam mô bồ tát
chẻ lạt đứt tay
đi cày trâu húc
đi xúc phải cọc
đi học thầy đánh
đi gánh đau vai
nằm dài nhịn đói.
    Người chi mà làm gì cũng hỏng cả, thiệt là đoảng
    Có những bài thật vui nhộn như bài Vè nói ngược:
Nghe vẻ nghe ve
nghe vè nói ngược
ngựa đua dưới nước
tàu chạy trên bờ
lên non đặt lờ
xuống sông bửa củi
gà cồ hay ủi
heo nái hay bươi
nước kém ba mươi
mồng mười nước dậy
ghe nổi thì đẩy
ghe cạn thì chèo
bớ chú nhà nghèo
cho vay đặc nợ
bớ chú nhà giàu
thiếu trước hụt sau
đòn sóc bửa cau
dao bầu gánh lúa
giã gạo bằng búa
bửa củi bằng kim
đốt đèn không tim
xỏ kim bằng lát
nhà lành dột nát
nhà rách không dột
ăn trầu bằng bột
gói bánh bằng vôi
giã gạo bằng nồi
nấu cơm bằng cối
ngày rằm trăng tối
mùng một sáng trăng
hai đứa lăng xăng
nấu chè bột tẻ.
    Tất cả mọi thứ đều ngược đi lại với lẽ thường.  Vè nói ngược mà.
    Có những bài vè rất hồn nhiên, mang nhiều ý nghỉ trẻ thơ, như bài Giung giăng giung giẻ
Giung giăng giung giẻ
dắt trẻ đi chơi
đến cửa nhà trời
lấy hơi mà thở
“Lạy cậu, lạy mợ
việc thợ bộn bề
cho cháu về quê
cho dê đi học
cho cóc giữ nhà
cho vịt chạy ra
                                               cho gà níu lại”.
    Ngoài ra còn có những bài vè 5,6 chữ cũng rất ngộ nghĩnh như các bài dưới đây:
Kỳ nhông là ông kỳ đà
kỳ đà là cha cắc ké
cắc ké là mẹ kỳ nhông
Lúa ngô là cô đậu nành
đậu nành là anh dưa chuộr
dưa chuột chị ruột dưa gang
dưa gang họ hàng dưa hấu
dưa hấu là cậu lúa ngô.
Sáo đen là anh gà cồ
gà cồ là cô sáo sậu
sáo sậu là cậu chim gi
chim gi là dì tu hú
tu hú là chú sáo đen.
    Cứ đi lòng vòng mãi, rốt cuộc không biết ai lớn hơn ai.
    Còn có những bài vè dài và gần như thơ lục bát như bài Vè cô Bốn:
Cái vè cô Bốn hát hay,
Tôi đố cô Bốn cối xay mấy nghiền?
Cối xay là hai trăm nghiền.
Tôi đố cô Bốn quan tiền mấy mươi?
Quan tiền là ba mươi đồng.
Tôi đố cô Bốn chợ đông mấy người?
Chợ đông vô giá quá chừng.
Tôi đố cô Bốn trên rừng mấy cây?
Trên rừng cây có cả trăm.
Tôi đố cô Bốn một năm mấy giờ?
Một năm là ba ngàn giờ.
Tôi đố cô bốn cây cờ mấy tua?
Cây cờ là hai cái tua.
Tôi đố cô bốn con cua mấy càng?
Con cua có hai cái càng, có tám cái ngoe.
Tôi đố cô Bốn chiếc ghe mấy chèo?
Chiếc ghe là hai người chèo.
Tôi đố cô Bốn con mèo mấy lông?
Chàng về tát cạn biển đông,
Ra đây tôi nói mấy lông con mèo.
    Cô này không bao giờ chịu thua dù là một câu đố khó.
    Dựa trên những bài vè, người ta đã tạo thành những bài hát dễ thương với giai điệu mộc mạc giản dị mà trẻ con rất thích, từ đó chúng ta có những bài đồng dao.  Có những bài chỉ hát nghe chơi như bài Con công hay múa:
Con công hay múa
nó múa làm sao?
nó rụt cổ vào
nó xòe cánh ra
nó đỗ cành đa
nó kêu ríu rít
nó đỗ cành mít
nó kêu chịch chòe
nó đỗ cành tre
nó kêu rau muống
nó đỗ xuống ruộng
nó kêu tầm vông
Con công hay múa. 
    Hay bài Rình rình ràng ràng:
Rình rình ràng ràng
ba gian chiếu trải
dệt vải cho bà
vải hoa vải trắng
đến mai trời nắng
đem vải ra phơi. 
    Hoặc bài Nu na, nu nống:
Nu na, nu nống
cái trống nằm trong
cái thông nằm ngoài
củ khoai chấm mật
bà Phật thổi xôi
ông tôi nấu chè
tò lẻ tò le. 
    Có nhiều bài khác lại đi kèm với các trò chơi như bài Tập tầm vông đi kèm với trò chơi Ðố tay.  Ðố tay là một người nắm hai bàn tay lại và giấu một vật gì đó trong một bàn tay.  Vừa đưa từng nắm tay ra vừa hát:
Tập tầm vông
tay không tay có
tập tầm vó
tay có tay không 
Ðố ai lấy mắt
ngó trong tay này
tay nào có?
tay nào không?
    Người chơi phải đoán trúng tay nào có dấu đồ vật mới được thắng.
     Bài Chặt cây vừa đi kèm với trò chơi Chồng nụ, chồng hoa.  Chồng nụ, chồng hoa là trò để các nắm tay lên nhau và đếm cho tới khi nào chữ cuối cùng của bài đụng tới nắm tay nào thì nắm tay đó bị loại ra.  Và lại bắt đầu bài hát, loại ra từ từ các nắm tay của các người chơi, cho tới khi nắm tay cuối cùng còn lại là người đó thắng.
Chặt cây vừa
chừa cây mộng
cây tầm phộng
cây mía lau
cây nào cao
cây nào thấp
cây mía vấp
chặt bỏ ra.
    Ngoài bài Chặt cây vừa, trò chơi Chồng nụ, chồng hoa còn được chơi với bài Tùm nụm, tùm nịu:
Tùm nụm, tùm nịu
tay tí tay tiên
đồng tiền chiếc đủa
hột lúa ba bông
ăn trộm trứng gà
bù xoa bù xít
con rắn con rít
thì ra tay này.
    Bài Úp lá khoai được chơi với các bàn tay úp xuống mặt bằng, và cũng được một người vừa đếm vừa chỉ vào các bàn tay cho đến chữ cuối của bài hát.  Tay ai bị trúng vào chữ cuối sẽ bị bỏ ra ngoài.  Lại hát tiếp và dùng phương pháp loại dần như trò chơi Chồng nụ, chồng hoa.
Úp lá khoai
mười hai chong chóng
đứa mặc áo trắng
đứa mặc áo đen
đứa xách lồng đèn
đứa cầm ống thụt
chạy ra chạy vô
đứa xách ống điếu
đứa té xuống sình
thúi ình chình ngủ.
    Cũng có thêm một bản Úp lá khoai khác ngắn hơn:
Úp lá khoai
mười hai  bông sứ
đứa lượm khoai từ
đứa đứng ngã tư
đứa ngồi ứ hự. 
    Bài Chi chi chành chành đi chung với trò chơi cùng tên.  Người quản trò lật ngửa bàn tay, hơi khum lại và các bạn khác để ngón tay trỏ của mình giữa lòng bàn tay của người quản trò.  Tất cả cùng ca chung với nhau cho tới cuối bài hát thì các bạn chơi phải chuẩn bị rút tay lại vì người quản trò sẽ nắm tay lại thật nhanh.  Bạn nào bị quản trỏ nắm được ngón tay là bị thua.
Chi chi chành chành
cái đanh thổi lửa
con ngựa chết trương
ba vương thượng đế
cấp kế đi tìm
con chim làm tổ
ù òa ù ập.
    Bài Vuốt nổ được chơi với bốn bàn tay của hai người chơi xen kẻ nhau mà vuốt nhẹ.  Sau đó, tự vỗ tay và lại vuốt tay bạn.  Sau ba lần như vậy, tay trái của mình vỗ tay trái bạn, rồi tự vỗ tay.  Xong, đổi lại tay phải mình vỗ tay phải bạn, lại tự vỗ tay.   Tiếp tục như thế cho đến hết bài.  Người nào vỗ trật tay hay trật nhịp coi như bị thua.
Vuốt nổ, vuốt nổ
tay vổ vào tay
nghe rộn ràng thay
tuê toa, tuê tóa
ăn trái gãy răng
ăn măng gãy đủa
ăn của nhà trời
ai ngồi xuống đây
bỏ lúa ai xay
bỏ mây ai chẻ
bỏ trẻ ai bồng
bỏ lồng ai ấp
mà đập tay vỗ
vuốt nổ vuốt nổ.
    Cũng như ca dao, vè và đồng dao được truyền tụng trong dân gian và không biết tác giả.  Nhưng những bài vè, đồng dao vẫn mãi mãi trong tâm hồn của những người Việt Nam từ khi thơ trẻ cho đến lúc trưởng thành.  Ðó là những kỷ niệm tuổi thơ, những dòng nhạc quê hương không bao giờ phai nhòa trong ký ức.   Trong khuôn khổ hạn hẹp của trí nhớ, tôi tin chắc là sẽ có nhiều sơ xuất xin quý bạn thông cảm.

Tư Hương

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Buôn Trấp quê tôi...


Hoàng hôn trên sông Krông Ana

Khi hoàng hôn buông, chút nắng cuối ngày cùng những áng mây chiều phản chiếu xuống dòng sông Krông Ana tạo nên cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, đem lại thật nhiều cảm xúc...
v
Dòng Krông Ana in bóng trời rực rỡ
v
Làng quê thanh bình 
v
Dòng sông tít tắp uốn lượn với những gam màu không bao giờ lặp lại
v
Ánh chiều còn sót lại dường như cũng ướt đẫm màu nước
7.JPG
Chiếc cầu vắt ngang một nhánh sông trở nên thơ mộng hơn
3.JPG
Hoàng hôn buông mành trên mặt sông phẳng lặng... 

B.T (Theo báo Đăk Lăk)

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Buôn Trấp quê tôi...

Chợ cá bên dòng Krông Ana

Chủ Nhật, 02/10/2011 20:00

Từ rất lâu, chợ cá bên dòng sông Krông Ana (thuộc thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana-Đắk Lắk) không chỉ là nơi giao thương hàng hóa mà đã trở thành một nét văn hóa rất riêng của mảnh đất trù phú này.

Chợ cá nơi đây chỉ náo nhiệt vào hai thời điểm chính là khoảng 3 giờ sáng và 14 giờ chiều, khi những chiếc thuyền đưa cá từ khắp nơi vào. Tuy nhiên, phiên chợ lúc 3 giờ sáng là thời điểm chợ cá đông nhất và được coi là phiên chợ chính ở bến cá này.

Dưới đây là một số hình ảnh chợ cá bên dòng sông Krông Ana:

 
Thuyền đánh cá về bến


Nghe tiếng máy là các cô, các mệ đã có mặt tại bến cá.

 

giúp những người đàn ông chuyển ngư cụ xuống bến

Cá nhanh chóng được đưa ra khỏi khoang thuyền

 
Phần lớn số cá vẫn còn tươi sống khi đưa về chợ



Sản phẩm thu được sau một đêm thức trắng lênh đênh giữa sông nước mênh mông...

Các mệ phân loại cá...

và việc mua bán diễn ra ngay tại bến sông

 Neo thuyền tại bến sông


Chợ cá cũng là nơi sửa chữa, đóng mới thuyền đánh cá

 
Thuyền bè nằm gối bãi nơi bến thuyền thơ mộng, chờ ngày làm việc mới

Theo Đàm Giang (Đắk Lắk Online)

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Những bài viết về người thầy

Chiếc lồng đèn ngôi sao

08/11/2013 08:40 (GMT + 7)
TT - Ở Mỹ Tho, hầu hết phụ huynh có con học bậc tiểu học đều biết tiếng tăm thầy Ẩn dạy toán rất giỏi. Tôi may mắn là học trò của thầy, nhưng đó là câu chuyện của hơn 30 năm trước.
                                                                                                        Minh họa của Nguyễn Ngọc Thuần
Còn một tuần nữa trung thu, thầy ra đề bài thủ công làm một lồng đèn ngôi sao. Tôi bối rối vì chưa biết tìm đâu ra tre để làm thì bạn Phương Hạnh ngồi cạnh đề nghị tôi đến nhà bạn làm chung vì nhà bạn có một bụi tre trước cổng. Hạnh bị liệt hai chân do bệnh sốt bại liệt lúc nhỏ, chân bạn phải nẹp và đi lại phải chống nạng. Tuy bị liệt hai chân nhưng Hạnh học khá giỏi và không hề tỏ ra mặc cảm, cả lớp tôi đều quý mến bạn ấy.
Sáng chủ nhật tôi đến nhà Hạnh rất sớm. Hạnh ở nhà một mình, ông ngoại Hạnh đi Sài Gòn có việc, trước khi đi ông đã đốn giúp chúng tôi một cây tre và chặt ra một đốt tre lớn. Tôi và Hạnh cặm cụi chẻ ra từng thanh nhỏ rồi vuốt cho đều, đốt tre khá dài nên chúng tôi biết rằng nếu làm ngôi sao thì lớn lắm nhưng cũng không dám chặt nhỏ vì sợ chặt không đều. Tre xước vào bàn tay tôi, kẽm đâm vào đầu ngón tay tôi đau điếng nhưng khi thấy được hình dạng hai ngôi sao chúng tôi rất vui. Không đủ tiền mua giấy kiếng hay giấy màu để dán hai chiếc lồng đèn quá lớn, chúng tôi cắt giấy bao tập dán cho hai chiếc lồng đèn, cố gắng làm mười chiếc tua ở mỗi cánh của ngôi sao.
Sáng thứ hai, tôi xách hai chiếc lồng đèn to tướng đến trường. Bước vào lớp, nhìn lồng đèn của các bạn, tôi từ tâm trạng vui sướng chuyển sang ỉu xìu. Khoảng một nửa số ngôi sao của các bạn giống của tôi nhưng nhỏ hơn. Một nửa số ngôi sao còn lại rất đẹp, những ngôi sao được dán giấy pơluya sang trọng, giấy kiếng thẳng đẹp, có cái có cả vòng tròn bao quanh. Các bạn có lồng đèn đẹp có vẻ vênh váo, cầm lồng đèn chạy tới chạy lui vừa khoe khoang, vừa săm soi trêu chọc chủ nhân của những chiếc lồng đèn khác.
Thầy đến, tất cả về chỗ ngồi. Nhìn đám học trò lao xao với những chiếc lồng đèn, thầy hỏi: “Các trò đã làm xong lồng đèn rồi à?”, “Dạ”. “Thầy gọi tên từng bạn mang lồng đèn lên bàn thầy chấm điểm”. Từng bạn, từng bạn xách lồng đèn chạy lên bàn thầy, tiếng bàn tán xôn xao, tôi thoáng nhìn thấy 5 điểm, 6 điểm trên hai chiếc lồng đèn đẹp nhất. Đến lượt mình và Hạnh, tôi hồi hộp xách hai chiếc lồng đèn bước lên, thầy cầm hai lồng đèn ngắm nghía ra vẻ thích thú, 10 điểm thầy ghi trên một góc ngôi sao. Tôi ấp úng: “Lồng đèn của con không đẹp bằng của các bạn”, thầy chỉ cười. Cả lớp tôi xôn xao hẳn, bạn nào nói: “Thầy thiên vị, chắc lồng đèn bự thì điểm lớn”, có tiếng cười chế nhạo.
Chấm điểm xong tất cả lồng đèn, thầy đứng dậy, bước đến giữa lớp nét mặt nghiêm nghị. Thầy chỉ vào bạn có chiếc lồng đèn dán giấy pơluya, hỏi: “Lồng đèn này do con làm?”. Bạn lúng túng rồi đỏ mặt: “Dạ, ba con làm giúp”, rồi đến bạn có chiếc lồng đèn có vòng tròn xinh xắn: “Dạ, anh Hai con làm”, bạn có chiếc lồng đèn dán giấy kiếng rất đẹp: “Dạ, chị nhà kế bên làm giùm”. Hỏi ba bạn xong, thầy ôn tồn nói: “Các con cầm lồng đèn của người khác làm đến chấm điểm cho mình là thiếu trung thực. Bài tập của các con mà nhờ người khác làm là các con thiếu lòng tự trọng. Thầy chấm điểm các con dựa trên điều các con học được, cố gắng làm được chứ không phải là kết quả của sự nhờ vả, như vậy là gian lận. Giá trị của con người là điều chính bản thân người đó làm được, người học hành đàng hoàng mới trở thành người hữu ích. Đáng lẽ thầy cho các con 0 điểm nhưng đây là lần đầu thầy tạm tha”.
Từ hôm được chấm 10 điểm cho chiếc lồng đèn ngôi sao, tôi tự tin hẳn lên, tôi cố gắng học thuộc bài ngay tại lớp, tranh thủ những buổi chiều chợ vắng khách ôn bài. Đến cuối học kỳ I tôi đã ở trong năm bạn đứng đầu lớp. Chiếc lồng đèn ngôi sao ấy tôi mang về treo trên bàn học nhỏ xíu của mình, mỗi năm cứ đến trung thu tôi lại thay giấy mới cho chiếc lồng đèn. Lên cấp II, cấp III, rồi đến lúc tôi xếp hành lý đi TP.HCM vào học ngành y Đại học Y dược TP.HCM cũng là lúc tôi từ giã chiếc lồng đèn trên bàn học của mình.
Thạc sĩ bác sĩ NGUYỄN THỊ TUYẾT LOAN